(HBĐT) - Trong lá đơn gửi Báo Hòa Bình, vợ chồng ông Bùi Văn Thức và bà Nguyễn Thị Đua, trú tại tổ 5, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) bày tỏ: “18 năm trước (năm 1998), vợ chồng tôi có mua 100m2 đất của ông Lê Văn Chăm, có giấy tờ chuyển nhượng, hàng năm đóng thuế đất đầy đủ - và đã xây nhà để ở. Thế nhưng, không hiểu tại sao em gái ông Chăm lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trên mảnh đất ấy và lấy đó làm cơ sở để đuổi chúng tôi đi, thậm chí còn kiện chúng tôi ra tòa”… phóng viên Báo Hòa Bình đã đã xác minh, tìm hiểu sự việc.

Nhiều năm qua, gia đình ông Thức, bà Đua luôn thường trực nỗi lo giữ đất, nhà tại tổ 5, phường Chăm Mát - TP Hòa Bình.

 

Thấp thỏm nỗi lo… mất đất, mất nhà!

“Từ hồi có đơn kiện tới giờ tôi sút cả 10 kg! Lo lắm, tôi đã chạy vạy nhiều nơi để thưa, hỏi nhưng chưa có được một câu trả lời thuyết phục”.

 

Theo lời bà Đua: Năm 1998, vợ chồng bà mua 100 m2 đất của ông Lê Văn Chăm ở tổ 5, phường Chăm Mát (là đất thừa kế của cha mẹ ông Chăm để lại - thời điểm đó chưa được cấp giấy CNQSDĐ). Do ông Chăm đi làm ăn xa nên đã ủy quyền cho bà Lê Thị Hòa (em gái ruột ông Chăm) làm thủ tục chuyển nhượng đất. Khi bàn giao tiền và ký kết thủ tục giấy tờ có sự chứng kiến của ông Phạm Quang Động, cán bộ địa chính phường Chăm Mát, ông Nguyễn Hữu Khả, tổ trưởng tổ dân phố số 5, phường Chăm Mát và chị Nguyễn Thị Hiền (hàng xóm). Tuy chưa được cấp giấy CNQSDĐ nhưng chúng tôi đã làm nghĩa vụ đóng thuế đất cho Nhà nước trên mảnh đất ấy từ 16 năm nay (có biên lai thuế nhà đất hàng năm kèm theo). Hơn thế, gia đình tôi đã sang nhượng một nửa (50 m2 đất) cho một hộ gia đình khác và đã xây dựng nhà ở trên diện tích 50 m2 còn lại. Những người thợ xây nhà ở cho chúng tôi năm ấy chính là chồng và các con của bà Lê Thị Hòa (điều này tất cả hàng xóm, láng giềng đều biết). Thế nhưng không hiểu bằng cách nào bà Lê Thị Hòa đã được cấp giấy CNQSDĐ chiếm cả phần đất 100 m2 mà gia đình tôi đã mua và đang sử dụng hợp pháp. Đầu năm 2007, vợ chồng bà Hòa phát đơn kiện gia đình tôi lấn chiếm 30 m2 đất. Đến ngày 27/4/2010, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình có Quyết định số 05 về việc “Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”. Nội dung nêu: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự sơ thẩm thụ lý số 51/2007/TLST-DS ngày 28/8/2007 về việc tranh chấp quyền sử dụng đất, xét thấy: Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được tòa án chấp nhận.

 

Gia đình bà Hòa đã rút đơn khởi kiện nhưng hàng ngày vẫn chửi bới, đe dọa gia đình tôi đòi trả đất. Đến đầu năm 2012, bà Hòa tiếp tục khởi kiện và lần này cho rằng: gia đình tôi đã “nhảy dù”, “cướp” 100 m2 đất của bà Hòa và yêu cầu cơ quan chức năng hủy hợp đồng chuyển nhượng  quyền sử dụng đất mà gia đình tôi đang giữ. Từ đó đến nay, gia đình tôi nhận hàng chục giấy triệu tập của TAND thành phố Hòa Bình đến để giải quyết vụ việc. Chúng tôi đã đến rồi đi và… chờ đợi nhưng không hiểu vì lý do gì mà đã mười mấy năm trôi qua vẫn không được Tòa án và các cơ quan chức năng giải quyết rõ ràng, thấu đáo.

 

Ngại… vì ảnh hưởng đến ANTT khu phố 

“Mười mấy năm trời tranh giành, cãi vã, tất cả hàng xóm, láng giềng đều biết, khi gia đình chị  Hòa ném đất, đá, săm lốp xe vào nhà tôi, tôi đã phải nhờ đến sự can thiệp của công an phường Chăm Mát. Tôi biết, cũng vì vụ việc của 2 gia đình chúng tôi mà từ nhiều năm nay tổ 5 không được công nhận là KDC văn hóa” - bà Đua bộc bạch.

 

Khi chúng tôi (PV) đến xác minh, tìm hiểu sự việc tại nhà bà Đua có sự góp mặt đông đủ các ông, bà: Phạm Quang Động - nguyên  cán bộ địa chính phường Chăm Mát; Nguyễn Hữu Khả - nguyên tổ trưởng tổ dân phố số 5; Cao Văn Tiến, tổ trưởng tổ dân phố (hiện tại); Nguyễn Thị Nhi, Trưởng ban công tác mặt trận tổ 5 và đông đảo bà con lối xóm. Họ là những người đã sống lâu năm trên mảnh đất này và biết tường tận việc giao dịch mua bán đất giữa 2 gia đình đã cùng lên tiếng: Chúng tôi thấy ngạc nhiên và bức xúc vì điều này. Việc chị Lê Thị Hòa được cấp giấy CNQSDĐ bao gồm toàn bộ diện tích 100 m2 mà ông bà Đua đã mua (nếu có) là điều không bình thường, nếu không muốn nói là có sai sót. Không những vậy, chị Hòa lại còn dùng chính sản phẩm có sai sót “tấm bìa đất” ấy để kiện tụng, đe dọa bà Đua và một số hộ liền kề, gây mất ANTT khu phố là điều không thể chấp nhận được.

 

Mong các cấp, các ngành hữu quan sớm vào cuộc để xử lý dứt điểm

 

Nêu lại sự với này với lãnh đạo chính quyền phường Chăm Mát, chúng tôi (PV) nhận được câu trả lời khá rành rọt: Vụ việc này UBND phường biết rất rõ. Căn nguyên là do cấp “nhầm” giấy CNQSDĐ. Việc này do lịch sử để lại và hiện tại, UBND phường không đủ thẩm quyền để giải quyết mà chỉ có thể hòa giải và hướng dẫn công dân làm thủ tục đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết. Để minh chứng cho sự “quan tâm” trên, ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường cung cấp cho chúng tôi (PV) biên bản hòa giải  của UBND phường đề ngày 6/11/2015, nội dung “Hòa giải việc tranh chấp đất đai của hộ gia đình ông Bùi Văn Thức và gia đình bà Lê Thị Hòa” . Trong đó phần kết luận nêu rõ: hội nghị hòa giải không thành, UBND phường Chăm Mát hướng dẫn gia đình ông Thức, bà Đua gửi đơn đến TAND thành phố Hòa Bình để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đại diện UBND phường, Công an phường… đã nhiều lần cử cán bộ đến phối hợp với tổ dân phố dàn xếp đảm bảo ANTT khi 2 gia đình xảy ra xích mích. Đại diện cho chính quyền sở tại chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc, làm rõ sự việc để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dân và giữ gìn ANTT trên địa bàn - ông Nguyễn Đức Hiếu tỏ bày.

Liên quan đến vụ việc trên, tại Văn bản số 3499, ngày 21/7/2016 của Văn phòng UBND tỉnh thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi tiếp công dân định kỳ ngày 15/7/2016 có nêu vụ việc của bà Đua như sau:

 -  Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình:

 + Hướng dẫn, giải thích cho bà Nguyễn Thị Đua về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp và thu hồi giấy CNQSDĐ theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Phối hợp thống nhất với TAND thành phố Hòa Bình trong việc giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện dân sự, trong đó, bà Nguyễn Thị Đua là bị đơn để các cơ quan hành chính có cơ sở giải quyết khiếu nại của công dân.

 + Chủ động giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong các hộ dân tranh chấp đất tại tổ 5, phường Chăm Mát; có biện pháp đảm bảo ANTT trong KDC, không để xảy ra điểm nóng về KN-TC trên địa bàn.

 - Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến để TAND tỉnh chỉ đạo TAND thành phố Hòa Bình giải quyết vụ việc khiếu kiện của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

                                                                         PBĐ-TL

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục