Trung tâm HTCĐ đã góp phần củng cố, phát huy hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; nâng cao trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật cho cộng đồng, góp phần ổn định CT – XH, góp phần thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cộng đồng dân cư.
Nhằm xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của TTHTCĐ, trong năm học 2017 - 2018, các phòng GD&ĐT tích cực tham mưu với UBND cấp huyện đầu tư, xây mới 5 TTHTCĐ với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện nay, một số địa phương như Lạc Thủy có 100%, Lạc Sơn có 83% TTHTCĐ của các xã, thị trấn được đầu tư xây dựng hoặc cải tạo nâng cấp sửa chữa để có trụ sở TTHTCĐ độc lập. Đến nay, 210/210 TTHTCĐ có tủ sách cộng đồng, 2.045/2.068 xóm, bản, tổ dân phố (chiếm gần 99%) có câu lạc bộ phát triển cộng đồng thôn với 4.724 nhóm thành viên. Công tác sưu tầm, biên soạn tài liệu, học liệu được nhiều trung tâm quan tâm thực hiện. Trong năm học, các TTHTCĐ đã huy động được 389.421 lượt người tham gia các chuyên đề, hoạt động. Sở GD&ĐT tổ chức 2 hội nghị tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thường trực của 210 TTHTCĐ.
Đánh giá sơ bộ cho thấy các TTHTCĐ đã thực hiện tốt việc kết hợp Nhà văn hóa – Thư viện xã và góp phần tích cực trong việc tổ chức các hoạt động, lớp học chuyên đề, cung cấp tài liệu, sách, báo cho người dân ở các thôn, xóm, bản, tổ. Các TTHTCĐ kịp thời kiện toàn Ban giám đốc khi có sự thay đổi; xây dựng đội ngũ các báo cáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên của TTHTCĐ là những người đang công tác và đã nghỉ hưu, những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Kết thúc năm học, các TTHTCĐ có 3.285 cán bộ quản lý, giáo viên, báo cáo viên. Trong đó có 630 cán bộ quản lý, 210 giáo viên biệt phái làm cán bộ thường trực, 2.445 giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên chuyên đề cấp huyện, xã.
Để đảm bảo cho các TTHTCĐ hoạt động hiệu quả, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính triển khai thực hiện hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các TTHTCĐ với tổng số tiền trên 8,5 tỷ đồng. Mỗi trung tâm được hỗ trợ từ 20 – 25 triệu đồng/năm. Các TTHTCĐ đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, xã tổ chức thu thập, biên soạn tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân trong cộng đồng.
Theo kết quả đánh giá, đến nay, toàn tỉnh có 45 TTHTCĐ xếp loại tốt, 115 trung tâm xếp loại khá, 50 trung tâm xếp loại trung bình, không có trung tâm xếp loại yếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát sinh một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của TTHTCĐ như: hiệu quả hoạt động của một số trung tâm chưa tương xứng với nguồn kinh phí đầu tư; số lượng các chuyên đề, hoạt động được tổ chức ít, chủ yếu thiên về văn hóa, văn nghệ, TD-TT. Một số trung tâm công tác quản lý, điều hành chưa sâu sát, năng lực chuyên môn còn hạn chế, chưa phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm được giao...