(HBĐT) - Không chỉ đơn giản là bày thức ăn lên lá chuối cho đẹp mắt, đỡ phải sử dụng nhiều bát đĩa mà khi nhìn vào mâm cỗ lá có thể biết đó là mâm cỗ dành cho "người dưới” hay dành cho "bề trên”, dành cho người sống hay dành cho người đã mất. Không chỉ đơn giản là ẩm thực, "cỗ lá” của xứ Mường Hòa Bình còn chứa đựng trong đó cả một câu chuyện văn hóa, một lối ứng xử phép tắc rất tôn ti trật tự trên - dưới thông qua ẩm thực của người Mường.
Mâm cỗ lá "hiện đại" được bày biện đẹp mắt nhưng vẫn giữ được những bản sắc văn hóa truyền thống trong ẩm thực của người Mường.
Để được lắng nghe câu chuyện của mâm cỗ lá truyền thống, chúng tôi đã tìm về mảnh đất Mường Vang, gặp Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng - một con người đã dành cả cuộc đời đam mê, nghiên cứu văn hóa Mường. Trò chuyện với chúng tôi, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) cho biết: Cỗ lá của người Mường Vang, Thàng và Động được bày biện khá giống nhau và khá đơn giản. Tuy nhiên, vẫn có sự phân biệt rất rõ ràng trong cách bày cỗ lá dành cho người dưới và người bề trên. Cỗ lá hay còn được gọi là "bộ ăn”, "lá thịt” nếu bày cho người bề dưới ăn thì thức ăn sẽ được bày trên lá mang (là các mảnh lá chuối ở hai bên tàu lá - PV). Còn nếu chuẩn bị cho bề trên ăn hay cúng thần linh thì sẽ bên dưới lá mang để bày thức ăn sẽ lót thêm ngọn của tàu lá chuối. Khác với các vùng Mường khác, người Mường Bi (Tân Lạc) có cách bày thức ăn trên cỗ lá khá đặc biệt và cũng có sự phân biệt khá rõ trong cỗ lá dùng để cúng và cỗ lá dùng để ăn. Cỗ lá dùng để cúng cũng sẽ căn cứ theo thứ bậc của đối tượng được thờ cúng để xếp trên lá mang hay lá ngọn. Điểm khác biệt lớn nhất trong mâm cỗ lá của người Mường Bi đó là cách bày thịt, lòng trên mâm cỗ.
Đối với cỗ lá dành để cúng tổ tiên, thần bảo trợ trong gia đình thì thịt luộc được xếp dưới cùng gối lên nhau, tạo thành hình vuông, vành thịt mỡ xếp ngang, phần bì quay ra. Các phần lòng, tim, gan được bày riêng, liền kề với thịt luộc nhưng đáng lưu ý là phần đầu nhọn của miếng tim, gan sẽ hướng ra ngoài, phần gốc (đầu to hơn) quay vào trong. Đây là xuất phát từ quan điểm dân gian của người Mường cho rằng ma hay thần linh (đối tượng được cúng - PV) thường ăn từ trong ra ngoài. Và ngược lại, mâm cỗ lá dành cho người ăn, thịt luộc được xếp theo kiểu xếp ngói, tạo thành nửa hình tròn, vành thịt mỡ xếp dọc. Các miếng tim, gan xếp đầu nhọn quay vào trong. Qua việc bày cỗ lá có thể thấy, người Mường có những quy định rõ ràng mang tính biểu tượng và phân định người trên, người dưới, các thế lực siêu nhiên. Đó cũng là lối ứng xử thể hiện văn hóa độc đáo của dân tộc Mường. Ngày nay, ngoài mâm cỗ lá truyền thống ở những vùng Mường cổ thì mâm cỗ lá trong đời sống hiện đại đã có nhiều "cải biên” nhưng vẫn mang đậm sự tinh túy của ẩm thực Mường.
Cỗ lá vẫn luôn tồn tại hàng ngày trong các bản làng của người Mường. Thưởng thức "cỗ lá”, không phải chỉ để cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với "muối hạt dổi” mà ta còn cảm nhận được tình cảm mộc mạc, chân thành của con người thông qua cách bày cỗ; cảm nhận được lễ giáo, văn hóa, phép tắc thông qua cách bày biện, trân trọng thức ăn trên mâm cỗ.
Tiến Quân
(HBĐT) - Trong xã hội, các gia đình sống sát nhau, làm nhà gần nhau, có chung một loại hình nghề nghiệp sinh tồn, xu hướng liên kết với nhau trong và ngoài huyết thống tạo nên các KDC.
(HBĐT) - Nghệ nhân mo là người nắm giữ các bài mo, có nổ, có các đồ tế khí: Túi khót, gươm, giáo, các loại mũ, áo quần... và là người trực tiếp thực hành diễn xướng mo Mường.
(HBĐT) -Trên thực tế, lang - đạo nhất là lang kun chúa đất có những đặc quyền như sau:
(HBĐT) - Chúng tôi có mặt tại buổi khai trương phòng trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉnh Hòa Bình” của Bảo tàng tỉnh vào những ngày cả nước có nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và tròn 70 năm ngày Bác lần đầu tiên về thăm tỉnh Hòa Bình (1947- 2017). Đây chính là hoạt động có ý nghĩa để tri ân và tưởng nhớ công ơn to lớn cùng những điều dạy bảo quý báu của Người đối với tỉnh ta.
(HBĐT) - Nhìn chung, các sử gia, học giả đều có chung nhận định rằng chế độ lang - đạo của người Mường phát triển cực thịnh vào thời Lê và bị đàn áp suy yếu sau cuộc khởi nghĩa Lê Duy Lương. Vua Minh Mạng (trị vì 1820 - 1841) đã có những cải cách quan trọng như: Chia lại các châu, mường ở miền núi, tước bỏ quyền thế tập cha truyền con nối, tước bỏ các đặc quyền của các tù trưởng ở miền núi, trong đó có lang - đạo ở vùng Mường. Tuy vậy, chế độ lang - đạo vẫn dai dẳng tồn tại và chỉ bị đánh đổ khi cách mạng tháng 8 - 1945 thành công, chế độ mới được thiết lập.
(HBĐT) - Theo quan điểm chung của giới nghiên cứu cho thấy, chế độ lang - đạo ra đời trong xã hội Mường từ giai đoạn đồ đồng chuyển sang giai đoạn đồ sắt, tương ứng giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Nhờ có công cụ bằng kim khí nên năng suất lao động tăng cao, của cải trong xã hội dồi dào hơn trước. Hình thức sở hữu tư nhân chiếm ưu thế tuyệt đối, xã hội phân chia giai cấp diễn ra mạnh mẽ. Giai đoạn đầu khi mới hình thành, chế độ lang - đạo còn gần gũi với nhân dân, đóng vai trò như là tù trưởng, thủ lĩnh, phù hợp với trình độ sản xuất, quản lý xã hội khi đó. Trải qua hàng trăm năm, chế độ lang - đạo tập trung cho mình quyền tuyệt đối về sở hữu tư liệu sản xuất, thậm chí cả người dân của mình, dẫn đến độc quyền trong phân phối sản phẩm, độc quyền trong việc đề ra các luật lệ. Dân Mường phải lệ thuộc và trở thành nông nô, lao động cho các nhà lang. Chế độ này dần thoái hóa, trở nên cực kỳ bảo thủ, phản động cản trở bước tiến của xã hội và dần trở nên mâu thuẫn, đối lập sinh tử với dân Mường và bị đánh đổ trong cách mạng tháng 8/1945. Loạt bài viết này xin lược giới thiệu về nhà lang và chế độ nhà lang nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tuy sơ lược nhưng toàn về chế độ này trong xã hội Mường trước tháng 8/1945.