(HBĐT) - Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đạii (19/5/1890 - 19/5/2019), chúng tôi hòa cùng dòng người từ mọi miền Tổ quốc đến thăm Khu di tích K9 - nơi in bóng hình người Cha già của dân tộc đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng.



Mỗi năm, khu di tích lịch sử K9 - Đá Chông đón hàng nghìn lượt khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về thăm quan, du lịch. Ảnh: Du khách dâng hương tại Khu nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích K9 thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội), nằm cách thị xã Sơn Tây khoảng 25 km với diện tích rộng khoảng 275 ha, phần lớn là đồi núi, rừng và hồ nước rộng. Nơi đây sở hữu nhiều tảng đá thon nhọn tựa mũi chông, ngọn mác như mọc ở dưới đất lên, có lẽ vì thế mà người dân địa phương thường gọi địa danh này là Đá Chông.

Ngược dòng lịch sử, tháng 5/1957, Bác Hồ đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị”. Trên đường về, Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa tại nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi và chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi, làm việc của Bác và Trung ương. Ngày 23/2/1958, Bác lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Đến năm 1960, Cục Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp, nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là công trường K9. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên làm việc tại đây.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh "đi xa", Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969, công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Để giữ bí mật, K9 đổi thành K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969, thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969.

Thăm quần thể khu di tích, chúng tôi xếp hàng thành từng đoàn đến dâng hương báo công, tưởng nhớ đến Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ngày 17/2/2014 và khánh thành ngày 2/9/2015. K9 được chia làm 3 khu vực gồm khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách, khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ ngơi, khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ. Từng hình ảnh nơi đây đều gắn liền với hình bóng của Bác từ ngôi nhà 2 tầng được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn của Bác ở khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đến ngôi nhà phục vụ hay vườn cây rộng, khu nhà khách, sân bay trực thăng… Căn phòng ăn rộng 17m2 có bố trí bàn ăn dành cho 6 người và một giá để chậu nước, khăn lau. Những kỷ vật trong phòng bếp từ chiếc phin pha cafe tới khay đựng đồ ăn, dao dĩa, bát đũa,... được gìn giữ cẩn thận hầu như không thay đổi nhiều so với trước đây. Phòng ngủ của Bác cũng giản dị chỉ với chiếc giường nhỏ và vài ba đồ vật quen thuộc. 

Xúc động nhớ về Bác, anh Nguyễn Văn Định, du khách đến từ Thái Bình chia sẻ: "Đến với K9 - Đá Chông lần này, không chỉ thăm cảnh quan khu di tích, tôi cũng như các thành viên trong đoàn được hiểu thêm phần nào về Bác - Người vĩ đại mà hết sức giản dị. Dịp này, tôi đưa các con đến dâng hương tưởng nhớ về Bác, để các cháu ghi nhớ công ơn to lớn mà Người đã cống hiến cho dân tộc và cũng để học tập lối sống khiêm nhường, tiết kiệm, ý chí kiên cường không quản ngại khó khăn của Bác Hồ”.
        
 Hơn 40 năm Bác rời xa nơi này, nhưng đâu đó vẫn còn hơi ấm của Người, để K9 - Đá Chông trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Thanh Sơn

Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục