Dự án Khu vui chơi cao cấp suối khoáng Kim Bôi với mức đầu tư 192 tỷ đồng tại xã Hạ Bì (Kim Bôi) nhiều năm bỏ hoang không triển khai.
Phối hợp trong quản lý, triển khai dự án
Đó là ý kiến của nhiều huyện, thành phố nhằm đề ra những giải pháp khắc phục tình trạng các dự án chậm triển khai. Bởi thực tế hiện nay, các dự án do UBND tỉnh cấp phép đầu tư, với chức năng nhiệm vụ, chính quyền địa phương chỉ phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và phối hợp giải quyết khi có các vấn đề phát sinh. Khi dự án vào giai đoạn triển khai thì chính quyền địa phương không quản lý nên rất khó để theo dõi, nắm bắt tình hình dự án cũng như phát hiện những sai phạm của nhà đầu tư. Trong khi đó, dự án ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, kéo theo đó là tình hình KT-XH, ANTT tại cơ sở.
Mặt khác, công tác giám sát, đánh giá dự án đầu tư của các ngành hữu quan còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, trên địa bàn tỉnh có 525 dự án đầu tư còn hiệu lực. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp từng nhà đầu tư thực hiện đối với số dự án không thể thường xuyên, liên tục do nguồn lực thực hiện còn hạn chế, nhiều nhà đầu tư không chấp hành thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật. Do vậy, chỉ thông qua các đợt kiểm tra thì Sở KH&ĐT mới nắm được tình hình triển khai dự án. Thực tế, đây cũng là một trong những nguyên nhân mà nhiều dự án đã thay đổi chủ đầu tư nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không nắm được thông tin, đồng thời không nắm rõ được tiến độ triển khai dự án.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng: Để quản lý các dự án một cách hiệu quả cần phân cấp rõ ràng, cụ thể, thêm cho các huyện, thành phố phần quản lý các dự án thu hút đầu tư sau khi có quyết định chủ trương đầu tư về tiến độ thực hiện và quá trình hoạt động của các dự án. Tỉnh cũng nên nghiên cứu cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cho các huyện, thành phố và nghiên cứu phân cấp tỷ lệ điều tiết thu ngân sách và thẩm quyền thu ngân sách một số dự án cho cấp huyện, thành phố thu đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở xuống.
Cùng chung quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Đình Đua, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho rằng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương trong cả triển khai dự án mới và rà soát dự án chậm tiến độ. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn khẳng định: Trong các dự án hiện nay, về phía chúng tôi để xem xét, đánh giá năng lực tài chính của các chủ đầu tư thì cũng rất khó, chủ yếu là các sở, ngành mới xác định được như thế nào. Tôi cho rằng, về vấn đề này cấp trên cũng phải có xác định, đánh giá chính xác hơn để xác định chủ đầu tư này có khả năng để đẩy nhanh tiến độ dự án hay không. Để khắc phục các dự án chậm triển khai một cách hiệu quả nhất, giải pháp theo tôi UBND tỉnh phải có sự chỉ đạo các sở, ngành cùng với chính quyền huyện, xã và nhà đầu tư rà soát lại, đặc biệt đối với các dự án hiện nay không triển khai.
Phối hợp để kịp thời tháo gỡ khó khăn,vướng mắc
Không chấp nhận đền bù giải phóng mặt bằng, không nhất trí đánh giá tác động môi trường…, chỉ với 2 nguyên nhân tưởng chừng đơn giản nhưng đã làm rất nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc không thể triển khai. Đó là bài học thực tế tại nhiều địa phương hiện nay. Tuy nhiên, để giải quyết được tình trạng này không hề đơn giản. Cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Để thu hút đầu tư và triển khai các dự án một cách hiệu quả, cần phải có sự tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Quan trọng hơn, phải chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư các dự án để xác định trách nhiệm chính trong giải phóng mặt bằng, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; đồng thời chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền để các hộ bị ảnh hưởng chấp nhận chủ trương đầu tư và chính sách hỗ trợ bồi thường tái định cư, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có diện tích sử dụng đất lớn và có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng, kịp thời giải quyết những khiếu kiện, khiếu nại của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai; đặc biệt tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cùng với những giải pháp trên, về lâu dài, để nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư và triển khai dự án, các ngành chức năng cần kịp thời cập nhật quy định mới trong lĩnh vực đầu tư để hướng dẫn thực hiện, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh cụ thể hóa các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mẫu hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính. Đặc biệt là hệ thống hóa thông tin theo dõi các dự án đầu tư trực tiếp, dự án đầu tư có sử dụng đất. Xây dựng hệ thống quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao công tác quản lý, theo dõi các dự án.
Đinh Hòa - Mạnh Hùng