(HBĐT) - Chúng tôi có mặt tại buổi khai trương phòng trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉnh Hòa Bình” của Bảo tàng tỉnh vào những ngày cả nước có nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và tròn 70 năm ngày Bác lần đầu tiên về thăm tỉnh Hòa Bình (1947- 2017). Đây chính là hoạt động có ý nghĩa để tri ân và tưởng nhớ công ơn to lớn cùng những điều dạy bảo quý báu của Người đối với tỉnh ta.

Học sinh trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) thăm Phòng trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉnh Hòa Bình” tại Bảo tàng tỉnh.

 

Theo lời thuyết minh của cán bộ Bảo tàng tỉnh, chúng tôi và đông đảo đại biểu, giáo viên, học sinh được tìm hiểu những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình qua những bức ảnh, hiện vật được trưng bày. Phòng trưng bày được chia thành hai chủ đề chính. Chủ đề thứ nhất “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hòa Bình - Hòa Bình với Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1954”. Địa điểm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm là đồn điền Chi Nê (nay thuộc xã Cố Nghĩa, Lạc Thủy) vào ngày 21/2/1947. Ngoài những chuyến thăm, giai đoạn này, những lá thư thăm hỏi, khen ngợi, những chiếc áo ấm đậm đà tình cảm được Bác gửi tới những chiến sĩ yêu nước cũng như  tầng lớp trên trong những năm tháng khó khăn của Hoà Bình như ông Đinh Công Phủ, Đinh Công Huy, Đinh Công Niết… đã thu phục được họ ủng hộ và tham gia tích cực vào công cuộc kháng chiến. Tại phòng trưng bày còn có những lá thư Bác đã khen ngợi chị Nguyễn Thị Hợi (tức Minh Tâm) ở châu Mai Đà là “Cán bộ kiểu mẫu đã tổ chức dân chống giặc lập lại và giữ vững chính quyền nhân dân ở địa phương” ngày 29/1/1948. Chị Nguyễn Thị Vuông ở xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) là du kích chiến đấu dũng cảm đã vinh dự được gặp Bác ở chiến khu Việt Bắc. Anh Nguyễn Phi Hùng, chiến sĩ công an được Bác khen thưởng và tặng huy hiệu… Những bức thư tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy cảm xúc không chỉ là những lời thăm hỏi ân cần, tình thương yêu rất mực chân thành, sự cảm thông chia sẻ, khích lệ động viên của Bác đối với đồng bào và cán bộ tỉnh Hòa Bình mà còn là lời căn dặn ân tình của Người với những việc làm, yêu cầu rất cụ thể. 

Chủ đề thứ hai được trưng bày là “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hòa Bình trong công cuộc xây dựng CNXH giai đoạn 1954 - 1969”. Chúng tôi được xem những bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến  thăm trường Hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh ở Bến Ngọc, Kỳ Sơn ngày 19/10/1958. Tại đây, Bác đã nói chuyện với trên 300 cán bộ, bộ đội và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Trên đường công tác trở về, Bác đã ghé thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa thuộc Liên đoàn sản xuất Cửu Long của cán bộ miền Nam tập kết đóng ở xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn. Tiếp theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và làm việc tại trường Thanh niên lao động XHCN ngày 17/8/1962. Sau khi đi thăm cơ sở vật chất của nhà trường, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với trên 400 cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và hơn 1.200 cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường. Cuốn sổ vàng của nhà trường vẫn còn in đậm bút tích của Người với lời dạy: “Phải: Học tập tốt, lao động tốt; cố gắng mãi, tiến bộ mãi”. Trong chuyến thăm này, thấy dòng Sông Đà hung dữ nhiều thác ghềnh, Bác đã nói: Phải biến “thủy tặc” thành “thủy lợi”.  

Đến với Hòa Bình lần thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và làm việc tại cơ quan Huyện ủy Kim Bôi ngày 19/9/1964.  Cùng đông đảo học sinh có mặt tại phòng trưng bày, Bùi Bảo Lộc, học sinh lớp 10 C1, trường THPT Công Nghiệp chia sẻ: Cháu vinh dự được nhà trường cho đi dự lễ khai trương Phòng trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉnh Hòa Bình” tại Bảo tàng tỉnh, cháu  rất xúc động. Mặc dù được học những kiến thức về Bác trên ghế nhà trường nhưng hôm nay được nhìn những bức ảnh, hiện vật về Bác Hồ, nhất là những tình cảm của Bác với tỉnh ta, cháu thấy hình ảnh của Bác thật giản dị, gần gũi và càng thêm yêu quý Bác hơn… 

Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc, giáo viên môn lịch sử, trường THPT Công Nghiệp cho biết: Chúng tôi được nhà trường tạo điều kiện cho cô và trò 2 lớp 10 C1 và 11 C2 đi thăm Bảo tàng tỉnh. Chúng tôi thật sự thấy rất bổ ích và ý nghĩa. Qua hiện vật lịch sử, học sinh có thêm những hiểu biết về Bác đối với tỉnh Hòa Bình. Thấy được những hình ảnh Bác về thăm, bút tích, bức thư của Bác gửi động viên cán bộ, quân và dân Hòa Bình. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi - những giáo viên dạy lịch sử trong quá trình giảng dạy các em có những kiến thức lịch sử địa phương cụ thể và thuyết phục hơn. Đây sẽ là những tiền đề để thế hệ mai sau thêm tự hào, tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông trong sự nghiệp đổi mới…  

Đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh khẳng định: Đợt trưng bày này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thông qua các tài liệu, hiện vật là chứng minh, góp phần làm sáng tỏ hơn tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta. Tôn vinh và lưu giữ các kỷ vật, tư liệu lịch sử vô cùng quý giá của Hồ Chủ tịch đối với tỉnh, góp phần cung cấp tư liệu lịch sử khoa học cho công tác nghiên cứu lịch sử cách mạng của tỉnh. Qua đây cũng khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ, động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng. Tuy vậy, để có được trên 100 tài liệu hiện vật ở Phòng trưng bày không phải là dễ. Vì những tài liệu hiện vật này còn rất ít, bởi thời điểm Bác đến thăm tỉnh ta là thời kỳ chiến tranh, nhiều cuộc Bác đi rất nhanh, về rất nhanh. Sau thời gian sưu tầm, nghiên cứu, Bảo tàng tỉnh xây dựng đề cương trưng bày thành 2 chủ đề lớn. Tại 5 địa phương 4 lần Bác Hồ về thăm đã có 4 địa phương được cấp di tích cấp quốc gia đã có hồ sơ di tích. Bảo tàng tỉnh liên hệ với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và gia đình ông Bùi Thiện… để cung cấp thêm những tư liệu, hiện vật quý giá về Bác với tỉnh Hòa Bình. Những lần Bác về thăm Hòa Bình còn khắc sâu trong trí nhớ biết bao người. Mỗi địa danh trên quê hương Hòa Bình, nơi Người đặt chân đến đều trở thành những địa chỉ đỏ cách mạng.  

70 năm kể từ lần đầu tiên Bác đến Hòa Bình, khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

 

                                                                    Hương Lan 

Các tin khác

Không có hình ảnh

Xã Thu Phong âm vang chiến công bắn rơi máy bay Mỹ

(HBĐT)- Mảnh đất anh hùng Thu Phong (Cao Phong) đang từng ngày đổi thay. Thu Phong phủ một màu xanh bạt ngàn của những đồi cam. Trái cam vàng đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhưng trong tiềm thức của người dân nơi đây luôn âm vang chiến công oanh liệt dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ ngày 20/7/1966 của 5 dân quân xã Thu Phong.

Nhìn lại đôi nét lịch sử huyện Lạc Sơn, văn hóa Mường qua một bộ sưu tập ảnh quý

(HBĐT) - Hiện nay, tại làng Chiềng Vang ở huyện Lạc Sơn, trong gia đình ông Quách Phẩm còn lưu giữ hơn 100 bức ảnh đen trắng được chụp từ những năm 1930 - 1940 của thế kỷ XX, có giá trị về nhiều mặt. Qua thông tin các bức ảnh có thể cho ta thấy được phần nào về văn hóa, đời sống của người Mường trong thời Pháp thuộc. Trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, lịch sử tác động đến gia đình cộng với sự dịch chuyển nhiều lần, qua tay nhiều người, chất liệu ảnh cơ bản in trên giấy nên nhiều ảnh đã phai, ố, bong tróc, tuy nhiên có nhiều bức ảnh còn giữ được những nét cơ bản dễ nhận biết.

Đồng chí Lê Duẩn - tấm gương người chiến sỹ cộng sản kiên cường

(HBĐT) - Sau khi đất nước thống nhất, cả nước cùng tiến lên CNXH, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng XHCN ở nước ta. Đường lối ấy thể hiện những tư tưởng lớn của đồng chí về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; về nắm vững chuyên chính vô sản và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; về tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, coi công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ; về nền văn hóa mới và con người mới XHCN; về cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý...

Ngày Giỗ Tổ, nghĩ về sức mạnh cội nguồn dân tộc

(HBĐT) - Ngày Quốc giỗ Hùng Vương là dịp để cháu con hôm nay nghĩ suy về truyền thống cha ông, tự hào về sức mạnh cội nguồn, về sự trường tồn của dân tộc.

Phát huy giá trị của Mo Mường trong sử thi "Vườn hoa, núi cối vùng Mường Thàng, Cao Phong

Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, món ăn tinh thần trong đời người Mường ở tỉnh Hòa Bình nói chung và của người Mường huyện Cao Phong nói riêng. đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời.

Độc đáo phong vị ẩm thực xứ  Mường - Hòa Bình

(HBĐT) - Người Mường ở xã Mai Hạ xưa, nay vẫn tự hào về ẩm thực của họ, điều đó được ghi nhận qua việc truyền tụng trong xã hội những câu thành ngữ khá nổi tiếng: “Củ mài, rau sắng, măng đắng, mật ong” hay “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục