Nhờ vốn chính sách, gia đình ông Bùi Đức Nhung, xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên (Cao Phong) đầu tư chăn nuôi, thoát khỏi diện hộ nghèo.
Gia đình ông Bùi Văn Thuấn, thôn Bái Tam, xã Đú Sáng (Kim Bôi) là một trong hàng nghìn hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn chính sách. Trước đây, do không có vốn nên kinh tế của gia đình ông Thuấn rất khó khăn, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã. Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Thuấn biết đến vốn vay ưu đãi của NHCSXH nên đã mạnh dạn vay vốn. Ban đầu là nguồn vốn vay cho hộ nghèo, vài năm sau là vốn cho hộ cận nghèo đã giúp gia đình ông đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ sự cần cù, thu nhập của gia đình ông Thuấn dần được cải thiện, cách đây 5 năm chính thức thoát khỏi diện hộ nghèo.
Khi đó, ông Thuấn tiếp tục được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để mua thêm 3 con bò sinh sản. Đến nay, gia đình ông đã có 15 con bò, gồm 5 bò cái, 7 bò thịt và 3 con bê. "Nhờ vốn chính sách, gia đình tôi có vốn để nuôi bò sinh sản, nuôi lợn nái, ngoài ra đầu tư trồng rau thương phẩm, mướp đắng lấy hạt. Mỗi năm, từ trồng trọt và chăn nuôi gia đình đã có thu nhập ổn định hơn. Nhờ đó cuộc sống khấm khá dần, có điều kiện cho con học hành”, ông Thuấn chia sẻ.
Gia đình ông Bùi Đức Nhung, xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên (Cao Phong) cũng là hộ vượt khó tiêu biểu nhờ sử dụng vốn chính sách hiệu quả. Những năm trước, trong lúc gặp nhiều khó khăn phát triển kinh tế vì không có vốn, gia đình ông Nhung đã được vay vốn từ NHCSXH. Có vốn, ông đầu tư nuôi trâu - hướng đi mà ông đã nung nấu nhiều năm bởi gia đình có lợi thế đồi rừng rộng, thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Nuôi trâu vỗ béo nên sau khoảng 2 năm là gia đình ông Nhung xuất bán. Số tiền bán trâu dùng để tái đầu tư con giống. Cứ xoay vòng như thế, những lứa trâu được xuất bán đã đem lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình ông Nhung.
"Từ nguồn vốn ban đầu cho vay hộ nghèo, kinh tế của gia đình tôi được cải thiện dần. Sau này, khi thoát nghèo lên diện cận nghèo, gia đình tiếp tục được NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn. Ngoài ra, gia đình tôi còn được vay vốn để xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch. Đây là nguồn vốn rất quý đối với những hộ khó khăn như chúng tôi”, ông Nhung chia sẻ. Được biết, nhờ sử dụng hiệu quả vốn chính sách, năm 2021, gia đình ông Nhung đã chính thức thoát nghèo và xây dựng được căn nhà mới khang trang.
Theo NHCSXH tỉnh, hiện nay chi nhánh quản lý 20 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt trên 5.084 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt trên 2.312 tỷ đồng (chiếm trên 45% tổng dư nợ). Từ đầu năm đến nay, đây là 3 trong số các chương trình tín dụng có doanh số cho vay cao (trên 530 tỷ đồng), với gần 9 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn.
Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Hoà Bình là tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nên nhu cầu được vay vốn ưu đãi của người dân rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn, bên cạnh vốn được Trung ương giao, chi nhánh đã nỗ lực huy động các nguồn vốn. Trong đó, tiếp tục chú trọng ưu tiên đáp ứng vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ mới thoát nghèo để họ có vốn đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Viết Đào
Trong 3 năm (2021 - 2024), trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Tỉnh uỷ về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Bôi đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện triển khai thực hiện hiệu quả Đề án này.
Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại cho các địa phương trong tỉnh. Tại huyện Lạc Sơn, mưa lũ đã tàn phá nhiều cây cối, hoa màu. Đặc biệt, vựa lúa Mường Vang ghi nhận gần 500 ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị đổ, hư hại.