(HBĐT) - Con đường bê tông rợp bóng tre đưa chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ tại xóm Chiềng 1, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi - nơi anh hùng Bùi Văn Hợp sinh ra và lớn lên. Kín những khoảng tường trong ngôi nhà nhỏ là rất nhiều giấy khen, huân, huy chương. 45 năm sau ngày anh ngã xuống, câu chuyện về anh vẫn có sức sống mãnh liệt, là niềm tự hào của mảnh đất Mường Động anh hùng.
CCB xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) và người thân cùng ôn lại những chiến công vẻ vang của anh hùng Bùi Văn Hợp.
Anh hùng Bùi Văn Hợp sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước cách mạng. ông Bùi Văn ứng, Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Đồng cho biết: Anh Hợp là con trai của ông Bùi Văn Lương, nguyên là ủy viên ủy ban Hành chính xã Vĩnh Đồng. ông Lương là cán bộ cách mạng tận tâm, yêu nước. Ngày 18/4/1961, ông Lương đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc. Phát huy truyền thống cách mạng đó, lớn lên tại quê nhà, anh Hợp sớm tham gia dân quân, tích cực với công việc tuần tra, canh máy bay bảo vệ xóm làng. Lúc chưa đi bộ đội, anh Hợp đã là xạ thủ 12 ly 7 cùng lực lượng dân quân của tỉnh trực chiến bảo vệ cầu Lạng.
Trò chuyện với chúng tôi, CCB Bùi Hồng Nhi, anh rể của anh hùng Bùi Văn Hợp cho biết: Tôi nhập ngũ cùng năm với cậu Hợp, cùng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Cậu Hợp sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1968 khi chưa tròn 18 tuổi. Tham gia chiến đấu, liên tục từ năm 1969 - 1972, cậu Hợp làm nhiệm vụ trinh sát trong vùng khó khăn ác liệt nhưng trong mọi hoàn cảnh, Hợp luôn dũng cảm, mưu trí, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ngay sau khi tham gia chiến đấu, chỉ trong thời gian ngắn, người con của mảnh đất Mường Động đã sớm thể hiện khí phách anh hùng, gan dạ, mưu trí và đặc biệt là khả năng bắn giỏi. Ngày 15/5/1968, chiến sỹ Bùi Văn Hợp được nhận tấm bằng khen đầu tiên vì “đã lập được nhiều thành tích trong chiến đấu xuân hè năm 1968”.
Tiếp đó, ngày 8/4/1970, ở đồi 195 C Cam Pốt (Campuchia), đồng chí Bùi Văn Hợp đang tham gia chiến đấu thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, qua điều tra nắm chắc lực lượng địch đã dẫn đơn vị diệt 22 xe quân sự và sinh lực địch. Chiến công nối tiếp chiến công, tháng 5/1970, một mình đồng chí Bùi Văn Hợp đã tiêu diệt 15 tên địch, phá 2 xe quân sự góp phần vào chiến công vang dội của đơn vị là diệt 120 tên địch, phá 13 xe M113. Tiếp đó, ngày 9/1/1971, anh Hợp đã trinh sát nắm chắc mục tiêu, dẫn đầu đơn vị diệt 200 tên địch, phá hỏng 10 xe quân sự. Tháng 12/1971, qua trinh sát, anh báo cáo cấp trên đánh tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch và đoàn xe cơ giới. Nhờ vậy mà anh Hợp liên tiếp được nhận bằng khen vì thành tích xuất sắc trong chiến dịch Thu - đông năm 1970, chiến dịch Xuân - hè năm 1971.
Trận chiến bi hùng nhất của cuộc đời anh đó chính là từ ngày 19 - 21/6/1972. Lúc này anh Hợp là Trung đội trưởng trinh sát Đại đội 4, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7. Anh đã kiên cường một mình chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt một tiểu đoàn địch. Cá nhân anh đã sử dụng 4 loại vũ khí (tiểu liên, súng trường, B40, lựu đạn) cùng đồng đội đánh lui nhiều đợt tấn công của địch và anh dũng hy sinh ngày 21/6/1972 khi vừa tròn 22 tuổi. Với tinh thần chiến đấu và những chiến công vang dội đó, anh Hợp đã được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng ba, 3 Huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 1 Huy hiệu Quyết thắng, 2 Huy hiệu Chiến sỹ xung kích, 2 Huy hiệu Chiến sĩ thi đua, 7 bằng khen các cấp… Đặc biệt, ngày 5/2/ 1975, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” cho liệt sỹ Bùi Văn Hợp vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Dương Liễu
(HBĐT) - Ngày Quốc giỗ Hùng Vương là dịp để cháu con hôm nay nghĩ suy về truyền thống cha ông, tự hào về sức mạnh cội nguồn, về sự trường tồn của dân tộc.
Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, món ăn tinh thần trong đời người Mường ở tỉnh Hòa Bình nói chung và của người Mường huyện Cao Phong nói riêng. đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời.
(HBĐT) - Người Mường ở xã Mai Hạ xưa, nay vẫn tự hào về ẩm thực của họ, điều đó được ghi nhận qua việc truyền tụng trong xã hội những câu thành ngữ khá nổi tiếng: “Củ mài, rau sắng, măng đắng, mật ong” hay “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”…
(HBĐT)- So với một số dân tộc khác, trang phục của người Mường không có màu sắc rực rỡ mà đơn giản hơn nhiều, song cũng có những nét rất đặc trưng. Nam giới thường mặc áo ngắn hoặc áo dài, màu chàm, cài khuy, quần dài, rộng, thắt lưng quấn quanh cạp, đầu búi, quấn khăn dài, đầu khăn giắt sang hai bên, sau này cũng có dùng khăn xếp quấn như của người Kinh dưới xuôi.
(HBĐT) - Sinh ra trong một gia đình bần nông ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Cù Chính Lan sớm tham gia cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, anh là thế hệ thanh niên đầu tiên trong xã tình nguyện nhập ngũ lên đường giết giặc.
(HBĐT) - Kỳ Sơn cũng là vùng đất cổ được hình thành khá sớm của tỉnh. Nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc Mường, Kinh, Dao huyện Kỳ Sơn đã chung sức xây dựng huyện ngày một phát triển toàn diện. Trước tháng 12/2001, vùng đất Kỳ Sơn rộng lớn, trù phú bao gồm các xã thuộc huyện Cao Phong hiện nay; nơi được biết đến là “thủ phủ” của cây mía tím, cây có múi cùng nét bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Hiện nay, huyện Kỳ Sơn có 10 xã, thị trấn gồm: thị trấn Kỳ Sơn, Dân Hạ, Dân Hòa, Hợp Thành, Hợp Thịnh, Phú Minh, Phúc Tiến, Mông Hóa, Độc Lập và Yên Quang.