Tích cực tham gia các hoạt động ở cơ sở, nói dân nghe, làm dân tin, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh là những hạt nhân đóng vai trò quan trọng giúp gắn kết cộng đồng và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Ông Bùi Văn Thinh, Bí thư Chi bộ xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong), người có uy tín tại cộng đồng
tích cực tuyên truyền, vận động người dân đóng góp ngày công xây dựng nhà văn hoá xóm và sân vận động xã.

Muốn bà con đồng tình ủng hộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu

Năm 2023, xã Thung Nai, huyện Cao Phong từ một xã đặc biệt khó khăn vùng lòng hồ sông Đà đã cán đích nông thôn mới. Cùng năm đó, xóm Tiện - xóm đặc biệt khó khăn của xã xây dựng thành công bản du lịch cộng đồng. Kết quả có được ngoài sự đầu tư của Đảng, Nhà nước còn có sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Trong đó phải kể đến sự đóng góp tích cực của ông Bùi Văn Thinh, dân tộc Mường, Bí thư chi bộ xóm Tiện, NCUT trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách,  pháp luật của Nhà nước, cũng là người đi đầu trong hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi nhằm xây dựng nông thôn mới. 

Từ đường tỉnh 435 (Bình Thanh - Thung Nai - Suối Hoa) chúng tôi rẽ vào tuyến đường bê tông dài hơn 1km dẫn đến nhà văn hóa xóm Tiện và công trình sân vận động xã đang được gấp rút hoàn thành. Chủ tịch UBND xã Thung Nai Bùi Thị Luyến giới thiệu, sân vận động của xã nhưng chủ yếu do bà con xóm Tiện hiến đất và đóng góp ngày công xây dựng. Trong đó, ông Bùi Văn Thinh là người có vai trò tích cực trong tuyên truyền, vận động cũng như giám sát thi công. 

Ngay sát sân vận động xã là nhà ở của gia đình ông Thinh. Ngôi nhà có khuôn viên khá rộng, được bài trí khang trang, sạch đẹp với cổng vòm hoa giấy, vườn cây ăn quả xanh mát. Ông Thinh chia sẻ, ngôi nhà được gia đình nâng cấp thành một homestay đón khách du lịch. Được biết, ông Thinh trước đây là cán bộ trong đội sản xuất của xã. Sau khi nghỉ ông tham gia công tác ở xóm và có 10 năm làm trưởng xóm, 2 nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ. Năm nay cũng là năm thứ 10 ông được bầu chọn là NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Gắn bó với công việc của xã, của xóm lâu năm, ông luôn nắm rõ tình hình ở cơ sở, từ đó không chỉ có cách tuyên truyền, vận động hiệu quả mà còn định hướng để người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Địa bàn thuộc vùng lòng hồ, đời sống của người dân xóm Tiện còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản trên sông Đà. Khi cảng Thung Nai được đưa vào khai thác, tuyến đường 438 được nâng cấp và mở rộng, nhận thấy đây là cơ hội lớn để người dân phát triển dịch vụ du lịch, ông đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp. Hợp tác xã có 25 thành viên, chuyên cung cấp nông sản sạch và hoạt động dịch vụ du lịch. Kết hợp nông nghiệp và dịch vụ, đời sống của bà con xóm Tiện ngày càng khởi sắc, số hộ nghèo, cận nghèo còn hơn 13%. 

Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, ông Thinh tích cực vận động người dân hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, hiện đường xóm bê tông hóa đạt trên 85%, hệ thống giao thông nội đồng được đầu tư. Để các tuyến đường được mở rộng, ông bàn với cấp ủy và ban công tác mặt trận phát động đợt vận động "dịch bờ rào", trong đó gia đình ông cùng các đảng viên tiên phong làm trước. Ông Thinh cho biết: Tất cả các tuyến đường trên địa bàn xóm khi được xây dựng cứ vướng vào đất nhà ai, nhà đó tự giác dịch bờ rào vào trong để tuyến đường được thẳng đẹp. Muốn bà con đồng thuận thì chính cán bộ, đảng viên phải làm trước, gương mẫu đi đầu.

Sâu sát với cơ sở, hàng ngày chứng kiến hàng chục học sinh phải đi thuyền từ các xóm vào trung tâm xã học tập rất nguy hiểm, ông đã kiến nghị với huyện xây dựng tuyến đường giao thông để kết nối các xóm. Kiến nghị được phê duyệt và tuyến đường hiện đang thi công. Ông Thinh phấn khởi chia sẻ: Tuyến đường được hình thành không chỉ tạo thuận lợi cho con em đi học, người dân đi lại mà còn mở ra cơ hội để phát triển kinh tế, nhất là phát triển mô hình du lịch vùng lòng hồ. 

Đoàn kết là sức mạnh 

Sau hơn 14 năm chuyển từ 2 xã Tân Mai, Phúc Sạn (cũ), huyện Mai Châu về làng mới Tân Phúc, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, đời sống của bà con nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Khu tái định cư Tân Phúc những ngày đầu xây dựng như biệt lập, giờ đã trở thành cộng đồng gắn bó mật thiết với nhân dân xã Bảo Hiệu. Đồng chí Bùi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Bảo Hiệu cho biết: Sự gắn bó ấy chính là nhờ đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng xóm Tân Phúc. Họ chính là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền, giữ vai trò quan trọng tập hợp và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, bà Đặng Thị Lan, dân tộc Dao, Bí thư chi bộ xóm Tân Phúc là một hạt nhân điển hình gắn kết cộng đồng. 

Theo chia sẻ của bà Đặng Thị Lan, các hộ dân ở Tân Phúc đều từ xã vùng lòng hồ sông Đà về Bảo Hiệu định cư, lập nghiệp, vì vậy ban đầu không khỏi khó khăn, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, các gia đình đều được hỗ trợ về đất sản xuất, nhiệm vụ chính là làm sao thích nghi với lối canh tác, sản xuất mới. Hiểu rằng cách thích nghi tốt nhất là học những người xung quanh. Vì vậy, bà và cấp ủy, ban công tác mặt trận xóm đã chủ động trao đổi, học tập phương thức làm ăn, cách thức sản xuất của các hộ dân trên địa bàn. Chính từ đó càng tăng cường sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. 

Để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết, bà Lan cùng cấp ủy, ban công tác mặt trận thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị ở cơ sở, cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò NCUT, tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận, động viên nhân dân tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bà Lan tâm sự: Cũng như quan điểm của Đảng, Nhà nước lấy ấm no và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, cấp ủy, ban công tác mặt trận xóm luôn chú trọng làm sao để bà con ổn định cuộc sống và vươn lên khá giá. Rất mừng vì cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các cấp, ngành đã hỗ trợ sinh kế, thậm chí cầm tay chỉ việc giúp người dân mạnh dạn đổi mới nếp nghĩ, cách làm, từ đó không chỉ phát triển kinh tế mà còn xóa bỏ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa. 

Đồng chí Đỗ Duy Sâm, Trưởng phòng Tuyên truyền và địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.276 NCUT trong đồng bào DTTS; trên 9.000 trưởng bản, cán bộ cốt cán ở cơ sở, trong đó gần 7.000 người là DTTS, trên 95% trưởng bản, cán bộ cốt cán ở cơ sở biết tiếng DTTS. Bằng uy tín, luật tục của dòng họ, gia đình, nhiều già làng, trưởng bản, NCUT đã vận động hàng trăm hộ dân tham gia hiến đất xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình an ninh tự quản tại cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và phòng, chống tai, tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, các già làng, trưởng bản, NCUT vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường. 


Đinh Hòa - Đỗ Hà

Các tin khác


Điển hình thi đua học tập và làm theo lời Bác – lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng: Bài 1 - Những việc làm thiết thực học tập và làm theo Bác

Việc học tập và làm theo gương Bác thực sự đã và đang đi vào cuộc sống của mỗi người, từ cán bộ, đảng viên đến người dân… Xuất phát từ lòng yêu kính Bác, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân với những việc làm thiết thực, góp phần lan toả tinh thần học tập và làm theo Bác.

Mỗi ngày làm một việc tốt: Bài 4 - Giữ gìn và phát huy cốt cách dân tộc theo lời dạy của Người

Ngay khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, để bảo vệ và củng cố những thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ban hành hàng loạt sắc lệnh để quản lý, xây dựng đất nước. Đáng lưu ý trong đó có Sắc lệnh số 65, ngày 23/11/1945 - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa. Nói về vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều lần Người nhấn mạnh phải "chú ý phát huy cốt cách dân tộc”. Tư tưởng xuyên suốt của Bác đó là không thể tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà. Thấm nhuần lời dạy của Người, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là lực lượng nghệ nhân đã tích cực tìm tòi, sưu tầm, truyền dạy để thiết thực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Mỗi ngày làm một việc tốt: Bài 3 - Học Bác tinh thần tương thân tương ái

Đất nước ta từ xưa đến nay có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Điều này đã đi vàotiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Dù trong bất cứ bối cảnh lịch sử nào của đất nước thì nhân dân ta vẫn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong nạn đói năm 1945, Bác Hồ đã khởi xướng, đề xuất và gương mẫu thực hiện phong trào "Hũ gạo cứu đói”, với nghĩa cử cao đẹp mỗi tuần nhịn ăn một bữa. Tấm gương về đạo đức, tình cảm, nhân cách chan chứa yêu thương con người của Bác đã và đang lan tỏa sâu rộng, được nhân dân tỉnh Hòa Bình tích cực noi theo.

Mỗi ngày làm một việc tốt: Bài 2 - Xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân

"Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”. Lời dạy của Bác trong bản Di chúc đến nay luôn có ý nghĩa, giá trị đặc biệt quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên (CBĐV). Học Bác tinh thần "mỗi CBĐV là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”, đội ngũ CBĐV, công chức, viên chức (CCVC) tỉnh Hoà Bình tích cực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đặc biệt là nghiêm túc, cầu thị sửa đổi lề lối làm việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và trách nhiệm với dân”.

Mỗi ngày làm một việc tốt: Bài 1 - Tuổi trẻ Hòa Bình thi đua học tập và làm theo Bác

Một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế là tác phẩm: "Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên Báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6/1949. Trong đó Người nhấn mạnh: "Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh” và "Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to… thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định nhiều hạnh phúc”. Khắc sâu lời dạy của Người, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, từ thanh niên đến người cao tuổi, từ nông dân đến trí thức… đã nỗ lực "mỗi ngày làm một việc tốt” nhỏ bé mà ý nghĩa thiết thực để cùng chung tay xây dựng bản làng, quê hương. Hàng nghìn tấm gương gần gũi, bình dị là điển hình trên tất cả các lĩnh vực, đời sống đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trên đất Mường Hòa Bình.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - ngôi trường của niềm tin và khát vọng: Bài 2 - Giáo dục hiện đại nhìn từ Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ

Trước những thay đổi mạnh mẽ của các cuộc cách mạng khoa học, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) đã có bước đột phá trong đổi mới phương pháp giáo dục - vận dụng STEAM và nghiên cứu khoa học định hướng học sinh phát triển tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học tạo ra các sản phẩm hữu ích mang tính ứng dụng cao, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục