(HBĐT) - Từ nhiều năm nay, xóm vạn chài là cụm dân cư ở phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, người dân sống bằng đánh bắt cá và nuôi cá lồng. Xóm có 71 hộ với 246 nhân khẩu. Cá ngày càng ít, cuộc sống mưu sinh trên mặt nước ngày càng khó khăn, các hộ dân khao khát được lên bờ lập nghiệp.


Người dân xóm vạn chài thuộc tổ 14, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) mong muốn được lên bờ lập nghiệp.

Sống trên sông nước, mưu sinh ở trên đất

Bước qua con thuyền nhỏ, chúng tôi lên căn nhà nổi của gia đình ông Ngô Văn Thông,  trưởng xóm vạn chài thuộc tổ 14, phường Thịnh Lang. Mặc dù đã cúi người xuống thấp nhưng tôi vẫn bị cụng đầu vào thành cửa. Chiều cao của căn nhà nổi chỉ chừng hơn 1 m, những người cao tầm trên 1,7 m vào nhà rất khó khăn. Người đi lại trong nhà lúc nào cũng trong tư thế cúi đầu. Căn nhà chỉ chừng 20 m2, mọi sinh hoạt của gia đình đều ở trong nhà.

Ông Thông cho biết: Tôi làm căn nhà này năm 1998, từ đó đến nay vẫn sống như này. Công việc đánh bắt cá trên sông chỉ đủ ăn, để làm một căn nhà mới rất khó. Cá ngày càng cạn kiệt. Những ngày này nhà nào đặt rọ tôm, đánh cá chỉ được khoảng 200 nghìn đồng/ngày. Tằn tiện lắm chỉ đủ chi tiêu cả gia đình. Đến mùa cá thì mưa nhiều, Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả nước, cá ở hạ nguồn mới ngược. Thời điểm đó đánh bắt được nhiều nhưng cá lại rẻ hơn. Cả năm xóm trông chờ vào mùa đó được khoảng 4 - 5 tháng. Gia đình nào chịu khó tích lũy thì có chi tiêu cho những tháng còn lại của năm. Không chỉ làng chài đánh cá mà nhiều xóm ở trên bờ dưới hạ lưu cũng đánh cá. Nhiều người đánh bắt thì cá sẽ càng ít đi.

Không còn cá, nhiều thanh niên trong làng vạn không còn mặn mà với nghề. Họ lên bờ tìm việc mưu sinh từ buôn bán ngoài chợ, làm hàn, công nhân, lao động tự do. Theo nhẩm tính của ông Thông, khoảng 45% người dân đã lên bờ làm. Việc dưới nước không còn phù hợp. Như gia đình ông Thông có 5 người con đều lên bờ đi buôn bán rau, làm hàn và công nhân ở khu công nghiệp. Lên bờ làm công việc ổn định, có thu nhập đều đặn hơn làm cá.

Với những người không còn tuổi lao động chọn nghề nuôi cá lồng. Trong 71 hộ, có 18 hộ nuôi 81 lồng cá. Khác với trên lòng hồ nước ổn định dễ nuôi, ở đây nuôi cá khó do thủy điện thường hay xả nước, vào mùa lũ nước thay đổi đột ngột nên cá thường bị chết khoảng 40%. Người nuôi luôn phải theo dõi việc điều tiết nước của thủy điện Hòa Bình. Khi nước xả chảy mạnh phải hạ lồng cá sát đáy tránh bị yếm khí.

Ngoài nước thì nguồn thức ăn cũng là điều quan tâm của người nuôi cá lồng; phần lớn cá nuôi đều ăn cỏ. Để có nguồn thức ăn cho cá, người nuôi phải thuê đất trồng cỏ. Ông Nguyễn Văn Khoát năm nay gần 70 tuổi đưa tôi đi xem bãi cỏ và khu đất vừa thuê thêm để trồng cỏ cho biết: Tôi nuôi có 4 lồng cá nhưng lượng cỏ cho cá ăn hàng ngày tương đối nhiều. Tôi đã trồng được mấy trăm m2 cỏ đang cho thu hoạch nhưng không đáp ứng đủ lượng thức ăn cho cá được. Năm nay hạn hán nên cỏ mọc chậm, vừa rồi phải thuê thêm gần 1.000 m2 để trồng cỏ. Tuy vất vả nhưng việc nuôi cá cho thu nhập cũng không ổn định bởi đối mặt với dịch bệnh, nguồn nước. 

  Nguy hiểm luôn rình rập

Sống trên sông nước, điều nguy hiểm nhất là nguy cơ đuối nước, nhất là với trẻ em vào mùa lũ. Khi thủy điện Hòa Bình xả nước luôn có sóng làm thuyền chòng chành. Những ngày như vậy việc trông giữ trẻ nhỏ phải cẩn thận. Để an toàn cho trẻ, nhiều gia đình buộc trẻ vào quả bóng hơi đi ngủ cho yên tâm nhưng vẫn khó tránh được những rủi ro. Đã có vụ việc đau lòng xảy ra ở làng chài vì sông nước. Người làng chài sợ nhất là mưa về đêm, họ phải thức để múc nước ra khỏi thuyền, nếu quên thì thuyền chìm. Việc đi lại cũng có nhiều nguy cơ.

Ông Ngô Văn Thông cho biết thêm: Từ năm 2009 đến nay, làng vạn chài đã gửi đơn lên UBND TP Hòa Bình, các ban, ngành, đoàn thể với nguyện vọng tạo điều kiện cho người dân lên bờ sinh sống. Chúng tôi mong muốn thành phố bố trí đất và các hộ được mua đất, làm nhà theo giá Nhà nước. Ước mơ của mỗi gia đình mong có một căn nhà nhỏ gần sông an toàn và tiện công việc đánh cá, những người có việc làm ở trên bờ cũng tiện đi làm để ổn định cuộc sống.

Trao đổi về vấn đề này với đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình được biết, trước đây, xóm vạn chài ở tổ 4, phường Tân Thịnh. Theo Báo cáo số 370/   BC-CATP, ngày 24/6/2017 của Công an TP Hòa Bình, khi đó xóm chài có 58 hộ có hộ khẩu thường trú tại địa phương với 236 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu là đánh bắt cá, tôm trên sông Đà. Các hộ di cư từ nhiều địa phương về đây. Để đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân, UBND TP Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 3120/QĐ-UBND, ngày 31/10/2016 về phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình bến neo đậu phương tiện nổi, nhà nổi khu vực hạ lưu đập thủy điện Hoà Bình, tại tổ 14, phường Thịnh Lang với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Quy hoạch khu này có đầy đủ điều kiện cần thiết như bến neo đậu, điện, nước, sân chơi... Việc đầu tư bến neo đậu cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân xóm vạn chài. Năm 2018, xóm được di chuyển đến địa bàn phường Thịnh Lang.

Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND TP Hòa Bình, năm 2022, UBND thành phố đã yêu cầu các phường, xã liên quan rà soát các hộ đã có đất ở, nhà ở của các hộ dân xóm vạn chài. Qua đó cho thấy, xóm có 71 hộ gia đình, cá nhân có đơn đề nghị cấp đất làm nhà ở. Rà soát sơ bộ, hiện nay, có 11 hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (4 hộ ở phường Thịnh Lang và 7 hộ ở xã Hợp Thịnh). Trên địa bàn TP Hòa Bình đang triển khai hơn 100 dự án, có khoảng 1.300 hộ phải di chuyển phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án. Hiện, UBND thành phố đang rà soát quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ thuộc diện thu hồi đất và từng bước rà soát khu đất phù hợp, xem xét giải quyết đề nghị của các hộ dân xóm vạn chài về bố trí đất ở.

Việt Lâm

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục