Nằm giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện, khí hậu trong lành, bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng… Hòa Bình là điểm đến hấp dẫn với người dân Hà Nội. Ở chiều ngược lại, Thủ đô văn hiến với dày đặc các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nơi văn hóa hội tụ là điểm đến yêu thích của người dân Hòa Bình dịp cuối tuần. Tăng cường liên kết để thúc đẩy du lịch Hòa Bình – Hà Nội cùng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu đặt ra đối với cả 2 địa phương trong thời gian tới. 

 Bài 1: Hòa Bình – điểm đến hấp dẫn với du khách Thủ đô


Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là một trong những lễ hội lớn thu hút nhiều du khách khám phá, trải nghiệm.

Hệ thống đường giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp giúp khoảng cách Hòa Bình – Hà Nội chỉ còn chưa đầy 1 giờ. Sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích du lịch phát triển khiến Hòa Bình – Hà Nội ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáng để du khách tham quan, trải nghiệm.

Giao thông mở đường cho du lịch

Sau hơn 4 năm thi công, tuyến đường nối Hòa Lạc (Hà Nội) và TP Hòa Bình (Hòa Bình) dài hơn 25 km, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng chính thức thông xe vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2018. Tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình đã góp phần quan trọng mở ra cơ hội phát triển KT – XH cho vùng Tây Bắc nói chung, đặc biệt là tỉnh Hòa Bình nói riêng. Thời gian di chuyển Hà Nội – Hòa Bình được rút ngắn chỉ còn một nửa so với trước khiến cho "đường về Hòa Bình” mở ra thênh thang và hấp dẫn hơn với du khách Hà Nội. Trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ 6 Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,6 km được hoàn thành vào năm 2015 cũng đã góp phần giúp việc di chuyển giữa Hòa Bình và Hà Nội thêm thuận lợi.

Tiếp tục tạo lực đẩy cho các tỉnh Tây Bắc phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng giữa Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, nhân kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Tuyến đường này dài 6,7km, mặt cắt ngang 120 - 180m, tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến kết nối với nút giao hoa thị giữa Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21 tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất; điểm cuối kết nối với cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Trên tuyến đường từ TP Hà Nội đến TP Hòa Bình đây chính là đoạn "nút thắt cổ chai” do mặt đường đã xuống cấp, lòng đường hẹp, lưu lượng xe đông nên thường xuyên ùn tắc cục bộ, các phương tiện phải di chuyển tốc độ chậm. Do đó, tuyến đường này theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2026 sẽ giúp cho việc đi lại giữa Hòa Bình – Hà Nội càng nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nối Tây Bắc - Hà Nội, phục vụ phát triển KT – XH các tỉnh Tây Bắc và vùng Thủ đô theo quy hoạch, tạo đồng lực thúc đẩy phát triển KT -XH cho tỉnh Hòa Bình nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Hòa Bình đã họp, thống nhất và đồng ý chủ trương phương án đầu tư xây dựng và cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án Đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Dự án có tổng chiều dài 23,04km, trong đó đi qua địa phận Hà Nội 6,37km, địa phận Hòa Bình 16,67km. Dự án được đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc với quy mô 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư 9.382 tỷ đồng. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường bộ tốc độ cao, ngắn nhất, thuận lợi nhất cho các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe tải. Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Sơn La; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và Hòa Bình cũng như các tỉnh Tây Bắc.

Phát huy tiềm năng, đầu tư tương xứng

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, đẩy mạnh du lịch phát triển, tỉnh Hòa Bình đang tích cực phát triển các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương; từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh cho biết: Hòa Bình đang tập trung phát triển các sản phẩm như: du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (dù lượn, golf, marathon), du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm làng nghề, sản phẩm OCOP… Triển khai hiệu quả mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm làng nghề và điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Các loại hình du lịch đang được giới trẻ quan tâm và thu hút lượng lớn khách như: camping, tắm thác, suối… Các hoạt động trên góp phần thu hút đông đảo du khách, mở rộng thị trường, thúc đẩy du lịch Hòa Bình với phương châm: "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Đặc biệt, hiện nay các địa phương khai thác hiệu quả những sản phẩm du lịch vùng ven hồ Hòa Bình: Tuyến đi bộ, đạp xe quanh hồ; trải nghiệm du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch tâm linh khôi phục và duy trì tốt. Các địa phương cũng lựa chọn ngành nghề truyền thống để bảo tồn và tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; triển khai các sản phẩm du lịch trên sông Đà để kết nối tuyến du lịch đường bộ, đường thủy... Tích cực lập hồ sơ xếp hạng các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh để tu bổ, tôn tạo thành các điểm tham quan; khôi phục các làng nghề để sản xuất sản phẩm quà tặng lưu niệm phục vụ du khách.

Bà Bùi Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP Hà Nội nhận định: Thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội tăng cường kết nối, triển khai các tour, tuyến du lịch các tỉnh Tây Bắc. Trong đó, Hòa Bình là điểm dừng chân đầu tiên trong lộ trình. Qua thực tế cho thấy, du khách đặc biệt ấn tượng với các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Xên Mường, Khai hạ dân tộc Mường, Chùa Tiên... Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Hòa Bình được nhiều trường học của Hà Nội chọn là điểm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại tại các địa điểm tham quan, khu du lịch như: Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sun Village Hòa Bình (TP Hòa Bình); bản Giang Mỗ (Cao Phong); An Lạc Eco Farm & Hot Spring (Kim Bôi); Bản Mường Xanh (Lương Sơn)...

Để thúc đẩy du lịch phát triển, Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Đến nay, tỉnh có gần 70 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký trên 36.400 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở lưu trú được thẩm định, đảm bảo các tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; 9 điểm du lịch địa phương; 1 khu du lịch cấp tỉnh; 2 sân golf được đưa vào khai thác... 6 tháng đầu năm 2024, nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn được đưa vào khai thác như: Mai Đà Lodge, Mơ Village, Vayang Retreat (Đà Bắc); các hộ kinh doanh homestay tại xã Vân Sơn (Tân Lạc); Mandala Retreat (Kim Bôi)...

Bên cạnh đó, năm 2024, toàn tỉnh có 55 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, gồm 40 sản phẩm mới, 15 sản phẩm đánh giá lại. Trong đó, dự kiến có thêm 3 sản phẩm OCOP nhóm du lịch và bán hàng: du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong), du lịch cộng đồng xóm Trà Đáy (Mai Châu), du lịch cộng đồng bản Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc). Các kết quả trên góp phần tạo nét đặc trưng cho vùng nông thôn của tỉnh và phát triển du lịch cộng đồng, trở thành một loại tài nguyên du lịch có khả năng thu hút du khách.

Đức Anh


Các tin khác


Tìm giải pháp cấp nước sạch cho thị trấn Đà Bắc: Bài 1 - Người dân chờ nước sạch 18 năm

Nhà máy nước thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được xây dựng năm 2006 từ nguồn vốn ngân sách, hoàn thành năm 2007, mới hoạt động khoảng 2 tháng thì giếng khoan bị sụt, chất lượng nước không đảm bảo. Từ đó đến nay, người dân thị trấn Đà Bắc vẫn chưa được dùng nguồn nước từ công trình. Thị trấn Đà Bắc là địa phương duy nhất trong tỉnh người dân chưa được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đảm bảo. 

Cán bộ tỉnh theo dõi xã - chủ trương lớn, đồng thuận cao


Bài 3 - Điều chỉnh, rút kinh nghiệm để tiếp tục phát huy hiệu quả chủ trương đưa cán bộ lãnh đạo sở, ngành theo dõi xã

Trên cơ sở quy định của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, tính đến hết tháng 12/2023 đã có 151/151 Đảng ủy xã, phường, thị trấn gửi phiếu nhận xét đối với 141 đồng chí cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được phân công theo dõi. Theo đó, năm 2023 có 657 lượt cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh về tham dự các nội dung, chương trình tại địa bàn được theo dõi. Cơ bản các đồng chí được nhận xét, đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của BTV Tỉnh ủy; có 129 đồng chí được Đảng ủy xã, phường, thị trấn đề nghị BTV Tỉnh ủy biểu dương, khen thưởng, chiếm 84,4% tổng số cán bộ được phân công theo dõi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chủ trương cán bộ lãnh đạo sở, ngành theo dõi xã cũng bộc lộ một số vấn đề cần lưu tâm.

Cán bộ tỉnh theo dõi xã - chủ trương lớn, đồng thuận cao



Bài 2 - Bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành

Ngay sau khi nhận quyết định phân công theo dõi địa bàn của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, 142 đồng chí cán bộ lãnh đạo (CBLĐ) được phân công theo dõi xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoặc liên hệ với đảng ủy địa bàn được phân công theo dõi để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương. Các đồng chí CBLĐ đã tích cực tham gia ý kiến với lãnh đạo xã, trực tiếp là Thường trực, BTV Đảng ủy trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện và địa phương; đề xuất, kiến nghị những mô hình mới, cách làm sáng tạo để xã nghiên cứu triển khai thực hiện. Từ đó bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH tại các địa phương.

Cán bộ tỉnh theo dõi xã - chủ trương lớn, đồng thuận cao

Bài 1 - Để cán bộ sát dân, gần dân

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (BCH T.Ư) Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ, trong đó có nội dung "Thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) phụ trách hộ gia đình nơi cư trú với các hình thức phù hợp để gắn bó mật thiết với nhân dân; truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nắm chắc tình hình cơ sở; đồng thời, qua đó để nhân dân thực hiện việc giám sát CB,ĐV, nhất là về đạo đức, lối sống”.

Tình cảm sâu nặng của cán bộ, nhân dân tỉnh Hòa Bình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, giữ trọng trách quan trọng của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, đặc biệt quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, là tấm gương mẫu mực, tận tụy, hết lòng vì công việc song rất gần gũi với quần chúng nhân dân. Cùng với cả nước, cán bộ và nhân dân tỉnh Hòa Bình xúc động bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo vĩ đại, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam.

Hành trình tìm về “địa chỉ đỏ” miền Trung: Bài 3 - Linh thiêng vùng đất lịch sử cách mạng Quảng Trị

Nằm trên dải đất hẹp miền Trung, được ví như điểm tì vai gánh 2 đầu đất nước, địa danh lịch sử Quảng Trị in hằn chứng tích về cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Kết thúc chiến tranh, hơn 55 nghìn liệt sỹ đã hy sinh và yên nghỉ tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương, mà đã thành biểu tượng, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục