(HBĐT) - Thực tế cho thấy, nhiều dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư hơn chục năm trời nhưng vẫn chỉ nằm… trên giấy. Có nhiều dự án dù đã được gia hạn lần hai hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư nhưng các nhà đầu tư vẫn không triển khai theo tiến độ yêu cầu, dẫn đến những thiệt hại nặng nề không chỉ đối với cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp mà cả người dân trong vùng dự án. Vậy đâu là nguyên nhân chính của thực trạng này?
Giải phóng mặt bằng - khi doanh nghiệp mòn mỏi đợi chờ
Qua thực tế, có nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười của doanh nghiệp, vốn và các nguồn lực khác đã sẵn sàng, nhưng lại không triển khai được dự án. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tại huyện Kỳ Sơn, một trong những vùng động lực kinh tế quan trọng của tỉnh hiện có 8 dự án chậm tiến độ. Điều đáng nói là có nhiều dự án nguyên nhân chậm tiến độ lại không xuất phát từ phía doanh nghiệp. Dự án Viện dưỡng lão và công viên tâm linh vĩnh hằng thuộc xóm Đễnh, xã Dân Hòa do Công ty CP Tây Phương Cực Lạc Hòa Bình làm chủ đầu tư theo quyết định chứng nhận đầu tư số 25121000405 ngày 1/4/2013, tổng mức đầu tư 499.632 triệu đồng, diện tích đất thu hồi dự án 98,2 ha. Tuy nhiên, đã hơn 5 năm nay, dự án này chưa hoàn thành việc thi công đường vào dự án. Anh Vũ Mạnh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tây Phương Cực Lạc Hòa Bình cho biết: Khi dự án được cấp phép đúng thời điểm Luật Đất đai sửa đổi, chính quyền địa phương phải chờ hướng dẫn thi hành. Do quản lý đất đai qua các thời kỳ nên trong dự án có gần 65 hộ dân phải xác định lại ranh giới đất giữa thực tiễn và trên bản đồ cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mất một khoảng thời gian rất dài. Sau đó vướng vấn đề pháp lý chồng lấn đất giữa đất Công ty Lâm nghiệp và các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay, để tổ chức triển khai được thì lại vướng đường vào dự án vì 1 hộ dân ở đoạn giữa chưa nhận đền bù giải phóng mặt bằng mặc dù Công ty và các cấp chính quyền đã 12 lần thuyết phục, tuyên truyền, vận động.
Giải phóng mặt bằng cũng là một trong những vấn đề nan giải khi triển khai thực hiện dự án của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Trong đó, khó khăn nhất là việc xác định nguồn gốc đất, chủ sở hữu và việc chồng lấn đất. Cũng tại huyện Kỳ Sơn, dự án khai thác đá bazan tại xã Yên Quang do Công ty TNHH Yên Quang làm chủ đầu tư chậm tiến độ gần 10 năm cũng bởi những vướng mắc do chồng lấn đất của dự án lên khu vực Vườn quốc gia Ba Vì khiến doanh nghiệp này lao đao, không thể triển khai sản xuất và buộc phải bán tháo trang thiết bị, máy móc đã đầu tư cả chục tỷ đồng.
Ngoài những trường hợp trên, còn nhiều doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi do những vướng mắc về chính sách, pháp luật trong quá trình làm thủ tục và triển khai thực hiện dự án. Theo cộng đồng doanh nghiệp, tình trạng thủ tục kéo dài, các thủ tục về đầu tư, môi trường, thủ tục xây dựng khó khăn cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Anh Lê Quang Trung, Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư đô thị Hoà Bình thừa nhận: Hiện nay, việc triển khai thực hiện các thủ tục theo quy trình một cửa thông thoáng rồi. Nhưng từ khâu chuẩn bị tài liệu đến nộp hồ sơ vào một cửa, chúng tôi mất nhiều thời gian, công sức, chủ yếu là khâu giải phóng mặt bằng, thủ tục rất khó khăn.
Dấu hỏi về năng lực của nhà đầu tư
Bên cạnh những nguyên nhân do thủ tục, giải phóng mặt bằng… không ít dự án chậm tiến độ nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư kém năng lực. Dự án xây dựng khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi tại xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì (Kim Bôi) của Công ty CP thương mại Hưng Hòa được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định chủ trương đầu tư ngày 8/1/2008, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 192 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án đưa vào hoạt động kinh doanh từ quý IV/2017. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà đầu tư mới xây dựng được một số hạng mục, dự án không còn triển khai hoạt động. Giải trình về tiến độ dự án, doanh nghiệp này thẳng thắn thừa nhận, dự án không thể triển khai tiếp vì không có năng lực tài chính.
Tương tự, dự án khu du lịch sinh thái thác Mặt Trời tại thôn Vó Khang, xã Kim Tiến (Kim Bôi) được cấp chứng nhận đầu tư năm 2008 với tổng diện tích 120 ha, tổng vốn đăng ký sử dụng 120 tỷ đồng. Đến thời điểm này, sau khi điều chỉnh, nhà đầu tư được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất khoảng 31 ha và mới hoàn thành chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng 2,5 ha, xây dựng một số công trình, thời gian dự kiến đi vào khai thác của dự án vẫn còn bỏ ngỏ. Mới đây, dự án đã được chuyển cho một chủ mới nhưng năng lực của nhà đầu tư như thế nào là một câu hỏi đối với chính quyền địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện không lớn. Có một số dự án không triển khai, một số dự án chậm tiến độ. Có nhiều nguyên nhân, lý do, nhưng tôi cho rằng cái chính trước hết là do năng lực, khả năng của các chủ đầu tư thực hiện dự án còn nhiều bất cập.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thừa nhận: Tính định hướng thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực chưa rõ nét. Chưa có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, phát huy được lợi thế của tỉnh. Việc thẩm định năng lực của các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong quá trình đầu tư, nhiều doanh nghiệp cùng lúc đầu tư nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương nên không tránh khỏi tình trạng hụt vốn dẫn đến kéo dài dự án thì chúng ta vẫn chưa nắm được tình hình này.
(Còn nữa)
Đinh Hòa - Mạnh Hùng