(HBĐT) - Người Mường ở Việt Nam sống tập trung đông nhất tại tỉnh Hòa Bình. Hòa Bình cũng là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, nơi có 63,3% dân số là dân tộc Mường. Suốt chiều dài lịch sử, người Mường đã sáng tạo, chắt lọc, lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc. Trong đó, mo Mường là một hiện tượng văn hóa nổi trội, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc biệt, quý giá, có giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc.
Bài 1 - Khẳng định giá trị tiêu biểu, đặc biệt của mo Mường




Thầy mo Nguyễn Văn Tiện, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) giới thiệu về mo Mường.

Trải qua bao giai đoạn lịch sử, mo Mường dù chỉ truyền miệng vẫn hiện diện trong cuộc sống của người Mường Hòa Bình đến nay, đủ để thấy sức sống mãnh liệt. Các thế hệ người Mường đã thực hành, trân trọng gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của tổ tiên, ông cha.   

Ngay giữa lòng TP Hòa Bình, nghệ nhân mo Nguyễn Văn Tiện, 81 tuổi ở tổ 1, phường Dân Chủ vẫn thường xuyên được bà con mời đi thực hiện các nghi lễ có sử dụng mo, từ đám tang, đám giỗ đến lễ mát nhà... Gần 20 năm qua, ông được mọi người tôn trọng gọi là thầy. Ông chia sẻ: Là đời thứ 3 trong gia đình làm nghề mo, tôi thấy đây là nghề làm phúc, truyền cái hay, cái đẹp của văn hóa Mường cho đời, tuyệt nhiên không phải mê tín dị đoan. Mo trong tang lễ tôi còn thực thực hiện khoảng 14 giờ, trong đó kể các chuyện lịch sử, răn dạy người ở lại...

Nói về giá trị đặc sắc của mo Mường, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL) Bùi Kim Phúc cho biết: Mo Mường chứa đựng giá trị các loại hình văn hóa dân gian (văn học, diễn xướng, âm nhạc, múa và sân khấu, tín ngưỡng, tri thức dân gian). Đó là những áng mo kể chuyện (mo sử thi), mo nghi lễ (gắn với các nghi lễ tín ngưỡng), mo nhòm (mo tả cảnh). Ngôn ngữ trong mo là kho từ vựng tiếng Mường với nhiều từ cổ là tài sản, di sản vô giá của dân tộc Mường nói riêng, Việt Nam nói chung. Mo Mường phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan, chứa đựng tri thức dân gian sâu sắc. Nghệ nhân mo có vai trò là trí thức dân gian và được người dân tôn trọng. 

 Mo Mường được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của người Mường. Qua kiểm kê có 23 nghi lễ sử dụng mo, nhiều nhất là trong tang lễ, ngoài ra là các nghi lễ cầu phúc lộc, mạnh khỏe, trừ tà, các lễ hội dân gian... 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cũng là người con của vùng Mường Vang (Lạc Sơn) Bùi Huy Vọng: Mo Mường là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc Mường có dung lượng khổng lồ với vài chục nghìn câu thơ, văn vần chia thành các roóng mo, cát mo (chương, hồi) và ảnh hưởng sâu sắc, chi phối mọi mặt đời sống của người Mường qua bao đời. Mo Mường cấu thành từ 3 lĩnh vực chính (lời mo và diễn xướng, môi trường diễn xướng, nghệ nhân mo), trong đó, lời mo gắn liền với nghệ nhân mo là quan trọng nhất. Mỗi ông mo khi hành lễ khoác mũ, áo và xướng lên những roóng mo theo giai điệu phù hợp với nghi lễ. Họ luôn mang theo túi khót, bên trong có những cổ vật như rìu đá, rìu đồng, xương, nanh mãnh thú… được sưu tập, truyền đời cũng là di sản vật thể quý. Giá trị của mo đáng trân trọng ở chỗ, nếu ai đã từng lắng nghe sẽ tự thấy lòng trở nên sâu lắng hơn, muốn sống nên người hơn, hướng tới chân - thiện - mỹ.  

Nhận thấy giá trị của mo Mường trong đời sống người Mường, hơn một thế kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, học giả trong và ngoài nước đã sưu tầm, nghiên cứu về hiện tượng văn hóa nổi trội này. Nhiều bản mo đã được sưu tầm. Theo nhà sưu tầm Bùi Thiện, phải mất 23 ngày mo liên tục với 115 roóng mo, hơn 44. 000 câu thơ mới đầy đủ các bài mo. Đối với nhà sưu tầm Bùi Nợi có hơn 22.000 câu thơ mo. Trong cuốn sách "Mo Mường Hòa Bình” UBND tỉnh xuất bản năm 2010 có 46 chương lớn, với trên 22.500 câu thơ mo... Từ những nghiên cứu trước và gần đây đã đem đến hiểu biết đúng đắn về giá trị, tầm vóc của mo Mường.

Mo Mường phản ánh về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thể hiện rõ nét qua sử thi, gồm các câu chuyện thần thoại với nội dung phản ánh nhận thức của con người về trời đất trong vũ trụ, quá trình kiến tạo trái đất, quá trình biển tiến, biển lùi trong lịch sử (chuyện đẻ đất, đẻ trứng Điếng; chia năm tháng, đẻ pèl, nước lụt nước cạn). Phản ánh sự phát triển của xã hội loài người, mối quan hệ giữa con người với nhau, đấu tranh để bước đầu manh nha hình thành xã hội có giai cấp (chuyện đẻ đất, đẻ tá cài, đẻ tá cần). Phản ánh sự phát minh ra lửa; những sáng tạo của con người trong quá trình tạo dựng cuộc sống để tồn tại và phát triển (chuyện xin lửa, đẻ bát, sanh, ninh, đẻ dầu đèn, đẻ tlống thôm, làm nhà). Phản ánh những bài học về sự đoàn kết và văn hóa tổ chức lãnh đạo để đấu tranh với thiên nhiên và xây dựng cuộc sống (chuyện tìm chu tìm lội, kéo cây chu đồng làm nhà, săn muông). Phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người trong mối tương quan cộng đồng, giai cấp và bài học về sự vong ơn bội nghĩa sẽ dẫn đến những thất bại khôn lường trong cuộc sống (chuyện đốt nhà Dịt Dàng)... Với mo nhòm, thầy mo dẫn hồn người quá cố thăm các nơi, là tư liệu để tìm hiểu về các vùng Mường cổ. Với mo nghi lễ trong đám tang chứa đựng nhiều bài học răn dạy con cháu sống nên người. Trong mo, nhiều hình ảnh thần chỉ là cái vỏ, còn phẩm chất đã được nhân tính hóa có giá trị nhân văn sâu sắc...

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá, mo Mường là sáng tạo vĩ đại của người Mường, tích tụ trong nó gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hoá Mường. Đó là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu cuộc sống, con người, quê hương xứ sở... Cùng với thời gian, mo Mường đã góp phần hình thành nên cốt cách, tâm hồn của người Mường và vùng đất Hòa Bình, cũng như bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong tất cả các giai đoạn lịch sử. Đó như "Bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường, chứa đựng những tinh hoa văn hóa cần được hiểu biết thấu đáo và đáng được trân trọng, tôn vinh, truyền lại cho thế hệ sau. 

Ngày nay, mo Mường vẫn được người Mường trân trọng, lưu truyền và thực hành trong các nghi lễ. Tuy các roóng mo được cắt giảm, nhưng giá trị của mo vẫn luôn được khẳng định và có chỗ đứng vững chắc, với tư cách là yếu tố nền tảng cấu thành văn hóa Mường, món ăn tinh thần của người Mường. 

Năm 2015, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã công bố quyết định về việc bảo trợ cho di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình. Năm 2016, tại lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh, mo Mường được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang hướng đến di sản văn hóa thế giới.

(Còn nữa)

 Cẩm Lệ


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục