100% phòng chẩn trị hành nghề y học cổ truyền (theo tên đăng ký và được quản lý bởi Sở Y tế TPHCM) hay còn gọi phòng khám đông y, y học cổ truyền Trung Quốc (trên biển hiệu quảng cáo) đều có sai phạm và dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm bất chấp dư luận.
Quảng cáo kinh người
Bất kể tên gọi là phòng khám đa khoa Trung Quốc hay phòng khám y học cổ truyền thì “bí kíp” của tất cả các phòng chẩn trị y học cổ truyền này (sau đây được gọi tắt là phòng khám Trung Quốc) đều là “nổ” trong việc quảng bá, quảng cáo để thu hút bệnh nhân. Phòng khám Trung Nam (1509 đường 3-2, phường 16, quận 11) đã thực hiện hẳn một “tạp chí” khá hoành tráng với tên gọi Hữu Nghị Trung Nam thay cho tờ rơi phát khắp ngã ba, ngã tư của các con phố trên địa bàn quận 5, 6, 10 và 11.
Trong “tạp chí” này, những lời rao lôi kéo bệnh nhân rất lộ liễu, thô thiển, nào là: “Công nghệ siêu âm cường độ cao LEEP bảo vệ cổ tử cung của phụ nữ” hoặc “Giới thiệu công nghệ chỉnh hình bộ phận sinh dục với phương thức quốc tế - Công nghệ chỉnh hình bao quy đầu theo phương thức châu Âu…”.
Chúng tôi vào Phòng khám Trung Nam xin được khám bệnh tai mũi họng, cô nhân viên lễ tân nhanh chóng ghi phiếu và phát cho tôi một… thẻ bảo hiểm y tế Trung Nam rất oách, dặn mỗi lần đến khám trình thẻ sẽ được giảm đến 20% tổng chi phí khám bệnh.
Nấn ná tại phòng đón bệnh nhân với lý do chờ người nhà tới cùng khám, chỉ trong khoảng 30-45 phút, tôi đã thấy khá nhiều cô gái tìm tới đây để khám phụ khoa. B.T.N., ở quận 10, tâm sự thấy trên tờ “tạp chí” Hữu Nghị Trung Nam quảng cáo khám phụ khoa miễn phí nên rủ bạn gái cùng đi. Nhưng đến nơi thì nhân viên lễ tân giải thích với bệnh nhân đến khám miễn phí rằng các bác sĩ đã đi họp hết rồi, không có ai để khám cả.
Quảng cáo sai quy định của phòng khám đa khoa Trung Nam. Ảnh: T.L. |
Cũng trong cuốn “tạp chí” tự tung hô mình, Phòng khám Trung Nam còn có một bảng giá: phẫu thuật loại bỏ tuyến mồ hôi nhầy bằng công nghệ hiện đại: 1.800.000 đồng; phẫu thuật xâm lấn tối thiểu dây thần kinh lưng dương vật bằng công nghệ châu Âu: 3.200.000 đồng; phẫu thuật trĩ bằng công nghệ HCPT: 3.800.000 đồng… Đây là các phương pháp vi phẫu thuật mà các bệnh viện xếp hạng 1 mới được thực hiện.
Trong lúc tôi ngồi bắt chuyện với bạn N. thì các nhân viên lễ tân tới nghe lỏm và hóng chuyện. Sau đó chừng 10 phút, hai người đàn ông Trung Quốc xuống trao đổi gì đó, đứng nhìn chúng tôi nói chuyện với vẻ khó chịu ra mặt. Cuối cùng, một người tới nói tiếng Trung qua phiên dịch của nhân viên: “Sáng nay chúng tôi không khám bệnh, các cô vui lòng ra về”.
Như vậy, cả một đội quân lễ tân, bảo vệ đã làm nhiệm vụ cảnh giới để báo với quản lý khi thấy có người hỏi chuyện và tiếp xúc với các bệnh nhân tới khám tại đây.
Giá thuốc cắt cổ
Rời phòng khám Trung Nam, chúng tôi qua Phòng khám đông y Trường An tại 786 Hồng Bàng, quận 11. Sau khi đóng tiền vào khám với bệnh danh mặt nổi mụn giá 40.000 đồng, chúng tôi được đưa lên lầu 2 gặp bác sĩ.
Tại đây, vị “bác sĩ” Trung Quốc có mặt mũi rất dữ dằn đã bắt mạch cho tôi và phán rằng huyết của tôi bị nhiệt, cần phải uống thuốc để giải độc với thời gian là 20 ngày. Tôi hỏi giá thuốc là bao nhiêu, “bác sĩ” này nói 300.000 đồng/ngày, tổng cộng phải trả tiền thuốc là 6 triệu đồng! Hết hồn, tôi giả bộ lục tìm ví, nói rằng chỉ còn có vài chục ngàn đồng, để tôi quay về nhà lấy tiền rồi sẽ mua, thì “bác sĩ” này rất khó chịu.
Tôi nán lại hỏi nếu uống thuốc bị dị ứng có được đổi thuốc khác không thì vị “bác sĩ” này nhăn mặt nói không ai uống thuốc ở đây mà bị dị ứng cả. Khi tôi nói cần giấy kê toa thuốc thì cô phiên dịch nói ngay: “Ở đây chúng tôi có thuốc gia truyền, không thể kê toa được. Thuốc của chúng tôi là bửu bối, chỉ ở phòng khám này mới có”. Còn ông “bác sĩ” kia thì luôn miệng giục tôi mua thuốc.
Ngày hôm sau, chúng tôi tới Phòng khám y học cổ truyền Huê Hạ, số 8B Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5. Tiền công khám của Huê Hạ rẻ hơn Phòng khám Trường An 20.000 đồng, nhưng sau khi bắt mạch thì vị “bác sĩ” này cũng bảo tôi mua thuốc với giá 350.000 đồng/ngày và thời gian điều trị là 15 ngày cho mấy nốt trứng cá trên mặt. Nhân tổng số tiền là 4,5 triệu đồng, cô nhân viên phiên dịch nhấn mạnh rằng tôi bị cả tim và gan lẫn tỳ đều nóng nên phải uống thuốc ngay.
Thấy tôi còn chần chừ, ông “bác sĩ” người Trung Quốc hỏi tôi mang bao nhiêu tiền, dù mấy trăm ngàn đồng cũng được, cứ đặt tiền ở đây rồi hẵng về nhà lấy tiếp. Lấy cớ vừa đi chợ tiện đường vào khám nên không mang tiền, tôi nói sẽ quay về nhà lấy tiền ngay để mua thuốc. Ra khỏi cửa, cô nhân viên còn nói, yên tâm uống 15 ngày thuốc này là mặt mũi tôi nhẵn nhụi lại ngay.
Quản lý lỏng lẻo
Khi đi thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết các phòng khám Trung Quốc đều tập trung tại địa bàn của các quận: 10, 5, 11, 6 – nơi có nhiều người Hoa sinh sống. Ở trung tâm thành phố, quận 1 và 3 hiện nay không có một phòng khám nào còn hoạt động. Trước đây, tại số 24 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 cũng có một phòng khám Trung Quốc, nhưng đã đóng cửa.
Theo văn bản số 5678/SYT-QLDVYT về việc quản lý phòng khám có y, bác sĩ Trung Quốc của Sở Y tế gửi Sở Thông tin và Truyền thông ngày 14-10-2011 vừa qua, Sở Y tế đã cho rằng có 7 phòng chẩn trị có thầy thuốc người Trung Quốc trên địa bàn thành phố, trong đó có 2 phòng chẩn trị do các nhà đầu tư và y, bác sĩ Trung Quốc đăng ký hành nghề; 5 phòng chẩn trị có các y, bác sĩ Trung Quốc chỉ tham gia khám bệnh, chữa bệnh.
Cũng tại công văn này, Sở Y tế đã thừa nhận kết quả hậu kiểm các cơ sở hành nghề y, y học cổ truyền tư nhân có y, bác sĩ Trung Quốc cho thấy, 7/7 phòng chẩn trị có y, bác sĩ Trung Quốc đều có hành vi vi phạm như: không thực hiện việc kê đơn bằng tiếng Việt theo quy định; quảng cáo khi chưa có phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định; cơ sở hành nghề không có biển hiệu đúng theo quy định; không thực hiện việc mở sổ sách thống kê, theo dõi số lượng bệnh nhân, khách hàng được cung cấp dịch vụ y tế hàng ngày, không lưu sổ kê đơn thuốc; quảng cáo không đúng với nội dung đăng ký đã được duyệt.
Theo SGGP
Loại thuốc giúp kéo dài sự sống của con người tới 150 tuổi sẽ xuất hiện trong 5 - 10 năm nữa, theo tuyên bố của giáo sư Peter Smith, Trưởng khoa Dược, ĐH New South Wales, Australia.
Gặp phải tình trạng tràn dịch màng phổi bất thường, bệnh nhân Nguyễn Duy Hải bị cấm chỉ định phẫu thuật do dễ rơi vào trạng thái suy hô hấp, tử vong trên bàn mổ. Sau thời gian dài chuẩn bị, kế hoạch bóc tách khối u cho bệnh nhân buộc phải hoãn lại.
Mỗi người có hai bộ răng: bộ răng sữa và răng vĩnh viễn. Răng sữa cũng như răng vĩnh viễn có chức năng: ăn nhai, phát âm, thẩm mỹ, giao tiếp. Ngoài ra, răng sữa có vai trò quan trọng trong việc giúp cho trẻ có sức khỏe tốt, răng vĩnh viễn sau này mọc đúng vị trí đảm bảo sự phát triển thể chất của trẻ và có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống sọ mặt.heo
(HBĐT) - Ngày 8/11, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh và phòng LĐ – TB & XH huyện Lạc Thủy đã phối hợp tổ chức tặng bò sinh sản cho đối tượng người tàn tật xã Đồng Tâm.
(HBĐT) - Ngày 7/11, Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Đà Bắc tổ chức hội thảo “Nam nông dân gương mẫu thực hiện chính sách DS-KHHGĐ”. Tham gia hội thảo có 60 hội viên nông dân đến từ 6 đơn vị: xã Toàn Sơn, Hào Lý, Tu Lý, Cao Sơn, Hiền Lương và thị trấn Đà Bắc.
(HBĐT) - Những năm gần đây, xã Đồng Bảng (Mai Châu) có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Xã duy trì giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng bình quân từ 2 - 3%/năm. Năm 2010, trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng của xã chiếm tỷ lệ 13,6%, đến năm 2011 giảm còn 9,8%; trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 27,8% giảm còn 20,8%.