(HBĐT) - Nhìn chung, các sử gia, học giả đều có chung nhận định rằng chế độ lang - đạo của người Mường phát triển cực thịnh vào thời Lê và bị đàn áp suy yếu sau cuộc khởi nghĩa Lê Duy Lương. Vua Minh Mạng (trị vì 1820 - 1841) đã có những cải cách quan trọng như: Chia lại các châu, mường ở miền núi, tước bỏ quyền thế tập cha truyền con nối, tước bỏ các đặc quyền của các tù trưởng ở miền núi, trong đó có lang - đạo ở vùng Mường. Tuy vậy, chế độ lang - đạo vẫn dai dẳng tồn tại và chỉ bị đánh đổ khi cách mạng tháng 8 - 1945 thành công, chế độ mới được thiết lập.
Ở tỉnh ta, xưa các dòng lang - đạo thường mang họ: Đinh, Quách, Bạch, Hà... song đứng đầu vẫn là các dòng lang mang họ Đinh, Quách. Như dòng lang họ Đinh Thế ở Chiềng Lầm mường Bi - Tân Lạc. Dòng lang kun Đinh Công ở Mường Thàng - Cao Phong hay dòng lang kun họ Quách ở Chiềng Vang - Lạc Sơn...
Lang kun như trước đã nói là người đừng đầu cai trị một vùng mường lớn và ở mường Chiềng trung tâm. Lang nhỏ hay các đạo là người đứng đầu cai trị ở các làng mường nhỏ và trực thuộc vào dòng làng kun ở mường Chiềng. Tuy vậy, ở các vùng mường không có Chiềng cũng có những dòng lang thế lực rất mạnh và họ cũng được gọi là lang.
Nhà lang cũng như nhà dân qua nhiều thế hệ sinh đẻ nhà ai có một con trai thì việc khá giản đơn, nếu có từ hai người trở lên rõ ràng việc thừa kế làm lang kun hay lang chỉ có thể là con đầu còn gọi là con cả, còn các người em sau thì không thể. Nhiều dòng lang, ông bố mang tài sản đất đai ra chia cho các con, con cả bao giờ cũng được phần hơn. Sau này có thể do mâu thuẫn hoặc do không chịu nổi phận dưới nên các con thứ đi đến các mường khác để “ăn đất” và đương nhiên thành lang cai trị làng mường đó song vẫn phải trực thuộc lang kun. Điều này rõ ràng, vị lang mới lớp sau phần đa được thừa hưởng đặc quyền của nhà lang chứ không hề có công gì với dân mường sở tại. Mỗi người được lang kun cắt đất, san dân làm Lang cai trị một vùng, tất nhiên là nhỏ hơn lang kun. “ở vùng Vang, Vó (nay là các xã Nhân Nghĩa, Tân Lập, Tuân Đạo thuộc huyện Lạc Sơn) có 1.577 gia đình thì 23 gia đình làm lang và họ hàng nhà lang” (Lịch sử Đảng bộ huyện Lạc Sơn - tập I - Huyện ủy Lạc Sơn xuất bản năm 1996)
Việc nhận diện lang - đạo có nhiều học giả và nhiều cách nhìn nhận khác nhau song tựu chung lại có thể thấy rõ như sau: Lang kun là người đứng đầu một dòng lang và thường là con trưởng. Lang kun là con dòng trưởng và phải do vợ lang là người có họ: Đinh, Quách, Bạc, Hà sinh ra và được quyền thế tập. Nếu con trai nhà lang do vợ thứ là người họ Bùi... sinh ra dù có làm lang song cũng không được gọi là lang kun. Trong các mường có rất nhiều lang kun vì họ thuộc dòng trưởng song vẫn nghèo và thế lực rất hạn chế, chỉ bó hẹp trong địa hạt nhỏ mà ông ta còn giữ được. Điều này chứng tỏ không phải làm lang kun là thế lực mạnh.
Lang ủn, các đạo - lang em hay lang thứ, các đạo, thường được gọi chung là lang - đạo là nghành thứ em của thổ lang.
Nhà lang, là danh từ chung thường chỉ gia đình của lang song đôi khi cũng chỉ vào chính danh một lang nào đó.
Khi các triều đại phong kiến miền xuôi thực thi quản lý hành chính Nhà nước trên xứ Mường, có nhiều lang ra làm quan, những người này được gọi là quan lang. Có thể thấy, ban đầu khi mới hình thành, chế độ lang - đạo còn gần gũi với nhân dân, đóng vao trò như là tù trưởng, thủ lĩnh phù hợp với trình độ sản xuất, quản lý xã hội khi đó. Trải qua hàng trăm năm, chế độ lang - đạo tập trung cho mình quyền tuyệt đối về sở hữu tư liệu sản xuất, thậm chí cả người dân của mình dẫn đến độc quyền trong phân phối sản phẩm. Dân Mường phải lệ thuộc và trở thành nông nô, lao động cho các nhà lang.
Nói như vậy cứ là người có họ Đinh, Quách, Bạch, Hà... đều là lang thì không đúng. Chỉ có những gia tộc, dòng trưởng giàu có tạo dựng được thế lực lâu đời mới trở thành lang cun, còn rất nhiều các họ tộc, các gia đình mang họ Đinh, Quách, Bạch, Hà... đều là dân thường và cũng nghèo khổ như dân thường cũng phải đi làm xâu, làm no, phu phen tạp dịch cho nhà lang. Họ không hề được hưởng đặc quyền, đặc lợi như những người cùng họ làm lang.
Ở huyện Lạc Sơn có hai làng mường, đó là làng Mường Vỏ - xóm Vỏ, xã Xuất Hóa và làng mường Câu - xóm Câu, xã Tân Mỹ. Người dân ở hai làng này chủ yếu mang họ Quách, đó là họ lang. Song hai làng này vốn ruộng đất ít. Xóm Vỏ ở ven sông, bờ sông dốc và cao, làng Câu ở trong vùng đồi xa sông, suối chảy qua cạn một mùa... nên hai làng này trước kia chủ yếu là các nhà nghèo, thậm chí là rất nghèo so với các mường khác xung quanh. Song không vì thế mà họ quên đi gốc gác của mình, những người có họ: Đinh, Quách, Bạch, Hà... trước kia đều mang trong mình sự tự hào, họ coi mình là người: họ tlêênh - họ trên. Trong nếp sống, ứng xử vẫn duy trì lối ứng xử, xưng gọi như của nhà lang.
Tầng lớp lang - đạo đặc biệt là các lang kun có quyền lực và đặc quyền rất lớn đối với người dân trong lãnh địa của mình thể hiện qua tài sản, số lượng dân chúng có trong lãnh địa... Hình thức cai quản của lang - đạo với dân mường gần như là sự sở hữu của riêng ông ta, lãnh địa mường lớn gần như trở thành vương quốc riêng của lang kun. Điều này đã gây khó khăn cho các chính quyền quân chủ phong kiến miền xuôi khi thiết lập sự quản lý hành chính trên các vùng mường ở miền núi.
Trong công trình nghiên cứu về chế độ nhà lang, cụ thể về ruộng lang, nhà nghiên cứu Trần Từ đã chỉ rất rõ về tình hình sở hữu đất đai của lang - đạo ở vùng Kim Bôi trước tháng 8/1945. Theo đó, tuy có số đầu người, số hộ ít ỏi, song lang - đạo nắm giữ rất nhiều ruộng đất, vào khoảng trên dưới 30% tổng diện tích đất ruộng, cá biệt có lang - đạo, nhất là các lang cun chiếm tới 60% đất ruộng trong mường.
Lang - đạo, nhất là các lang cun ở các mường lớn thường sở hữu rất nhiều đất ruộng cấy lúa. “Mường Vang, Vó là nơi lắm ruộng cấy có trên 85 vạn bó mạ (1 bó mạ khi cấy chiếm diện tích khoảng 10 m2), nhưng nhà lang - đạo đã chiếm trên 50 vạn bó mạ, khoảng hơn 60% đất ruộng của Chiềng, trong đó, 19.500 bó ở cánh đồng Mường Vang. Nhiều hộ gia đình nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng cấy. ở xóm Rậm có trên 20 nóc nhà mà chỉ được sử dụng 2.000 mạ, trong đó, 10 hộ không có một bó mạ cắm dùi, hai thôn Tức Tranh, Thương Nhượng có 72 gia đình không có ruộng đất” (Lịch sử Đảng bộ huyện Lạc Sơn” - tập I - Huyện ủy Lạc Sơn xuất bản năm 1996).
Đây mới chỉ nói đến sở hữu đất ruộng cấy lúa, còn lại như: đồi, núi, rừng, sông, suối... và các loại nguồn lợi như: đặc sản rừng, thú rừng, cá dưới sông, cây rừng..., các nhà lang - đạo chiếm rất nhiều.
Từ những mảnh ghép rời rạc qua các tư liệu trên cho thấy, tình trạng bất công trong việc phân phối, sở hữu tư liệu sản xuất, từ đó dẫn đến những hệ lụy tất yếu đó là tình trạng phân hóa giàu, nghèo rất sâu, khoảng cách rất lớn trong xã hội Mường trước tháng 8/1945. Tầng lớp lang - đạo do nắm giữ phần lớn mang tính “chủ đạo” về tư liệu sản xuất nên nắm toàn quyền phân phối sản phẩm làm ra, từ đó càng củng cố vai trò cai trị, quyền lực và toàn quyền điều hành lao động trong địa hạt của mình.
(Còn nữa)
Bùi Huy Vọng(CTV)
(HBĐT) - Hiện nay, tại làng Chiềng Vang ở huyện Lạc Sơn, trong gia đình ông Quách Phẩm còn lưu giữ hơn 100 bức ảnh đen trắng được chụp từ những năm 1930 - 1940 của thế kỷ XX, có giá trị về nhiều mặt. Qua thông tin các bức ảnh có thể cho ta thấy được phần nào về văn hóa, đời sống của người Mường trong thời Pháp thuộc. Trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, lịch sử tác động đến gia đình cộng với sự dịch chuyển nhiều lần, qua tay nhiều người, chất liệu ảnh cơ bản in trên giấy nên nhiều ảnh đã phai, ố, bong tróc, tuy nhiên có nhiều bức ảnh còn giữ được những nét cơ bản dễ nhận biết.
(HBĐT) - Sau khi đất nước thống nhất, cả nước cùng tiến lên CNXH, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng XHCN ở nước ta. Đường lối ấy thể hiện những tư tưởng lớn của đồng chí về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; về nắm vững chuyên chính vô sản và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; về tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, coi công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ; về nền văn hóa mới và con người mới XHCN; về cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý...
(HBĐT) - Ngày Quốc giỗ Hùng Vương là dịp để cháu con hôm nay nghĩ suy về truyền thống cha ông, tự hào về sức mạnh cội nguồn, về sự trường tồn của dân tộc.
Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, món ăn tinh thần trong đời người Mường ở tỉnh Hòa Bình nói chung và của người Mường huyện Cao Phong nói riêng. đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời.
(HBĐT) - Người Mường ở xã Mai Hạ xưa, nay vẫn tự hào về ẩm thực của họ, điều đó được ghi nhận qua việc truyền tụng trong xã hội những câu thành ngữ khá nổi tiếng: “Củ mài, rau sắng, măng đắng, mật ong” hay “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”…
(HBĐT)- So với một số dân tộc khác, trang phục của người Mường không có màu sắc rực rỡ mà đơn giản hơn nhiều, song cũng có những nét rất đặc trưng. Nam giới thường mặc áo ngắn hoặc áo dài, màu chàm, cài khuy, quần dài, rộng, thắt lưng quấn quanh cạp, đầu búi, quấn khăn dài, đầu khăn giắt sang hai bên, sau này cũng có dùng khăn xếp quấn như của người Kinh dưới xuôi.