(HBĐT) - Theo quan điểm chung của giới nghiên cứu cho thấy, chế độ lang - đạo ra đời trong xã hội Mường từ giai đoạn đồ đồng chuyển sang giai đoạn đồ sắt, tương ứng giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Nhờ có công cụ bằng kim khí nên năng suất lao động tăng cao, của cải trong xã hội dồi dào hơn trước. Hình thức sở hữu tư nhân chiếm ưu thế tuyệt đối, xã hội phân chia giai cấp diễn ra mạnh mẽ. Giai đoạn đầu khi mới hình thành, chế độ lang - đạo còn gần gũi với nhân dân, đóng vai trò như là tù trưởng, thủ lĩnh, phù hợp với trình độ sản xuất, quản lý xã hội khi đó. Trải qua hàng trăm năm, chế độ lang - đạo tập trung cho mình quyền tuyệt đối về sở hữu tư liệu sản xuất, thậm chí cả người dân của mình, dẫn đến độc quyền trong phân phối sản phẩm, độc quyền trong việc đề ra các luật lệ. Dân Mường phải lệ thuộc và trở thành nông nô, lao động cho các nhà lang. Chế độ này dần thoái hóa, trở nên cực kỳ bảo thủ, phản động cản trở bước tiến của xã hội và dần trở nên mâu thuẫn, đối lập sinh tử với dân Mường và bị đánh đổ trong cách mạng tháng 8/1945. Loạt bài viết này xin lược giới thiệu về nhà lang và chế độ nhà lang nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tuy sơ lược nhưng toàn về chế độ này trong xã hội Mường trước tháng 8/1945.

Bài 1: Lịch sử ra đời của nhà lang

 

1. Phản ánh của Sử thi đẻ đất - đẻ nước:

Trong mo sử thi Đẻ đất - Đẻ nước của người Mường có chương mo đeé tlơởng điểng - đẻ trứng điếng, có những chi tiết nói về việc hình thành nên chế độ nhà lang thời sơ sử rất đáng chú ý. Tất nhiên sử thi không phải là chính sử nhưng nó cũng có những phản ánh gần với đời sống thời sơ sử và đáng để làm tư liệu trong công việc nghiên cứu.

 

Xin vắn tắt như sau: Cây si thần thoại sau khi bị ngã đổ, đã sinh ra đôi chim âl kẳi ưở -  chim ây cái ứá, đôi chim thần này đẻ ra một bọc trứng. Đôi vợ chồng chim mổ vách đá vàng thành hang để ấp trứng, gọi là hang Hanh hang Hao. Từ bọc trứng này sinh ra muôn vật từ cây cỏ, đến mây gió... Cuối cùng chỉ còn một quả trứng hình hộp ấp mãi không nở. Việc ấp trứng được mô tả khá nhiều chi tiết, từ chim ác, gà rừng, chim vàng anh... tất cả được mời vào ấp đều không đẻ, cuối cùng phải nhờ đến con chim Réo Rạ vào ấp, trứng mới nở. Từ bọc trứng này đẻ ra muôn loài, đẻ ra Tá Cài, Tá Cần, nàng Dạ Kịt và đẻ ra các giống người.

 

Trong bối cảnh thời sơ sử các mâu thuân xã hội liên tiếp xảy ra, các cuộc chiến giữa các bộ tộc xảy ra liên miên, đầu đã rơi, máu đã đổ:

- Chẻm khà nhơ chẻm khươ/ Chém nhau như chém chuối

Bó khà như chẻm loỏng/  Giết nhau như giết bụi chuối

Chết nhơ kâl roọng kẹnh rừng/ Người chết như cây rừng bị phát làm nương

Chắi tha nứng mẩw dó/ Chảy ra toàn máu đỏ

Zó tha nứng mẩw woàng/ Nhỏ ra nhiều máu vàng

Chắi tha thènh khoang, thènh bển.../ Chảy ra thành khoang, thành bến...

Mâu thuẫn xã hội đã ở mức tột đỉnh không thể hơn được nữa, đó là bối cảnh xã hội hỗn loạn không có người đứng đầu. Điều này được nói trong Mo Mường:

- ó mắt lể ngăi là đửa enh/ Biết lấy ai là người làm thủ lĩnh

Tha hơ lể ngăi là người mạng.../ Biết lấy ai làm người trên...

Cuộc sống khi đó đã bắt đầu hình thành xã hội có tổ chức, các tranh cấp bộ tộc khiến các thị tộc cần có người đứng lên làm thủ lĩnh dẫn dắt dân mường, cai quản mọi công việc, phân xử khi có tranh chấp xảy ra trong nội bộ, tổ chức dân mường chiến đấu bảo vệ bộ tộc.

Nghe nói trong hang Hanh, hang Hao có Tá Kài là người tài giỏi, người mường bàn nhau  mời ngài ra làm lang cai quản đất mường.

Thật không may Tá Kài khi ra khỏi hang Hanh, hang Hao bị con ma “Kốch” (sao Băng trên trời) đánh. Sau đó người Mường lại vào hang Hanh, hang Hao mời Tá Kần ra làm lang. Đây là vị lang kun đầu tiên trong lịch sử của người Mường nên người Mường còn gọi ngài là lang Kun Kần.   

 

Việc sinh ra con người được lý giải giản đơn từ bọc trứng, song những chi tiết sau đó nói về đời sống của người Mường thời sơ sử rất đáng chú ý và mô tả rất thực đời sống xã hội của người nguyên thủy từ trong hang ra định cư ngoài đồng bãi, khi đó bắt đầu hình thành xã hội có giai cấp, rất tự nhiên cần phải có con người làm thủ lĩnh để quản lý xã hội đó, đó chính là nguyên do ra đời của lang và chế độ nhà lang.

 

Từ đoạn Mo Mường trên các thế hệ sau này của lang - đạo rất tự hào về khởi thủy gốc gác của mình.

 

2. Ghi chép chính sử:

 

Sử cũ chép lại rằng: “Hùng vương đóng đô ở Phong Châu đặt tướng văn gọi là lạc hầu, võ tướng gọi là lạc tướng, con trai vua gọi là quan lang, con gái Vua gọi là Mị Nương, các quan nhỏ thì gọi là bô chính. Quyền chính trị thì cứ cha truyền con nối gọi là phụ đạo”.

 

Là người Việt Nam hẳn ai cũng biết câu chuyên “Sự tích bánh chưng”, nhân vật chính trong truyện là Lang Liêu, con trai Vua Hùng, nhờ làm ra bánh chưng mà được nối ngôi vua.

Lang - đạo là danh từ chỉ tầng lớp trong xã hội Mường, tuy chiếm số lượng ít trong cư dân Mường song lại đóng vai trò vừa là đẳng cấp trên vừa là đẳng cấp cai trị. Đạo là danh từ được nói đến trong người Mường, nó xuất phát từ “phụ đạo” là một chức danh do triều đình phong kiến miền xuôi trước kia phong cho các tù trưởng người dân tộc thiểu số ở miền núi trong đó có quan lang là người Mường

 

Các ông lang, ông đạo là những cá nhân cụ thể mang dáng dấp là thủ lĩnh, người đứng đầu trong các khu dân cư và xã hội Mường cổ truyền.

Trong phân cấp của mình, có lang Kun, đạo và các lang thường. Lang kun thường là các ông lang thuộc dòng trưởng, còn được dân gian mường gọi bằng các danh từ khác như:  ông chu, ông chưởng , chuổ đất - chúa đất... Lang thường và các đạo nhỏ thuộc dòng thứ

 

Chế độ nhà lang sinh ra tồn tại song hành cùng lịch sử người Mường, trong chính sử Việt Nam trong các triều đại phong kiến chủ yếu do người Kinh soạn thảo mang tư tưởng Nho giáo đề cao vai trò dân tộc đa số là chủ thể - Cụ thể ở Việt Nam là dân tộc Kinh - coi thường dân tộc thiểu số, thường gọi họ là người Man, người Thổ, nặng hơn nữa gọi là: Di tộc... Địa bàn người thiểu số sinh sống thì gọi là các động... Thế nên vai trò của các tộc người thiểu số và các cá nhân các tù trưởng ưu tú của các dân tộc thiểu số không không được ghi chép trong chính sử, chỉ khi họ gây ra những biến động lớn hay có những công trạng lớn với vương triều mới miễn cưỡng ghi vào. Các vị quân vương, các bậc anh hùng dân tộc có nguồn gốc hay hơi hướng ảnh hưởng của người thiểu số như: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi, Lê Lai vốn là phụ đạo (lang - đạo) người Mường... thì bị ghi chép làm mờ đi thân thế, nguồn gốc của họ. Cho đến ngày nay, một số dòng họ Đinh ở huyện Tân Lạc, Cao Phong vẫn thầm coi mình là hậu duệ của Đinh Tiên Hoàng dù chính sử không ghi song trong dân gian vẫn cho rằng ông là người Mường. Đặc biệt hơn người Mường ở Thanh Hóa vẫn kính trọng song rất dân giã gọi Lê Lợi là dạw tlam - đạo tram.

(còn nữa)

                                                              Bùi Huy Vọng (T.T.V)

Trong bài viết phần ghi tiếng Mường được sử dụng theo bảng chữ cái Mường được UBND tỉnh Hòa Bình công bố tháng 10 - 2016, theo đó: chữ “d” đọc như chữ “đ” trong tiếng Việt, chữ “z” đọc như chữ “d”, chữ “k” đọc như “c”, chữ “W” cuối âm tiết đọc như chữ “o” hay “u”.

Các tin khác


Đồng chí Lê Duẩn - tấm gương người chiến sỹ cộng sản kiên cường

(HBĐT) - Sau khi đất nước thống nhất, cả nước cùng tiến lên CNXH, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng XHCN ở nước ta. Đường lối ấy thể hiện những tư tưởng lớn của đồng chí về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; về nắm vững chuyên chính vô sản và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; về tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, coi công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ; về nền văn hóa mới và con người mới XHCN; về cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý...

Ngày Giỗ Tổ, nghĩ về sức mạnh cội nguồn dân tộc

(HBĐT) - Ngày Quốc giỗ Hùng Vương là dịp để cháu con hôm nay nghĩ suy về truyền thống cha ông, tự hào về sức mạnh cội nguồn, về sự trường tồn của dân tộc.

Phát huy giá trị của Mo Mường trong sử thi "Vườn hoa, núi cối vùng Mường Thàng, Cao Phong

Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, món ăn tinh thần trong đời người Mường ở tỉnh Hòa Bình nói chung và của người Mường huyện Cao Phong nói riêng. đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời.

Độc đáo phong vị ẩm thực xứ  Mường - Hòa Bình

(HBĐT) - Người Mường ở xã Mai Hạ xưa, nay vẫn tự hào về ẩm thực của họ, điều đó được ghi nhận qua việc truyền tụng trong xã hội những câu thành ngữ khá nổi tiếng: “Củ mài, rau sắng, măng đắng, mật ong” hay “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”…

Nghệ thuật dân gian trong trang phục truyền thống của người Mường

(HBĐT)- So với một số dân tộc khác, trang phục của người Mường không có màu sắc rực rỡ mà đơn giản hơn nhiều, song cũng có những nét rất đặc trưng. Nam giới thường mặc áo ngắn hoặc áo dài, màu chàm, cài khuy, quần dài, rộng, thắt lưng quấn quanh cạp, đầu búi, quấn khăn dài, đầu khăn giắt sang hai bên, sau này cũng có dùng khăn xếp quấn như của người Kinh dưới xuôi.

Giang Mỗ - nơi ghi dấu chiến công Anh hùng Cù Chính Lan

(HBĐT) - Sinh ra trong một gia đình bần nông ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Cù Chính Lan sớm tham gia cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, anh là thế hệ thanh niên đầu tiên trong xã tình nguyện nhập ngũ lên đường giết giặc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục