Học sinh trường mầm non Xuân Phong, xã Hợp Phong (Cao Phong) thực hành rửa tay đảm bảo vệ sinh tại trường học.
Cô giáo Lê Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường được đảm bảo có ý nghĩa quan trọng trong công tác dạy và học. Qua đó, giúp phụ huynh yên tâm gửi con đến trường.
Toàn ngành Giáo dục tỉnh hiện có 541 đơn vị, trường học, trong đó, 222 trường mầm non, 40 trường tiểu học, 33 trường THCS, 185 trường TH&THCS, 1 trường PTCS; 1 trường phổ thông liên cấp; 11 trường PTDTNT THCS&THPT; 1 trường PTDTNT THCS; 1 trường PTDTNT THPT; 35 trường THPT... Toàn ngành có 230.980 học sinh, sinh viên. Theo số liệu rà soát của các đơn vị, trường học, có 541 trường học (đạt 100%) có công trình vệ sinh, với tổng số 1.530 nhà vệ sinh, trong đó, 820 công trình vệ sinh cho học sinh. Đối với nhà vệ sinh, hiện nay, đã có nhiều trường sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, số nhà tiêu hợp vệ sinh ở các trường không đồng đều, một số trường học thuộc miền núi, vùng khó khăn đang sử dụng nhà tiêu 2 ngăn, không tránh khỏi việc ô nhiễm môi trường. Về công trình nước sạch, các trường đều sử dụng nguồn cấp nước từ giếng khoan hoặc nước máy, một số trường ở vùng cao, miền núi sử dụng nước tự chảy (mó nước) dẫn về bể sử dụng. Nhìn chung, nguồn nước sạch đối các nhà trường còn nhiều khó khăn, nhất là tại các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thủy.
Thời gian qua, thực hiện chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), đã có các trường học thuộc 60 xã trên địa bàn toàn tỉnh được hưởng lợi. Hiện nay, các trường đều đã có nhà tiêu, nguồn nước phục vụ cho cán bộ, giáo viên, học sinh, nhưng đều mới chỉ ở mức tạm, chưa đạt kiên cố nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn. Qua rà soát, năm 2020 mở rộng việc triển khai thực hiện ở 20 xã thuộc 9 huyện; đồng thời duy trì hoạt động của các xã đạt vệ sinh toàn xã để đạt bền vững sau 2 năm.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở GD&ĐT đang tăng cường năng lực truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh môi trường cho các đơn vị, nhà trường. Mục tiêu nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học. Tăng tỷ lệ số trường được truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch và vệ sinh môi trường; cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tiếp cận bền vững vệ sinh môi trường trong trường học. Mục tiêu cụ thể: 100% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các nhà trường của 20 xã thực hiện chương trình "Vệ sinh toàn xã” năm 2020, của các xã đã đạt "Vệ sinh toàn xã” (năm 2018, 2019) được và tiếp tục được cung cấp kiến thức, hiểu đúng, có kỹ năng nhận biết về nước sạch; sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách; rửa tay với xà phòng và nước sạch đúng cách, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Để hoàn thành mục tiêu đó, một số nội dung được tập trung triển khai trong thời gian tới như: Tập huấn về lập kế hoạch, báo cáo, kiến thức, kỹ năng truyền thông nước sạch, vệ sinh môi trường tại các đơn vị, trường học; tổ chức hội thi vẽ tranh tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh môi trường đối với học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động ngoại khóa thi tìm hiểu kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường đối với học sinh cấp THCS...
Dương Liễu