(HBĐT) - Năm 2021, tỉnh sẽ có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình mở chuyên mục trên các ấn phẩm Báo in và Báo Hòa Bình điện tử, đăng tải nhiều tuyến bài viết về đất và người Hòa Bình, truyền thống lịch sử tỉnh Hòa Bình qua nhiều thời kỳ; nét bản sắc văn hóa và những phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó là những ghi nhận, đánh giá về thành tựu to lớn, những bước phát triển KT-XH của tỉnh hiện nay.

Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ; là vùng đất của sử thi Đẻ đất đẻ nước. Hòa Bình còn là vùng đất âm vang tiếng cồng, chiêng, những lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc Tây Bắc; là quê hương của những làn điệu dân ca, trường ca, truyện thơ mang đậm nét văn hóa dân tộc, giàu chất nhân văn sâu sắc. Những giá trị văn hóa đó đã tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Hòa Bình, hình thành nên cốt cách, phẩm chất của con người Hòa Bình.

Hòa Bình có vị trí quan trọng, ý nghĩa chiến lược ở Bắc Bộ, là cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, lên vùng Tây Bắc; là bản lề giữa đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với Tây Bắc, cửa ngõ thông sang Thượng Lào. Tỉnh có diện tích tự nhiên gần 4.600 km², phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp TP Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Nam giáp các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa. Tính đến ngày 1/4/2019, tỉnh có 854.131 nhân khẩu với các dân tộc chủ yếu như: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông và một số dân tộc khác; trong đó, dân tộc Mường chiếm khoảng 64%.

 Địa hình tỉnh bị chia cắt phức tạp, có độ dốc lớn. Vùng núi cao hiểm trở nằm ở phía Tây Bắc chiếm 46% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, với độ cao trung bình 600 - 700 m so với mặt nước biển và độ dốc 30 - 35°, có nơi trên 40°. Phía Đông Nam là vùng núi thấp, chiếm 54% diện tích tự nhiên, độ cao trung bình 100 - 200 m, độ dốc 20 - 25°. Tỉnh có nhiều sông, suối và hồ, đầm lớn, trong đó có sông Đà chảy qua địa phận tỉnh dài 151 km. Hồ lớn nhất là hồ sông Đà, diện tích mặt nước hơn 9.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3. Ngoài ra, Hòa Bình còn có trên 300 hồ vừa và nhỏ diện tích mặt nước hàng nghìn ha, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản. Thiên nhiên đã tạo ra cho tỉnh một số cảnh quan đẹp và kỳ thú như: Núi Cột Cờ (Tân Lạc), hang Can (TP Hòa Bình), hang Trại (Lạc Sơn), hang Đồng Nội (Lạc Thủy), khu du lịch đền Thác Bờ...

 Tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 22/6/1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường, tách phần đất có người Mường cư trú từ các tỉnh: Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội, Ninh Bình. Tỉnh Mường có 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ; tỉnh lỵ đặt tại Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc) nên cũng còn gọi là tỉnh Chợ Bờ. Đến tháng 11/1886 chuyển về xã Phương Lâm. Tháng 4/1888 được đổi tên thành tỉnh Phương Lâm, do Công sứ Pháp cai trị. Ban đầu tỉnh gồm cả Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên Châu, cùng với vùng có dân tộc Mường thuộc hai châu Thanh Sơn, Yên Lập (tháng 10/1888 cắt 2 châu này về tỉnh Hưng Hóa).

Ngày 5/9/1896, tỉnh lỵ tỉnh Mường chính thức được chuyển về đóng tại xã Hòa Bình, phía bờ trái sông Đà, đối diện với Phương Lâm. Từ đó, tỉnh Mường được gọi là tỉnh Hòa Bình, với 4 châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Đà. Huyện Lạc Thủy lúc này thuộc châu Lạc Sơn, đến năm 1908 chuyển về tỉnh Hà Nam. Từ đó, địa giới hành chính cơ bản ổn định. Đến tháng 5/1953, huyện Lạc Thủy cùng một số xã thuộc Nho Quan, Ninh Bình chuyển về tỉnh Hòa Bình.

Từ năm 1950, các châu được đổi thành huyện và các đơn vị hành chính huyện của tỉnh Hòa Bình có sự thay đổi: Ngày 21/9/1956, huyện Mai Đà chia thành 2 huyện: Đà Bắc ở phía Bắc sông Đà và Mai Châu ở phía Nam sông Đà. Ngày 15/10/1957, huyện Lạc Sơn chia thành 2 huyện: Lạc Sơn và Tân Lạc. Ngày 17/4/1959, huyện Lương Sơn chia thành 2 huyện: Lương Sơn và Kim Bôi. Ngày 17/8/1964, huyện Lạc Thủy chia thành 2 huyện: Lạc Thủy và Yên Thủy.

Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Hòa Bình với tỉnh Hà Tây thành tỉnh  Hà Sơn Bình. Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 9, ngày 12/8/1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Khi đó, tỉnh Hòa Bình có diện tích 4.697 km², dân số 670.000 người, gồm 10 đơn vị hành chính: 1 thị xã Hòa Bình và 9 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy.

Tháng 12/2001, huyện Kỳ Sơn chia thành 2 huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong. Ngày 27/10/2006, thị xã Hòa Bình trở thành đô thị loại III, với tên gọi là thành phố Hòa Bình.

Từ ngày 14/7/2009, 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, đều nằm ở phía Bắc của huyện Lương Sơn được tách ra và sáp nhập vào TP Hà Nội.

Từ ngày 1/1/2020, Theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, toàn bộ diện tích hơn 204 km2 của huyện Kỳ Sơn nhập vào TP Hòa Bình.

Tới thời điểm này, tỉnh Hòa Bình có 10 huyện, thành phố với 151 xã, phường, thị trấn.

(Còn nữa)

P.V (TH)


Các tin khác


Madeleine Colani - người có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Để tìm hiểu về cuộc đời và những đóng góp lớn lao của nhà nữ khảo cổ học Madeleine Colani - người có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình, chúng tôi được Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cung cấp những tài liệu quý về bà. 

Bài 2: Quy hoạch, tên gọi và thành phần cư dân trong các làng Mường cổ trong xã hội cổ truyền


(HBĐT) - Việc tụ cư lập làng Mường theo hình thái trên đây (được nêu ở bài 1) thể hiện rất rõ tính quy hoạch có thể là tự phát song đã thành nếp, truyền thống, một bộ phận cấu thành của văn hoá Mường. Nhìn nhận trong lịch sử có thể thấy rất rõ ý đồ của người Mường xưa, trong điều kiện ban đầu khai mở đất đai, khi đó, dân cư thưa thớt, đất đai bỏ hoang còn nhiều, tại sao người Mường không làm nhà, lập làng ở các vùng đất bằng phẳng mà lại chọn các địa thế mái thoải hay các chân đồi, chân núi?

Bài 1: Lịch sử ra đời và cách thức lựa chọn địa thế lập khu dân cư cổ truyền Mường

(HBĐT) - Trong xã hội, các gia đình sống sát nhau, làm nhà gần nhau, có chung một loại hình nghề nghiệp sinh tồn, xu hướng liên kết với nhau trong và ngoài huyết thống tạo nên các KDC.

Bài 2: Nghệ nhân mo Mường


(HBĐT) - Nghệ nhân mo là người nắm giữ các bài mo, có nổ, có các đồ tế khí: Túi khót, gươm, giáo, các loại mũ, áo quần... và là người trực tiếp thực hành diễn xướng mo Mường.

Bài 3: Đặc quyền của lang - đạo và quyền tối thượng đề ra luật lệ, thâu tóm tư liệu sản xuất


(HBĐT) -Trên thực tế, lang - đạo nhất là lang kun chúa đất có những đặc quyền như sau:

Dấu ấn Bác Hồ về thăm Hòa Bình qua những tài liệu, hiện vật lịch sử

(HBĐT) - Chúng tôi có mặt tại buổi khai trương phòng trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉnh Hòa Bình” của Bảo tàng tỉnh vào những ngày cả nước có nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và tròn 70 năm ngày Bác lần đầu tiên về thăm tỉnh Hòa Bình (1947- 2017). Đây chính là hoạt động có ý nghĩa để tri ân và tưởng nhớ công ơn to lớn cùng những điều dạy bảo quý báu của Người đối với tỉnh ta.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục