Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

 

Bệnh nhân được nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật ngày 9/5/2024.

Bệnh nhân Quách Thị P, 43 tuổi, cách một tuần trước khi nhập viện xuất hiện ho, sốt, khó thở nhẹ. Cùng ngày vào viện, bệnh nhân đột ngột ho ra máu đỏ tươi. Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ thấy tình trạng viêm phổi và giảm trao đổi khí ở đáy phổi trái. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có hình ảnh ổ áp xe thuỳ dưới phổi trái và nghi ngờ dị vật đường thở ở đoạn phế quản thuỳ dưới phổi trái. Khai thác tiền sử, bệnh nhân bị sặc thức ăn năm 18 tuổi, sau sặc xuất hiện ho dữ dội và khó thở. Trong vài năm trở lại đây, bệnh nhân thường phải nhập Trung tâm Y tế huyện để điều trị viêm phổi, trung bình 3 - 4 đợt điều trị/năm. 

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bệnh nhân được hội chẩn các chuyên khoa: Hồi sức tích cực, Hô hấp, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh. Các thầy thuốc đã tiến hành nội soi phế quản ống mềm có gây mê để khảo sát toàn bộ đường thở của bệnh nhân. Khi đưa ống nội soi đến phế quản thuỳ dưới phổi trái phát hiện một dị vật to bằng đầu ngón tay út, có nhiều góc cạnh, có đờm và mủ bao phủ bên ngoài. Dị vật chắn ngang phế quản làm cản trở thông khí của thuỳ dưới phổi trái, kèm theo tình trạng hoá mủ và áp xe hoá thuỳ dưới phổi trái. Ngoài ra, di vật di động theo nhịp thở, cọ vào thành phế quản gây chảy máu trong lòng phế quản.      

Các bác sỹ dùng kìm của ống nội soi kéo dị vật từ trong phổi bệnh nhân ra ngoài. Yêu cầu đặt ra phải đảm bảo hô hấp cho bệnh nhân, lấy được dị vật ra ngoài nhưng không làm tổn thương đường thở. Sau gần 1 giờ, với sự cố gắng của kíp nội soi phế quản, kíp gây mê hồi sức đã thành công trong việc lấy dị vật trong phổi bệnh nhân ra ngoài và hút sạch đờm mủ ở vị trí thuỳ dưới phổi trái. Nhận định ban đầu, dị vật là mảnh xương có trong thức ăn và không may bị sặc vào phổi.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình triển khai kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê từ tháng 4/2022, đến nay đã nội soi cho gần 1.000 lượt bệnh nhân với các bệnh lý đường hô hấp như: ung thư phổi, viêm phổi do vi khuẩn lao, viêm phổi do các vi khuẩn khác, viêm phổi do nấm, dị vật đường thở, sẹo hẹp đường thở… Đây là ca bệnh thứ 5 được ekip nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật trong phổi và là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân bị dị vật nằm ở phổi bên trái.   



TS. BS. Hoàng Công Tình
(Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Các tin khác


Tận tâm chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Hòa Bình nỗ lực triển khai các giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân thông qua việc tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; triển khai các dịch vụ kỹ thuật trong khám, chữa bệnh (KCB); xây dựng phong cách phục vụ văn minh, thân thiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Nắng nóng cao điểm, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quá tải bệnh nhân 

Trong đợt nóng lần này, Hòa Bình là một trong những nơi thuộc vùng tâm nóng; 3 ngày qua (27 - 29/4), nhiệt độ luôn ở mức cao từ 39 - 42 độ C, có nơi xấp xỉ 43 độ C. Nắng nóng khiến nhiều người dân trong tỉnh phải nhập viện cấp cứu, dẫn đến quá tải tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách của Đảng, Nhà nước, vì quyền lợi an sinh của nhân dân. Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh (KCB).

Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục