(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Do đó, kết cấu dân số theo dân tộc (tộc người) được xem là một trong những nét nổi bật trong dân số học ở Hòa Bình. Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009, Hòa Bình có 6 dân tộc có số dân đông hơn cả là dân tộc Mường (64%), dân tộc Kinh (26%), dân tộc Thái (4%), dân tộc Tày (3%), dân tộc Dao (2%), dân tộc Mông (0,3%); các dân tộc khác chiếm tỷ lệ rất thấp (cộng chung là 0,7%).

 

Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của nước nhà, đồng bào các dân tộc tỉnh luôn đoàn kết, có ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, bền bỉ, phấn đấu vươn lên trong phát triển KT-XH. Đồng thời, mỗi dân tộc đều thể hiện được nét bản sắc văn hoá riêng biệt, độc đáo, tạo nên nền văn hoá đa dạng, phong phú, đặc sắc…

Về nguồn gốc lịch sử, với kết quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học, khảo cổ học, dân tộc học..., thì hai dân tộc Mường, Việt từ ngàn năm trước đây có chung tổ tiên là người Lạc Việt - chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ ở Việt Nam.

Là một tộc người bản địa có cùng nguồn gốc xa xưa với người Kinh, sau khi phân hóa thành hai tộc người với đầy đủ yếu tố của từng dân tộc, người Mường tiếp tục lưu giữ và phát triển nền văn hóa của mình. Là chủ nhân lâu đời nhất của mảnh đất Hòa Bình, ngay từ thời xa xưa, người Mường đã cư trú ở khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Ở các vùng thấp, vùng thung lũng, nơi có nhiều đồng ruộng, đặc biệt là ở 4 cánh đồng trù phú của Hòa Bình là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động.

Người Mường sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, khai thác ruộng nương để trồng trọt và chăn nuôi. Trong đời sống văn hoá, nhiều giá trị nghệ thuật, văn hoá của dân tộc Mường như mo Mường (đang trên hành trình hướng tới di sản văn hóa thế giới), chiêng Mường (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), dân ca Mường, sử thi Đẻ đất - đẻ nước… vẫn được lưu giữ và được đánh giá cao.

Người Kinh tới Hòa Bình khá muộn và đến rải rác vào nhiều thời điểm khác nhau. Trong đó, có hai thời điểm quan trọng nhất là từ nửa sau thế kỷ XVIII và từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX, khi Nhân dân ta bắt đầu bước vào xây dựng và kiến thiết đất nước, nhất là trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) và sau năm 1979, khởi công xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Hiện nay, cùng với quá trình đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, đồng bào Kinh cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Người Thái ở Hòa Bình thuộc ngành Thái Trắng, chủ yếu sinh sống ở huyện Mai Châu. Người Thái chủ yếu là cư dân nông nghiệp. Người Thái ở Mai Châu vẫn còn gắn bó với ngôi nhà sàn truyền thống và giữ được nét bản sắc văn hóa truyền thống như lễ hội Xên Mường - Xên bản, múa xòe. Nhiều bản làng người Thái hiện đang hướng tới việc phát triển văn hóa du lịch cộng đồng, với nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Trên địa bàn tỉnh, người Tày có số dân đông thứ tư, sau người Mường, Kinh, Thái; nơi tập trung đông người Tày nhất là huyện Đà Bắc. Người Tày sinh sống chủ yếu dựa vào nghề nông, quần tụ thành các làng bản ở ven đường, dưới chân núi, ven sông, suối và các thung lũng.

Người dân tộc Dao (có Dao quần chẹt và Dao Tiền) cư trú tại các huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung ở các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Mai Châu, Cao Phong, Lương Sơn và TP Hòa Bình. Người Dao trước đây có cuộc sống du canh, du cư. Nhờ chính sách định cư, định canh của Đảng, Nhà nước, cuộc sống người Dao đã ổn định và từng bước đi lên. Người Dao vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo của dân tộc mình, như phong tục cấp sắc, Tết Nhảy, duy trì việc học chữ cổ trong gia đình, dòng họ…

Đồng bào dân tộc Mông tập trung chủ yếu tại 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu), gồm nhóm Mông đen và Mông hoa. Người Mông ở Hang Kia, Pà Cò chủ yếu làm nông nghiệp, hình thức canh tác nương rẫy là chính. Trước đây, đồng bào Mông ở Hang Kia, Pà Cò có trồng cây anh túc (cây thuốc phiện) và xem đó là một nguồn thu nhập kinh tế của gia đình. Từ năm 1993 trở lại đây, Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây anh túc trên địa bàn 2 xã và thay thế bằng một số cây trồng khác. Nhờ các chủ trương, chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, đời sống KT-XH của đồng bào Mông đã đổi thay đáng kể. Người Mông vẫn giữ được nét bản sắc văn hóa của mình (như trang phục, kiến trúc nhà ở, nghề rèn, ngôn ngữ, Tết Mông, lễ hội Gầu Tào, khèn Mông, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải…) và trở thành lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, sinh thái…

(Còn nữa)

P.V (TH)


 

Các tin khác


Hoa văn của núi rừng

(HBĐT) - Dệt thổ cẩm là nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Mường, Thái trên địa bàn tỉnh. Theo thời gian, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau, người Mường, người Thái Hòa Bình giữ gìn, phát triển nghề dệt truyền thống. Những tấm thổ cẩm là thước đo đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ.

Madeleine Colani - người có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Để tìm hiểu về cuộc đời và những đóng góp lớn lao của nhà nữ khảo cổ học Madeleine Colani - người có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình, chúng tôi được Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cung cấp những tài liệu quý về bà. 

Bài 2: Quy hoạch, tên gọi và thành phần cư dân trong các làng Mường cổ trong xã hội cổ truyền


(HBĐT) - Việc tụ cư lập làng Mường theo hình thái trên đây (được nêu ở bài 1) thể hiện rất rõ tính quy hoạch có thể là tự phát song đã thành nếp, truyền thống, một bộ phận cấu thành của văn hoá Mường. Nhìn nhận trong lịch sử có thể thấy rất rõ ý đồ của người Mường xưa, trong điều kiện ban đầu khai mở đất đai, khi đó, dân cư thưa thớt, đất đai bỏ hoang còn nhiều, tại sao người Mường không làm nhà, lập làng ở các vùng đất bằng phẳng mà lại chọn các địa thế mái thoải hay các chân đồi, chân núi?

Bài 1: Lịch sử ra đời và cách thức lựa chọn địa thế lập khu dân cư cổ truyền Mường

(HBĐT) - Trong xã hội, các gia đình sống sát nhau, làm nhà gần nhau, có chung một loại hình nghề nghiệp sinh tồn, xu hướng liên kết với nhau trong và ngoài huyết thống tạo nên các KDC.

Bài 2: Nghệ nhân mo Mường


(HBĐT) - Nghệ nhân mo là người nắm giữ các bài mo, có nổ, có các đồ tế khí: Túi khót, gươm, giáo, các loại mũ, áo quần... và là người trực tiếp thực hành diễn xướng mo Mường.

Bài 3: Đặc quyền của lang - đạo và quyền tối thượng đề ra luật lệ, thâu tóm tư liệu sản xuất


(HBĐT) -Trên thực tế, lang - đạo nhất là lang kun chúa đất có những đặc quyền như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục