Mưa lớn kéo dài khiến người trồng cam Cao Phong vô cùng lo lắng khi cây cam bắt đầu có hiện tượng thối rụng, nứt quả và vàng lá. 


Mưa lớn kéo dài, tại nhiều vườn cam ở huyện Cao Phong đã xảy ra hiện tượng nứt quả. 

Những ngày này, vợ chồng chị Đặng Thị Mai, xóm Nam Sơn 2, xã Thu Phong (Cao Phong) tất bật vệ sinh vườn, chống dựng những cây cam bị nghiêng đổ, bật gốc và thu dọn những trái cam rụng để mang đổ bỏ. Với hơn 500 gốc cam đang bước vào thời kỳ chắc quả, những ngày mưa bão vừa qua, gia đình chị Mai đã liên tục phải đào rãnh, tiêu nước để chống úng cho vườn cam. Tuy nhiên, với những khu vực đất bằng, tiêu úng chậm, cây cam đã có hiện tượng rụng trái, nứt quả và vàng lá. Chị Mai cho biết: Nếu không vệ sinh vườn ngay, trong điều kiện ẩm ướt, những trái cam thối có thể gây nấm bệnh cho cây và làm chua đất. Cùng với vệ sinh vườn, gia đình tôi chuẩn bị các chế phẩm vi sinh để bón cây nhằm phục hồi sau mưa lũ. 

Niên vụ 2024, toàn huyện Cao Phong trồng hơn 900 ha cây ăn quả có múi, trong đó hơn 700 ha cam, chủ yếu là cam canh, quýt Ôn Châu, cam V2, cam lòng vàng và cam Xã Đoài. Thời điểm này, ngoài quýt Ôn Châu đã cho thu hoạch, các loại cam khác hầu hết đều trong giai đoạn quả lớn và vào chắc quả. Đây là thời kỳ cây cam cần nhiều dinh dưỡng để nuôi cây và nuôi quả. Do mưa lớn kéo dài, cam rụng nhiều và bị nứt quả khiến người trồng cam Cao Phong lo lắng có thể ảnh hưởng đến sản lượng năm nay.

Chị Vũ Thị Thanh Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã 3Tfarm Cao Phong cho biết: Hợp tác xã có 15 thành viên với 21 ha cam đang thời kỳ chuẩn bị thu hoạch. Qua kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế các hộ thành viên, dù vườn cam không bị ngập úng kéo dài nhưng mưa nhiều, nắng lên cây cam bắt đầu có hiện tượng nứt quả, thối rụng và cây bị vàng lá. Thời điểm này, được sự tư vấn của chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp, chúng tôi đang hướng dẫn các hộ thành viên ưu tiên kích thích phục hồi bộ rễ, tạo điều kiện cho cây phục hồi ổn định. Cung cấp dinh dưỡng cho cây cam qua lá để bổ sung dưỡng chất nuôi quả, tránh rụng quả do cây tự rụng vì quá sức. Xử lý các cây bị vàng lá, thối rễ, kích thích cây tăng cường chống chịu với điều kiện bất thuận. 

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, huyện Cao Phong có khoảng 4,2 ha cam bị ngập úng khoảng 30 - 40 cm. Thời gian ngập úng không quá dài do người dân đã chủ động phương án tiêu úng. Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, mưa dứt, nắng lên mới là thời điểm đáng lo nhất, bởi đây là thời điểm cây dễ bị các loại nấm, sâu bệnh tấn công. Đặc biệt là nấm, bởi đất đang rất ẩm là điều kiện lý tưởng để các loại nấm, sâu bệnh phát triển. Vì vậy, phòng đã cử cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp hướng dẫn nông dân triển khai các phương án bảo vệ, chăm sóc phục hồi cây trồng nói chung, trong đó có cây cam.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, phòng NN&PTNT huyện Cao Phong đang hướng dẫn các hộ dân khẩn trương đào rãnh tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây gây hiện tượng úng cục bộ, hạn chế đi lại trên vườn. Dựng lại những cây bị đổ, nghiêng, cắm cọc giữ cây, không để cây bị lay động, làm đứt rễ. Tỉa các cành, lá, quả bị xơ tước do cọ xát gió bão; với những cành lớn cần quét vôi lên vết cắt; phun rửa sạch bùn trên tán lá cây ngay khi nước rút. Thu dọn tàn dư thực vật, quả rụng, quả thối ra khỏi vườn cây; đào hố dồn những quả thối xuống rồi lấy vôi bột rắc đều lên trên, lấp đất kín tránh nguồn nấm bệnh lây lan. Xới nhẹ lớp đất mặt để thông khí, chủ động phòng trừ bệnh thối rễ do nấm bằng các chế phẩm sinh học. 

Đ.H


Các tin khác


Huyện Lạc Thuỷ dồn lực khắc phục hậu quả mưa bão

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ đã có mưa lớn kéo dài. Mưa lũ gây ngập lụt khiến nhiều ngôi nhà, cánh đồng chìm trong biển nước. Ngay sau khi nước rút, người dân cùng lực lượng chức năng nhanh chóng bắt tay vào dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai.

Khắc phục các điểm tiềm ẩn, bất hợp lý, đảm bảo an toàn giao thông trên đường 12B

Tuyến đường 12B (Kim Bôi) có chiều dài 40 km, từ km 5+00 - km 45+00 đi qua địa bàn các xã: Tú Sơn, Đông Bắc, Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng, thị trấn Bo, Nam Thượng, Sào Báy, Mỵ Hòa. Đây là tuyến đường xương sống có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Tuyến đường đang được Tổng cục Đường bộ đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng mặt cắt tại một số đoạn, góp phần nâng cao năng lực thông xe, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).

Hội Nông dân huyện Kim Bôi: Xây dựng trên 300 lò đốt rác mini

Trong 3 năm (2021 - 2024), trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Tỉnh uỷ về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Bôi đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện triển khai thực hiện hiệu quả Đề án này.

Giá xăng giảm mạnh, về dưới 19.000 đồng mỗi lít

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm mạnh trong phiên điều hành theo chu kỳ vào chiều nay (12/9).

Cấm xe tải từ 1,5 tấn trở lên lưu thông trên cầu Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1318/UBND-KTN, ngày 09/8/2024, UBND thành phố Hòa Bình ban hành Thông báo số 129/TB-UBND, ngày 12/9/2024 về tổ chức giao thông trên cầu Hòa Bình. Theo đó, bắt đầu từ 11h30’ ngày 12/9 cấm các phương tiện xe tải có trọng tải từ 1,5 tấn trở lên lưu thông vào tất cả các khung giờ trong ngày trên cầu Hòa Bình.

Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên các sông

UBND tỉnh ban hành Công điện số 27/CĐ-UBND, ngày 12/9/2024 về đảm bảo an toàn đê điều trên các sông thuộc địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục