(HBĐT) - Hiện nay, tại làng Chiềng Vang ở huyện Lạc Sơn, trong gia đình ông Quách Phẩm còn lưu giữ hơn 100 bức ảnh đen trắng được chụp từ những năm 1930 - 1940 của thế kỷ XX, có giá trị về nhiều mặt. Qua thông tin các bức ảnh có thể cho ta thấy được phần nào về văn hóa, đời sống của người Mường trong thời Pháp thuộc. Trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, lịch sử tác động đến gia đình cộng với sự dịch chuyển nhiều lần, qua tay nhiều người, chất liệu ảnh cơ bản in trên giấy nên nhiều ảnh đã phai, ố, bong tróc, tuy nhiên có nhiều bức ảnh còn giữ được những nét cơ bản dễ nhận biết.

 

Đây là bộ sưu tập ảnh gia đình, các nhân vật chính trong ảnh cơ bản là người nhà, hầu hết các nhân vật trong ảnh đều có dàn dựng, bố trí, song các cảnh phía sau nhân vật, phục trang, cảnh vật và ảnh phong cảnh cho ta nhiều thông tin, tư liệu, cứ liệu văn hóa. Có thể chia thành các nhóm ảnh có các thông tin sau: ảnh phong cảnh; ảnh những người nổi tiếng khi đó, ảnh về phong tục tập quán; ảnh về   kiến trúc; trang phục người xưa; ảnh thời sự khi đó giờ có thể coi là ảnh lịch sử.

 

1. Địa điểm nổ ra cuộc biểu tình thị uy dẫn tới giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8/1945.

 

Trong bộ sưu tập có 2 bức ảnh quý đó là các bức ảnh chụp chợ Vụ Bản, thị trấn Vụ Bản vào khoảng năm 1940.

 

Bức ảnh cho thấy, chợ Vụ Bản nổi tiếng khi ấy được xây dựng ở khu bến xe khách ngày nay bên bờ đông sông Bưởi. Chợ được xây dựng thành hai dãy ở giữa có con đường rộng quang đãng cho khách đi chợ qua lại. Có hơn 20 ngôi nhà to, quá nửa nhà được xây bằng gạch, mái ngói rất đẹp, rộng rãi. Sát bờ sông nơi gần cầu phao có ngôi nhà to, bề thế, không rõ là nhà ai được xây rất đẹp. Chợ được vệ sinh quang đãng, sạch sẽ. Hậu cảnh xa xa nhìn về phía tây là đồn Tây cao hai tầng, dưới chân đồi ở chỗ sân vận động ngày có một ngôi đình khi đó chắc mới xây xong. 

 

Đây chính là chợ đã đi vào lịch sử của nhân dân Lạc Sơn, trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Lạc Sơn ” tập 1 có viết nguyên văn như sau: Sáng sớm ngày 20/8/1945 (14 tháng 7 âm lịch), hôm ấy, nhân dân các dân tộc ở Lạc Sơn từ vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Miền Đồi đến vùng xa xôi, hẻo lánh như Bình Hẻm kéo đến chợ (Vụ Bản) rất đông. Thực hiện phương án dự kiến, tự vệ chiến đấu cùng các hội viên cứu quốc Vụ Bản trương cờ đỏ, sao vàng cùng các biểu ngữ ở khu phố bên chợ. Anh Ba Lưu cùng các hội viên cứu quốc Đào, Hoa hướng dẫn quần chúng tập trung tại sân chợ nghe đại diện Việt Minh diễn thuyết. Đúng 8 giờ sáng, đồng chí Trương Đình Dần, ủy viên Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh Hòa Bình thay mặt lực lượng cách mạng dõng dạc tuyên bố: Xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến... Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình thị uy, đoàn quân cách mạng vượt sông Bưởi tiến sang chiếm châu lỵ buộc Quách Hàm, tri châu Lạc Sơn bàn giao chính quyền. Đồn trưởng đồn Vụ Bản cùng toàn bộ binh lính tuyên bố đầu hàng cách mạng.

 

 

Chợ Vụ Bản xưa là địa điểm nổ ra cuộc biểu tình thị uy do Việt Minh tổ chức tháng 8/1945 dẫn đến cướp chính quyền về tay nhân dân ở huyện Lạc Sơn.(ảnh chụp khoảng năm 1940).

 

 

Một bức ảnh khác chụp từ phía đồi truyền hình, ống kính hướng về phía đông - bắc cho thấy, thị trấn Vụ Bản khi đó khá sầm uất với những ngôi nhà xây kéo dài từ phía đông, tức khu nhà của doanh nghiệp Phong Mỹ đi lên phía bờ sông Bưởi ngã chảy từ Yên Phú   đổ ra.

 

Nay chợ Vụ Bản đã dịch lên cao hơn, về phía chân đồi Khót, dưới chân đền thờ Trần Hưng Đạo, chợ cũ giờ đã thành bến xe. Đồn Tây phía trên nhà tri châu không còn, thay vào đó bên dưới là Đài TT-TH Lạc Sơn với cột ăng-ten vươn cao.  Thị trấn Vụ Bản nay phát triển tỏa ra hai bên bờ sông Bưởi và dọc theo đường 12B.

 

2. Một số nét kiến trúc cổ người Mường qua các bức ảnh.

 

Chùm ảnh có hình kiến trúc nhà cửa cho thấy nhiều điều về kiến trúc xưa của người Mường. ảnh chủ yếu được chụp là các ngôi nhà trong khuôn viên nhà lang cun Mường Vang, ông Quách Hàm. ảnh chụp nhiều người xếp dàn 3 hàng ngang, mỗi hàng khoảng 50 người vừa bằng chiều dài một ngôi nhà sàn lớn phía hậu cảnh. Ngôi nhà sàn dài khoảng 18 - 19 m, gầm sàn cao khoảng 1,6 - 2 m. Qua ảnh cho thấy, ngôi nhà sàn được làm theo phong cách cổ truyền Mường. Mái nhà lợp tranh đan bằng lá cọ,  rộng đồ sộ hình lưỡi rìu hướng xuống, chân giọt ranh được cắt xén thẳng song song với xà đỡ sàn. Vách nhà được thưng ván rất vững chãi, đẹp. Các đầu xà đỡ sàn nhà bốn góc được tạc đầu rồng uy nghi. Một điểm rất đặc biệt, gầm sàn nhà lang cao gần 2 m nhưng cầu thang lên nhà sàn chỉ có 5 bậc, bình quân bậc cách bậc khoảng 40 cm, như vậy, các bậc khá thưa. Sao không phải là 7 hay 9 bậc, chứng tỏ yếu tố phong thủy và đo đạc theo thước Lỗ Ban đã được các gia đình quý tộc rất chú ý. Khoảng cách 40 cm trong thước Lỗ Ban ứng vào các cung vận rất đẹp, rất tốt cho gia chủ, số 5 lẻ là yếu tố văn hóa Mường chỉ sự may mắn.

 

Các nhà nhỏ trong khuôn viên được làm bình thường, vách nứa đan lóng hai, các điểm giao nhau giữa hai mái trái và mái chính không nối nhau như mái nhà hiện nay ta thấy. Toàn bộ mặt phằng mái trái từ dưới lùa dần co đi lên phía đỉnh nóc luồn vuông góc với cạnh mái chính. Mái chính để dài hơn điểm giao cắt với mái trái khoảng hơn nửa mét, như vậy để che gió, mưa không đánh tạt trực tiếp vào đường giao giữa hai mái.

 

Khuôn viên nhà lang thế lực nhất huyện Lạc Sơn khi đó mới chỉ rào bằng cọc tre, bạt nứa đan kín cao hơn 2 mét. Hàng rào cao, đan kín, nếu được gia cố cũng có thể coi là bức tường thành kín đáo, khá vững vàng trước các cuộc đột nhập nhỏ lẻ.

 

3. Chùm ảnh về phong tục, tập quán.

 

Về phong tục tập quán, bộ sưu tập có nhiều ảnh chụp cảnh đưa ma trong tang lễ nguyên chánh quan lang tỉnh Mường, ông Quách Vị, đồng thời cũng là lang cun ở Mường Vang vào năm 1943. Các bức ảnh có nhiều hình ảnh rất giá trị về văn hóa Mường như: Tang phục, vải bọc quan tài, nhà minh tinh... Đặc biệt, bức ảnh chụp lúc đưa quan tài xuống nhà sàn cho thấy, người Mường có làm một cầu thang cho ma đi. Cầu thang được làm bằng thân cây cau ken kín kiểu như sạp, tiếng Mường gọi là “ Man ri, mai ráp” - Cầu thang rì ráp, cầu thang chỉ dùng trong những ngày diễn ra tang lễ và cũng là để đưa quan tài xuống khỏi nhà sàn, sau tang lễ, người Mường phá bỏ đi. Ngày nay, các đám tang người Mường không còn làm cầu thang này     nữa chỉ còn trong hồi ức xa xăm. Quan tài hình tròn được bọc vải có thêu rồng, phượng rất đẹp.

 

Nhà táng, nhiều nơi gọi là nhà xe dùng để úp che quan tài khi đi trên đường được làm cầu kỳ, rất đẹp. Nhà xe cao khoảng 4 mét, dài khoảng 3 mét, bề rộng không rõ. Thân nhà cao khoảng mét rưỡi, trên có cột, không có vách để người ngoài dễ nhìn rõ quan tài bên trong. Mái nhà tạo hình kiểu mái ngói, có 2 tầng mái, khoảng giữa 2 mái là hình chữ nhật trên có 4 ô trang trí nhiều hình vẽ, không rõ là hình gì. Trên các góc mái có trang trí rồng, phượng, trên đỉnh nóc nhà xe có hình cái hồ lô. Qua quan sát bức ảnh cho thấy, những mô tả của nhà văn Phượng Vũ trong cuốn tiếu thuyết “Đất Mường” có nói đến đội trai tráng khênh cái niễng - sàn nhà táng trong một đám ma quý tộc Mường có khả năng đúng, nhà văn đã tả thực, không hư cấu vì trong ảnh những người khiêng chủ yếu mặc trang phục đen, đầu quấn khăn tang màu trắng. Việc này với các nhà dân người khênh nhà táng phải là con, cháu, dâu, rể thân cận, mặc tang phục trắng. Sau đó mới đến hàng xóm, người ngoài, những người này không mặc đồ tang.

 

Đoàn đưa ma còn có đội vải làm cầu cho hồn ma đi, đội trống, con cháu đưa ma, nghi thức nằm đàng, con trai người chết tay cầm gậy có gai, đầu đội mũ rơm... đều được ghi lại. Có những nghi thức đám ma nhà dân không có như đội nghi trượng, 2 người khênh võng điều... Cả nghi thức Nhà nước phong kiến cũng được thể hiện qua đội binh tốt đầu đội nón, vai vác súng làm kiêu binh.

 

Đây mới chỉ là những cái nhìn thoáng qua một số bức ảnh trong bộ sưu tập còn rất nhiều bức ảnh khác với nhiều điều ẩn trong đó chưa được nói lên. Một bộ ảnh sưu tập quý giá là những lát cắt của lịch sử, văn hóa của người Lạc Sơn rất đáng trân trọng, rất mong gia đình luôn lưu giữ, mong các cơ quan chức năng giám định chất lượng, thẩm định giá trị, định danh cũng như tôn vinh gia đình lưu giữ.

 

 

                                                                    Bùi Huy Vọng

                                            (Xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn)

Các tin khác


Nghệ thuật dân gian trong trang phục truyền thống của người Mường

(HBĐT)- So với một số dân tộc khác, trang phục của người Mường không có màu sắc rực rỡ mà đơn giản hơn nhiều, song cũng có những nét rất đặc trưng. Nam giới thường mặc áo ngắn hoặc áo dài, màu chàm, cài khuy, quần dài, rộng, thắt lưng quấn quanh cạp, đầu búi, quấn khăn dài, đầu khăn giắt sang hai bên, sau này cũng có dùng khăn xếp quấn như của người Kinh dưới xuôi.

Giang Mỗ - nơi ghi dấu chiến công Anh hùng Cù Chính Lan

(HBĐT) - Sinh ra trong một gia đình bần nông ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Cù Chính Lan sớm tham gia cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, anh là thế hệ thanh niên đầu tiên trong xã tình nguyện nhập ngũ lên đường giết giặc.

 Huyện Kỳ Sơn, vùng đất thức ở cửa ngõ tỉnh lỵ

(HBĐT) - Kỳ Sơn cũng là vùng đất cổ được hình thành khá sớm của tỉnh. Nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc Mường, Kinh, Dao huyện Kỳ Sơn đã chung sức xây dựng huyện ngày một phát triển toàn diện. Trước tháng 12/2001, vùng đất Kỳ Sơn rộng lớn, trù phú bao gồm các xã thuộc huyện Cao Phong hiện nay; nơi được biết đến là “thủ phủ” của cây mía tím, cây có múi cùng nét bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Hiện nay, huyện Kỳ Sơn có 10 xã, thị trấn gồm: thị trấn Kỳ Sơn, Dân Hạ, Dân Hòa, Hợp Thành, Hợp Thịnh, Phú Minh, Phúc Tiến, Mông Hóa, Độc Lập và Yên Quang.

Chiến thắng Hòa Bình tạo thế phát triển mới cho phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp (Tiếp theo số báo trước và hết)

(HBĐT) - Ngày 23/2/1952, địch bắt đầu rút chạy khỏi TX Hòa Bình. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích ven đường 6 đã kịp thời truy kích, chặn đánh, chia cắt toàn quân địch, dội pháo xuống đội hình hành quân tháo chạy của chúng. Tại Thịnh Lang, 2 đại đội địch bị tiêu diệt. Tại bến Ngọc, nhiều ca nô bị bắn chìm, xe giặc bốc cháy, hàng chục tên giặc tan xác. Trên các đoạn đường quốc lộ số 6 từ Phương Lâm đến Đầm Lấm, từ cầu Dụ đến Xuân Mai trên 1 tiểu đoàn giặc phải phơi xác.

Chiến dịch Hòa Bình - mốc son trong lịch sử chống thực dân Pháp

(HBĐT) - Đối phó với tình hình trên, Tỉnh ủy đã kịp thời huy động bộ đội, công an truy đuổi bọn biệt kích, lùng bắt bọn phản loạn. Bị thế trận chiến tranh nhân dân bao vây chia cắt, chặn đường chi viện tiếp tế, quân giặc ở phân khu thị xã, phân khu sông Đà ngày thêm khốn quẫn, tinh thần sỹ quan, binh lính ngày thêm sa sút.

Mường Động Kim Bôi, hướng phát triển toàn diện, bền vững

(HBĐT) - Dưới triều Lê, vùng đất Kim Bôi thuộc phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hóa. Đến năm Tự Đức thứ 5 (năm 1851), Kim Bôi là một tổng của huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai. Ngày 22/6/1886, khi tỉnh Mường Hòa Bình được thành lập, Kim Bôi là một tổng của phủ Lương Sơn thuộc tỉnh Mường. Ngày 15/4/1959, huyện Lương Sơn được chia thành 2 huyện: Lương Sơn và Kim Bôi. Lúc mới thành lập, huyện Kim Bôi gồm 22 xã. Sau những sáp nhập, chia tách, hiện nay, huyện có 28 xã, thị trấn. Toàn huyện có trên 116.000 người với 5 dân tộc anh em cùng chung sống là Mường, Kinh, Dao, Tày, Thái, trong đó, dân tộc Mường chiếm 82,4%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục