(HBĐT) - Hơn 3 năm qua, tuần nào cũng vậy, bất kể trời nắng hay mưa, cứ sáng thứ Hai, cô giáo trẻ Xa Thị Trang dậy từ lúc gà còn chưa gáy để chuẩn bị hành trang vượt quãng đường đèo dốc hơn 70 km, từ thị trấn Mai Châu đến chi xóm Diềm của trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Tân Dân - ngôi trường nằm ở địa bàn xã Tân Thành, thuộc vùng sâu, xa và khó khăn nhất huyện Mai Châu…


Không những giỏi về chuyên môn, cô giáo Ngần Thị Bích, trường PTDTBT TH&THCS Tân Dân (Mai Châu) còn rất yêu thương học trò, dồn nhiều tâm huyết cho hành trình "gieo chữ" vùng đất khó.

Gian nan hành trình của những người thầy "cắm bản”

Cũng như cô giáo Xa Thị Trang, điểm đến trên hành trình "gieo chữ” của cô giáo Dương Thị Nhung - nhà ở thị trấn Mai Châu là điểm trường xóm Cải. Đó là một hành trình rất gian nan. Bởi từ nhà cô đến trung tâm xã Tân Thành đã trên 70 km, đi hết hơn 3 giờ. Xóm Cải lại cách trung tâm xã cả chục km, điều kiện địa hình đặc biệt khó khăn. Cô giáo Nhung phải vượt qua những con dốc cao dựng đứng để đến dạy ở chi trường xa xôi chỉ có 2 lớp học với tổng số hơn 20 học sinh. Điểm trường nằm chon von lưng chừng núi, nhìn xuống thung sâu quanh năm mây mù bao phủ. Đây cũng là xóm mới được Nhà nước đầu tư làm đường. 

"Trước đó để đến điểm trường, chúng tôi đi xe máy từ nhà vào xóm Diềm. Hết đường của xe thì lại đi bằng đường của đôi chân trong nhiều giờ. Là xóm nằm ở nơi núi sâu, rừng thẳm nên trước đây muốn đến được điểm trường chỉ có con đường mòn xuyên rừng, xuyên núi…” - cô giáo Nhung chia sẻ. Ấy vậy mà trong suốt hơn 3 năm làm giáo viên "cắm bản”, cô Nhung và các thầy, cô giáo nơi điểm trường xóm Cải chưa từng một lần lên lớp muộn. Kể cả khi mưa rét bão bùng...

Thấu hiểu những gian nan, vất vả của thầy, cô giáo khi phải băng rừng, lội suối hay vượt sông trên những con thuyền nhỏ chòng chành sóng nước để mang con chữ đến với những vùng đất nghèo, nhiều học sinh xã Tân Thành đã thể hiện sự yêu thương, kính trọng thầy cô. Có khi chỉ bằng một bó hoa rừng hái vội trên đường đến lớp. Có lúc là bó củi khô nhỏ đượm tình trò để thầy cô sưởi ấm. Nhưng trên hết vẫn là sự nỗ lực đến lớp thật đều, cố gắng chăm ngoan, học tốt.

Thầy giáo Lường Văn Cắm, Phó hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Tân Dân, là một trong những người thầy có thời gian công tác lâu nhất trên vùng đất gian khó này chia sẻ: Không chỉ những thầy cô giáo ở chi trường xóm Cải mà các thầy, cô giáo "cắm bản” ở chi trường xóm Chiêng, xóm Ban cũng đều rất vất vả trên hành trình "gieo chữ”. Như ở xóm Chiêng, cách trung tâm xã hơn 10 km. Từ năm 2022 trở về trước không có đường giao thông, muốn đến được điểm trường, các thầy, cô giáo chỉ còn cách đi bộ vượt núi cả chục km đường rừng. Còn các thầy cô giáo ở chi trường xóm Ban phải vượt qua một nửa quãng đường bằng thuyền, nửa còn lại là đường bộ có những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, chỉ một chút sơ sểnh là bàn chân lại rướm máu... Đường sá khó khăn, nhiều thầy cô vào xóm dạy học như đi "thoát ly”. Nếu nhà và trường không có việc gì thì cứ ở vậy hàng tháng trời, có khi hết kỳ học mới về nhà. Lần nào đi cũng gùi theo gạo, mắm, muối... 

"So về khó khăn thì chúng tôi không đánh giá điểm trường nào khó khăn hơn điểm trường nào. Bởi trên thực tế, ngay kể cả ở chi trường chính nằm tại trung tâm xã cũng là nơi còn khó khăn đủ mọi bề” -      cô Vì Thị Hương Giang, Hiệu  trưởng trường PTDTBT TH&THCS Tân Dân trao đổi. Ở ngôi trường khó khăn này, ngoài số ít giáo viên là người địa phương, nhà cách trường khoảng 10 - 20 km được coi là thuận lợi vì có thể đi về trong ngày thì hầu hết giáo viên còn lại đều ở xa, nhà cách trường từ 50 - 70 km. Thậm chí như thầy Phùng Bá Thanh, nhà ở tỉnh Phú Thọ, mỗi lần về nhà là một hành trình dài hàng trăm km. Các thầy cô đã có gia đình, con còn nhỏ thường đầu tuần đi, cuối tuần về, đều đặn vượt qua đoạn đường rất gian nan, vất vả.

Khó khăn là thế nhưng thực hiện nhiệm vụ cao quý của mình, những giáo viên "cắm bản” chấp nhận xa gia đình, xa con, gửi gắm tình riêng ở lại để gắn bó với bản làng, tận tâm, tận tụy với công việc. Hạnh phúc của những người giáo viên này chỉ đơn giản là mỗi ngày thấy học sinh đến trường đầy đủ và thuộc bài…

Lặng thầm "gieo chữ”

Thầy Phó hiệu trưởng Lường Văn Cắm tâm sự, thầy gắn bó với nơi đây từ khi chưa có điện, chưa có đường, ngôi trường chỉ là những khung nhà bằng tre, nứa, gỗ được người dân và các thầy cô dựng tạm làm lớp học. Trước đây, trường thuộc xã Tân Dân (Đà Bắc), sau chuyển về huyện Mai Châu rồi sáp nhập với xã Tân Mai (cũ) thành xã Tân Thành hiện nay. Tân Thành là xã vùng hồ, xa trung tâm huyện nhất và cũng là đơn vị hành chính cấp xã có địa giới dài nhất tỉnh. Tính từ điểm đầu xã đến cuối xã khoảng 30 km. Cách đây 1 - 2 năm chưa có đường giao thông, có xóm còn bị biệt lập với bên ngoài. Nên cuộc sống của người dân chật vật, sự học của con trẻ cứ mịt mờ như trong sương. Lên với trường Tân Dân, các thầy cô giáo, nhất là những thầy cô "cắm bản” phải đối mặt với sự thiếu thốn, khó khăn vì một số xóm không có hàng quán, muốn mua gì phải vất vả lên xuống dốc núi cao. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt... Bù lại, tình người nơi đây khiến thầy cô ấm lòng và có thêm nghị lực trên hành trình "gieo chữ”. 

Cô giáo Đinh Thị Lan, giáo viên "cắm bản” ở chi trường xóm Chiêng xúc động kể: Mặc dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng bà con luôn sẻ chia, giúp đỡ thầy cô giáo trong cuộc sống thường ngày. Đáng quý nhất là hỗ trợ thầy cô trong việc vận động con em đến trường đầy đủ, bảo ban con em cố gắng học tập. Nhờ bà con có nhận thức tốt về công tác giáo dục và có ý thức chăm lo cho sự học của con em nên nhiều năm nay, ở xóm Chiêng chưa từng có học sinh bỏ học giữa chừng, các thầy, cô giáo không phải vất vả đi vận động các gia đình đưa con em đến trường đầy đủ, đúng độ tuổi. Xóm Chiêng cũng là xóm có tỷ lệ học sinh theo học và tốt nghiệp bậc THPT nhiều nhất xã Tân Thành.

Xã Tân Thành thuộc địa bàn khó khăn bậc nhất của huyện Mai Châu. Xã có 7 xóm, trên địa bàn có 2 trường TH&THCS, trong đó Tân Dân là trường bán trú, có 5 điểm trường lẻ đặt tại các địa bàn khó khăn nhất xã. Năm học 2022 - 2023, trường có 38 thầy cô giáo, 343 học sinh, trong đó có 146 học sinh ở nội trú vì nhà xa trường, đường đến trường đặc biệt  khó khăn. 

Cô Vì Thị Hương Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, tập thể sư phạm nhà trường không ngừng phấn đấu, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh; từng bước cải thiện chất lượng giáo dục. Đáng ghi nhận là đội ngũ các thầy, cô giáo đã cố gắng không ngừng nghỉ, chủ động khắc phục khó khăn để tự rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, nhiều thầy cô được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, như cô giáo Ngần Thị Bích được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh, thầy giáo Hà Công Hội được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện... Nhờ tâm huyết và trí tuệ của thầy cô, trường không những duy trì được tỷ lệ học sinh đến trường đầy đủ đạt 99,7% mà còn thành lập được 5 đội tuyển học sinh giỏi các môn, con đường học tập mở ra tương lai tươi sáng cho các thế hệ học sinh xã Tân Thành. Tương lai đó có dấu ấn của những người thầy miệt mài "gieo chữ”, mang tri thức làm giàu cho vùng đất còn nhiều gian khó này.

Khánh An


Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục