Lịch sử đã đưa Thiếu tướng Phan Khắc Hy sát cánh cùng cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, gắn bó với đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch cung cấp binh lực, lương thực, vũ khí cho miền nam. Năm nay dù đã 92 tuổi, nhưng những hồi ức hào hùng, anh dũng vẫn đậm trong ông.


Vượt đường Trường Sơn vào chiến trường. Ảnh tư liệu

Những kỷ niệm trên con đường huyết mạch

Do yêu cầu của chiến trường, tháng 5-1971, tướng Phan Khắc Hy được điều vào làm Chính ủy Đoàn 470, phụ trách cung đường từ nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia đến nam bộ, với nhiệm vụ vận tải chi viện cho chiến trường miền nam.

Vào đến Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559), ông gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (được mệnh danh là "người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn”, "kiến trúc sư hệ thống đường hầm mầu lam”), vốn là bạn chiến đấu ở quê hương Quảng Bình. Ông Nguyên vui mừng giữ ông lại, rồi điện đề nghị Quân ủy Trung ương để ông làm Phó Tư lệnh Đoàn 559 kiêm phụ trách Tổng cục Hậu cần Tiền phương.

Trường Sơn, nơi chiến trường không quân Mỹ tập trung khí tài, phương tiện hiện đại nhất, đã thực hiện 733 nghìn trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống hơn bốn triệu tấn bom đạn các loại - nên cũng ác liệt nhất và man rợ nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Nhưng đây cũng là nơi mà ý chí của con người đã chiến thắng mọi tàn bạo của chiến tranh, mọi khó khăn, trở ngại của thiên nhiên khắc nghiệt trên núi rừng Trường Sơn - thể hiện khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Bản thân tướng Phan Khắc Hy cũng bị thương nặng bởi bom từ trường. Đó là tháng 10-1971, trong chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị của các đơn vị. Khi đến Binh trạm 12 trên đường 12, lực lượng công binh rà soát, phát hiện một quả bom khoan sâu xuống đất. Đơn vị công binh cho xe phóng từ đi qua thì quả bom không nổ, nên đoán là bom nổ chậm. Nhưng kỳ thực, đó là bom từ trường đã cải tiến lần ba, cài chương trình hẹn giờ của ngòi nổ, lúc tắt, lúc mở. Nên đoàn kiểm tra quyết định cho xe đi qua nhanh để tránh bom. Nhưng xe vừa đi qua thì quả bom phát nổ, đồng chí Binh trạm trưởng hy sinh. Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy cùng với Chính trị viên Tiểu đoàn Công binh, một vệ binh và tài xế bị thương nặng. Ông được đưa về Binh trạm 12 để phẫu thuật, rồi ra Bệnh viện Quân y 108 ở Hà Nội điều trị hai tháng.

Nơi đây, ông vẫn giữ những kỷ niệm đẹp như bảo đảm an toàn trong hành trình của lãnh tụ Cu Ba Phiđen Caxtơrô vào tháng 9-1973 thăm đường 9, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Cam Lộ (Quảng Trị). Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ quân phục mầu xanh ôliu đứng trên đỉnh đồi phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào chiến sĩ ta lúc đó.

Tuy tuổi đã cao nhưng trí nhớ tướng Hy vẫn minh mẫn. Ông cho biết, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một công trường lao động vĩ đại, một chiến trường tổng hợp đánh bại cuộc chiến tranh dài ngày ác liệt nhất, với vũ khí hiện đại nhất. Lịch sử ghi đậm thời khắc hào hùng này, 60 năm trước, 19-5-1959, ngày sinh nhật Bác Hồ, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559, do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền nam. Biết bao khó khăn, gian khổ đã đến với Đoàn trong điều kiện"Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Vì sự nghiệp giải phóng miền nam, Đoàn 559 vừa thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược vừa xây dựng và phát triển. Sau hai năm thành lập, ban đầu chỉ với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, ngày 23-10-1961, Đoàn 559 đã trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn. Được sự đồng ý của hai Đảng, hai Nhà nước Lào - Việt Nam, ngày 16-4-1961, Đoàn 559 đã chính thức lật cánh từ đông sang tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện trên đất bạn Lào, mở ra một thời cơ mới, điều kiện mới để xây dựng và phát triển tuyến chi viện. Chưa đầy 5 năm thành lập, ngày 3-4-1965, Đoàn công tác quân sự đặc biệt trở thành Bộ Tư lệnh 559, đơn vị tương đương cấp quân khu. Cũng từ đây, Bộ Tư lệnh 559 đã chuyển sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới chi viện cho chiến trường.

Ngày 29-7-1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - đơn vị cấp quân khu. Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn trải rộng trên địa bàn của 11 tỉnh Việt Nam, bảy tỉnh nam Lào và bốn tỉnh đông bắc Cam-pu-chia, thống nhất chỉ huy các lực lượng của Việt Nam hoạt động ở Trung và Hạ Lào. Từ năm 1973 đến 1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu, với chín sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và một vạn thanh niên xung phong. Trong 16 năm xây dựng phát triển, Bộ đội Trường Sơn dũng cảm, mưu trí phục vụ hiệu quả các chiến dịch tổng tiến công, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước mùa xuân 1975.

 

Thiếu tướng Phan Khắc Hy.

"Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và quân đội ta. Là con đường chiến lược, anh hùng và huyền thoại, với hệ thống đường bộ gồm năm trục dọc, 21 trục ngang ở đông và tây Trường Sơn, với tổng chiều dài 20 nghìn km; xây dựng 1.400 km đường ống xăng dầu từ Quảng Bình xuyên Trường Sơn vào tới tỉnh Bình Phước; xây dựng 4.000 km đường dây tải ba và 11.569 km đường dây bọc hữu tuyến; đào đắp, san lấp 29 triệu m³ đất, đá, san lấp 78 nghìn hố bom; phá 13.400 quả bom và 85.100 quả mìn các loại; bắn rơi 2.455 máy bay; đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu 18.740 tên địch. Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù và muôn vàn khó khăn, gian khổ, thử thách, khốc liệt, vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa bao gồm: vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men… và 317.600 tấn xăng, dầu, qua dãy Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền nam, giúp nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Đưa, đón hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ dân chính Đảng vào, ra Trường Sơn an toàn, chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn và từ miền nam ra bắc học tập, công tác. Đánh giá thành tích của Bộ đội Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu rõ: "Bộ đội Trường Sơn đã thấm nhuần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường, thông minh, sáng tạo, vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn, ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ với tinh thần "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, bảo đảm sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn”.

Hòa bình lập lại, là Bộ đội Cụ Hồ trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân cũ và mới, ông luôn khắc ghi lời của Bác Hồ kính yêu: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cuộc kháng chiến đã hoàn toàn thắng lợi cho thấy quyết tâm bảo vệ độc lập, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, phát triển của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tướng Hy rất vui khi thăm lại con đường mòn trong chiến trận trước đây nay đã trở thành đường Hồ Chí Minh của thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa khai thác tiềm năng kinh tế phía tây đất nước.

 

                   TheoNhandan

Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục