(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 30, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118, ngày 27/12/2014 của Chính phủ về thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp (NLN), UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15, ngày 23/7/2015 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 33, ngày 28/3/2016 về thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty NLN trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và các công ty NLN triển khai thực hiện.


Nỗ lực thu hút đầu tư để sắp xếp, đổi mới các công ty TNHH MTV nông nghiệp

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới công ty NLN phải phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) Nhà nước, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng NTM. Tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.

Tỉnh ta có 5 Công ty TNHH một thành viên (MTV) nông nghiệp thuộc UBND tỉnh quản lý gồm: Sông Bôi, Cao Phong, 2/9, Thanh Hà, Cửu Long. Các công ty được giao quản lý, sử dụng hơn 4 nghìn ha đất, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp hơn 3 nghìn ha, đất lâm nghiệp gần 600 ha. Diện tích tự tổ chức sản xuất gần 300 ha, khoán theo Nghị định số 135/NĐ-CP gần 3,7 nghìn ha.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 5 Công ty với nội dung chủ yếu: Giải thể Công ty TNHH MTV Cửu Long; phối hợp với các nhà đầu tư khác thành lập Công ty TNHH hai thành viên (HTV) trở lên nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường đối với 4 Công ty là Thanh Hà, Sông Bôi, 2/9 và Cao Phong. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các Công ty TNHH MTV nông nghiệp thực hiện theo nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 49, ngày 7/1/2016, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan, các công ty tiếp tục thu hút đầu tư, phối hợp với DN có nhu cầu đến khảo sát, trao đổi để tham gia làm thành viên thứ hai. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải thể Công ty TNHH MTV Cửu Long theo đúng phương án đã được phê duyệt.


Các hộ nhận khoán đất của Công ty TNHH MTV Cao Phong đầu tư sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đối với việc sắp xếp, chuyển đổi các Công ty TNHH MTV, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các nhà đầu tư chiến lược và các công ty nông nghiệp xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới, trình xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy. Ban hành các quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty TNHH MTV Thanh Hà, 2/9, Cao Phong, Sông Bôi thành Công ty TNHH HTV trở lên theo quy định.

Theo đó, các công ty đã tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính, định giá lại giá trị DN, trình UBND tỉnh phê duyệt giá trị DN vào năm 2018. Tổng số lao động của 4 DN chuyển đổi là 755 người; có 15 lao động không bố trí được việc làm; 15 lao động được giải quyết chính sách sau dôi dư, dự kiến số tiền chi trả trên 1 tỷ đồng.

Về đất đai, dự kiến đất tiếp tục quản lý sử dụng là 3.019,48 ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 2.746,63 ha, đất chuyên dùng 244,76 ha, đất chưa dùng 28,09 ha, diện tích đất giao về địa phương quản lý sử dụng 524 ha, diện tích đất đã giao về địa phương từ năm 2003 đến thời điểm thực hiện sắp xếp 2.224,98 ha, diện tích đất dự kiến tiếp tục giao về địa phương trên 1,1 nghìn ha, diện tích đã được đo đạc, cắm mốc theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP là 1.251,29 ha.

Đối với phần diện tích đất các công ty NLN giữ lại, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT hướng dẫn các công ty nông nghiệp rà soát, thống kê đất đai, lập và trình phương án sử dụng đất. Hiện, Sở TN&MT đang đôn đốc các công ty hoàn thiện hồ sơ về phương án sử dụng đất của các công ty đã lập theo quy định tại Thông tư số 07, ngày 26/2/2015 của Bộ TN&MT.

Về tiến độ triển khai thực hiện của Công ty TNHH MTV Sông Bôi, tháng 10/2016, Công ty TNHH sản xuất thương mại trà Thăng Long đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương tham gia thành lập công ty TNHH HTV. Trên cơ sở đó, hai công ty đã tiến hành lập đề án sắp xếp chuyển đổi thành công ty TNHH HTV, trình thẩm định và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1190 ngày 6/7/2017.

Trên cơ sở thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới được phê duyệt, UBND tỉnh đã phê duyệt giá trị DN, phê duyệt huy động vốn góp, cử người đại diện phần vốn góp Nhà nước tại Công ty TNHH HTV Sông Bôi Thăng Long. Công ty đã xây dựng xong dự thảo điều lệ hoạt động, khẩn trương hoàn tất thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh để Công ty TNHH HTV Sông Bôi Thăng Long chính thức đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Công ty CP đầu tư quốc tế Thiên An hiện đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương tham gia thành lập công ty TNHH HTV đối với các Công ty TNHH MTV Thanh Hà, 2/9, Cao Phong. Trên cơ sở thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới được phê duyệt, 3 công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt giá trị DN, phê duyệt huy động vốn góp và chuyển đổi công ty TNHH MTV thành công ty TNHH HTV trở lên, cử người đại diện phần vốn góp Nhà nước tại các công ty. Hiện nay, các công ty đang hoàn thiện dự thảo điều lệ hoạt động, hoàn thủ tục góp vốn và thủ tục hồ sơ đăng ký kinh doanh để thành lập công ty TNHH HTV trở lên theo quy định.

Còn những rào cản cần được tháo gỡ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới công ty NLN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, các sở, ngành liên quan và các công ty thu hút đầu tư, phối hợp với Tập đoàn Vingroup, Công ty CP xây dựng Sông Hồng đến khảo sát, trao đổi với lãnh đạo các công ty để tham gia làm thành viên thứ hai. Tuy nhiên, hai nhà đầu tư chiến lược này không chấp nhận đầu tư với lý do: Chi phí cải tạo đất lớn, đất đai tập trung quy mô không lớn; thu hồi đất phức tạp và khó khăn; chi phí đền bù, hỗ trợ cao. Công ty CP xây dựng Sông Hồng đã chi phí ban đầu lớn để đưa sản phẩm cam ra thị trường, song, việc tham gia xây dựng Đề án chuyển đổi và thành viên với Công ty TNHH MTV Cao Phong không thực hiện được. Vì vậy, việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng như kế hoạch đề ra.


Hiện tại, diện tích đất giao khoán của Công ty TNHH MTV Sông Bôi chủ yếu được các hộ đầu tư trồng chè. Thực hiện chuyển đổi thành công ty hai thành viên, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc có đất đai tập trung.

Nguyên nhân được xác định là do hiện trạng đất các công ty đang quản lý chủ yếu là đất trồng chè và các loại cây ăn quả, do vậy khi chuyển sang trồng rau theo hình thức nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) phải thực hiện đầu tư, cải tạo đất với chi phí rất lớn, nên việc triển khai sản xuất không hiệu quả. Các khu đất phân tán, độ tập trung chưa cao, do vậy, việc tổ chức quản lý tập trung và hình thành sản xuất chuyên canh cánh đồng mẫu lớn sẽ gặp khó khăn, chi phí cao. Mặc dù tổng diện tích quản lý rất lớn, nhưng bố trí lại phân tán, nhỏ lẻ, việc quy hoạch sản xuất cánh đồng mẫu lớn để ứng dụng công nghệ hiện đại theo quy mô công nghiệp khó thực hiện được.

Ngoài ra, số hộ dân đang nhận khoán lớn, nên việc thu hồi đất để sản xuất tập trung có chi phí cao, phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Chi phí đền bù hoa màu trên đất và hỗ trợ các hộ dân cao, làm tăng chi phí đầu tư ban đầu khá nhiều, dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả.

Mong có sự tiếp sức trong thực hiện sắp xếp, đổi mới

Việc xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty NLN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế và thu hút nguồn lực đầu tư, ứng dụng NNCNC gắn với chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ, hình thành vùng sản xuất tập trung làm động lực phát triển kinh tế vùng là hết sức cần thiết nhằm nâng cao đời sống hộ nhận khoán, tăng lợi nhuận cho DN và phần vốn chủ sở hữu Nhà nước tại các công ty. Tuy nhiên, từ đặc thù của tỉnh và để việc sắp xếp, đổi mới các công ty đạt hiệu quả thiết thực, vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn công tác liên ngành của BCĐ T.Ư về đổi mới và phát triển DN, tỉnh ta đã đề nghị T.Ư có cơ chế hỗ trợ các Công ty TNHH HTV trở lên sau khi được chuyển đổi để tạo điều kiện thuận lợi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhằm hỗ trợ về tài chính cho DN đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của DN.

Việc xử lý đối với diện tích đất ở và đất vườn của các hộ nông, lâm trường viên đang sử dụng tại các khu dân cư, nằm trong diện tích đất các công ty NLN trả lại địa phương gặp khó khăn do hiện trạng sử dụng đất của hầu hết các hộ quá lớn, từ 2.000 - 5.000 m2/hộ gồm đất ở và đất vườn, vượt hạn mức sử dụng đất do địa phương quy định, đặc biệt có một số hộ sử dụng đất từ năm 1960, trước khi hình thành các nông, lâm trường. Vì vậy, đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ TN&MT xem xét hướng dẫn xử lý, công nhận, cấp GCNQSDĐ ở và đất vườn cho các hộ nông, lâm trường viên. Đồng thời thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường để UBND cấp huyện thực hiện công nhận, cấp GCNQSDĐ cho các hộ theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị các Bộ: Tài chính, KH&CN có các văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính đối với việc hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm, các dự án ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất của các công ty NLN. Cụ thể hóa các chính sách ưu đãi ứng dụng CNC theo Luật CNC năm 2008 trong các hoạt động sản xuất NLN, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất giống.

Mong muốn có diện tích đất tập trung để thu hút đầu tư

Thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới các công ty NLN của Chính phủ và của tỉnh, đến nay, Công ty TNHH MTV Sông Bôi đã hoàn thành việc phê duyệt đề án, góp vốn. Trong quá trình thực hiện có thuận lợi nhất định, tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn, trở ngại. Trong đó, khó khăn nhất là về đất đai đã giao khoán cho các hộ theo Nghị định 135 của Chính phủ, thời gian đối với cây hàng năm đến năm 2025, đối với cây dài ngày đến năm 2035 mới hết hạn hợp đồng, trong khi các nhà đầu tư lại muốn có quỹ đất lớn để sản xuất tập trung. Vướng mắc hiện nay là các hộ trong nông trường đang tổ chức sản xuất, nếu nhà đầu tư muốn giải phóng hợp đồng để đầu tư thì phải chi phí lớn.

Chúng tôi rất muốn tìm ra giải pháp để tạo điều kiện cho người lao động và người dân có điều kiện nâng cao cuộc sống. Hiện, để thành lập công ty HTV thì phải có quỹ đất. Trên thực tế, công ty rất muốn thay đổi quản trị để cải thiện cuộc sống của người lao động cũng như diện tích đất được quản lý, nhưng nếu để như hiện tại thì các DN không dám đầu tư.

Nhà đầu tư đến các nông trường nói chung và đến Công ty TNHH MTV Sông Bôi nói riêng đều để tâm nhất là làm sao có được đất. Từ khó khăn đang gặp phải, để đảm bảo việc sắp xếp, đổi mới thuận lợi, chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT có ý kiến về việc điều chỉnh giao khoán.

Phạm Văn Nho

Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Bôi


Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, công ty và người lao động

Thực hiện Nghị định 118 của Chính phủ, Công ty TNHH MTV Cao Phong đã thực hiện một cách tích cực. UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty TNHH MTV Cao Phong với Công ty CP đầu tư quốc tế Thiên An thành Công ty TNHH HTV Cao Phong. Công ty đã thực hiện xong việc xác định giá trị DN và đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án huy động góp vốn và chuyển đổi thành Công ty TNHH HTV trở lên.

Nguyên tắc việc sắp xếp, đổi mới phải phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN Nhà nước, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nền kinh tế. Kế thừa toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Cao Phong cũng như kế thừa và phát huy hiệu quả diện tích trồng cây lâu năm, nâng cao hệ số sử dụng và hiệu quả đất trồng cây hàng năm. Gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường theo chuỗi giá trị; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, công ty và người lao động.

Hà Ngọc Tuyền

Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong

   

Bình Giang


Các tin khác


Tác động, hệ lụy từ những dự án chậm tiến độ, không triển khai

Bài 2 - Hệ lụy từ những dự án "treo"

(HBĐT) - Trên thực tế, các dự án "treo” trong nhiều năm đã mang lại nhiều hệ lụy. Không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Tác động, hệ lụy từ những dự án chậm tiến độ, không triển khai

Bài 1 - Dự án "nghìn vàng” bỏ hoang

(HBĐT) - Việc triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như tạo cơ chế phù hợp cho tỉnh đẩy mạnh việc thu hút các dự án đầu tư. Tuy nhiên, trong hàng nghìn dự án đầu tư vào tỉnh, vẫn còn nhiều dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm hoặc không triển khai trong nhiều năm gây bức xúc trong dư luận, quần chúng nhân dân, thất thu ngân sách, lãng phí tài nguyên đất...

Trên cung đường huyền thoại

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là tuyến vận tải chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam. Năm 1975, đường Trường Sơn đoạn qua Tây Nguyên đã góp phần đưa bộ đội ta tiến quân vào giải phóng Sài Gòn. Sau 44 năm đất nước thống nhất, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ngày nay đã nâng cấp, mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra cuộc sống mới trên đại ngàn Trường Sơn.

Huyền thoại đường Hồ Chí Minh - Bài 4: Con đường chiến lược thời đại mới

Những lợi thế không chỉ "theo" Đường Hồ Chí Minh đến với người dân, mà cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đã rất nỗ lực phát huy, tận dụng trục dọc xuyên Việt thứ 2 này để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế vùng, kết nối và mở rộng quan hệ quốc tế.

Huyền thoại đường Hồ Chí Minh - Bài 3: Mạch máu đất nước

Vào khoảng thời gian này cách đây 19 năm về trước, đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được khởi công xây dựng.

Huyền thoại đường Hồ Chí Minh - Bài 2: Ước vọng cháy bỏng

Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, sứ mệnh của Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành, mở ra hướng chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ mới, với ước mong đường mòn Hồ Chí Minh sẽ được phát triển lên một tầm thế mới trong công cuộc dựng xây đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục