Chủ đầu tư dự án khách sạn Ánh Dương Hoà Bình giải trình một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án gây ra tình trạng chậm tiến độ thực hiện với đoàn giám sát của HĐND tỉnh.
Lãng phí tài nguyên đất
Trong những năm qua, tình hình quản lý và sử dụng đất trên địa bàn huyện Lương Sơn còn nhiều bất cập. Nhiều dự án được UBND tỉnh đồng ý cho phép nghiên cứu, khảo sát để thực hiện các thủ tục đầu tư nhưng thực hiện chậm tiến độ, kéo dài hoặc không thực hiện. Theo báo cáo của UBND huyện Lương Sơn, hiện, toàn huyện có 51 dự án chậm triển khai, gồm 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 49 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 2,380 triệu USD và 699,755 tỷ đồng. Các dự án này có quy mô sử dụng gần 2.600 ha đất. Đáng nói, trong hơn 2.600 ha đất của 51 dự án này có nhu cầu và đăng ký sử dụng hầu hết là đất rừng và đất sản xuất của người dân. Do vậy, đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân ở các địa phương có dự án đăng ký đầu tư.
Điển hình như dự án đầu tư xây dựng trồng rừng nguyên liệu và cây dược liệu quý hiếm của Công ty TNHH khai thác khoáng sản Hoà Bình có quy mô đầu tư 250 ha đất tại bản Ngọc Lâm, xã Cao Răm; dự án hạ tầng khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long do Công ty CP đầu tư xây lắp dầu khí đầu tư tại các xã Cư Yên, Nhuận Trạch, Tân Vinh với quy mô 60 ha; dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn do Công ty CP đầu tư Reenco Hoà Bình đầu tư tại xã Tân Vinh với quy mô gần 100 ha đất. Đặc biệt, dự án đầu tư trồng và phát triển rừng phòng hộ ở 5 xã Tiến Sơn, Liên Sơn, Cư Yên, Hợp Hoà, Cao Răm do Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư với quy mô sử dụng đất là 1.114 ha...
Tương tự, trên địa bàn TP Hoà Bình vẫn còn nhiều dự án "treo” cả chục năm nay dù đều ở vị trí đất "vàng” như: Dự án khu du lịch sinh thái đa năng hồ Dè - núi Đúng thuộc phường Hữu Nghị của Công ty TNHH TM&DV du lịch Thiên Anh; dự án hạng mục sân golf, sân tenis, sân tập bóng đá - khu liên hợp thể thao Tây Bắc do Công ty CP ĐTNL&XDTM Hoàng Sơn được cấp phép đầu tư từ năm 2012 tại phường Thịnh Lang nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa thực hiện; dự án khách sạn Ánh Dương Hoà Bình do Công ty CP ĐT&PT Ánh Dương Hoà Bình được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2017 tại phường Tân Thịnh. Đáng nói, dự án này trước thuộc chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản An Thịnh. Tuy nhiên, sau khi khởi công năm 2010, dự án đã không tiếp tục triển khai và được chuyển nhượng cho Công ty CP ĐT&PT Ánh Dương Hòa Bình. Sau khi được chuyển nhượng và thực hiện các thủ tục đầu tư từ năm 2017, đến nay, dự án vẫn bất động. Ngoài ra, vừa qua, UBND TP Hoà Bình đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 14 dự án với tổng diện tích 39,53 ha để mời gọi nhà đầu tư khác.
Người dân gánh chịu hậu quả
Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Quách Tùng Dương, Bí thư Thành uỷ Hoà Bình nhấn mạnh: Những dự án chậm tiến độ đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm thất thu ngân sách; gây bất ổn, xáo trộn trong một bộ phận đời sống xã hội. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp xử lý kịp thời, đồng bộ. Nhất là việc xử lý các dự án "treo”, trả lại sự trong sạch cho môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và ổn định cuộc sống, sản xuất của nhân dân. Về vấn đề này, vừa qua, thành phố đã tập trung thực hiện quyết liệt. Kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định chấm dứt, thu hồi 14 dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ để mời gọi các nhà đầu tư khác.
Còn theo đồng chí Nguyễn Đình Đua, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn thì các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện khá lớn. Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn huyện có 137 tổ chức, doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 11.806.441 m2; 70 hộ gia đình, cá nhân được UBND huyện giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 2.541.113,6 m2. Trong đó có một số dự án không triển khai, một số dự án chậm tiến độ. Do các dự án này chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất có quy mô lớn nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Nhiều gia đình nằm trong vùng dự án sau khi thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng không còn tiền, không còn đất để sản xuất, canh tác nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng: Thực trạng đó không chỉ làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển, tác động đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của tỉnh mà còn tác động không nhỏ đến tâm tư và đời sống của người dân, nhất là ở vùng nông thôn. Đáng lưu ý là tình trạng đó diễn ra ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Như dự án thu gom, xử lý rác thải của TP Hoà Bình tại xã Yên Mông sau nhiều năm vẫn "treo” nên toàn bộ lượng rác thải lên đến hàng chục tấn/ngày của TP Hoà Bình đều được đưa về xử lý tại khu xử lý rác thải của Công ty TNHH đầu tư thương mại Hoàng Long tại huyện Lương Sơn. Tuy nhiên, do lượng rác thải đổ về quá lớn, khu tập kết, xử lý rác thải liên tục trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong khu vực. Dù người dân đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
"Những hệ lụy từ các dự án "treo” đã rõ. Do vậy, tỉnh cần phải thực hiện biện pháp rà soát, kiểm tra xác định và có biện pháp, chế tài xử lý dứt điểm những dự án chậm tiến độ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, cũng như giải quyết triệt để những bức xúc trong nhân dân do tình trạng này gây ra” - đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nhấn mạnh.
(Còn nữa)
Bài 3 - Dự án chậm tiến độ -đâu là nguyên nhân?
Đinh Hòa - Mạnh Hùng