"Thám tử" Nguyễn Ái Việt và đàn bò của gia đình.

(HBĐT) - “...Tôi chỉ muốn làm ra để cảnh cáo những người không thật thà. Đừng vì mối lợi nhỏ mà làm tổn hại tới lòng tin và hại tới người khác. Hơn nữa, qua việc này sẽ cảnh cáo với những kẻ trộm cắp đừng tưởng việc gì cũng qua được bàn tay pháp luật và cũng để bảo vệ sản xuất cho người dân”.

 

Tuy trên địa bàn tỉnh ta chưa có Công ty dịch vụ thám tử, nhưng đối với một số  vụ việc cụ thể thì nhiều người đã bộc lộ rõ “năng khiếu” thám tử mang nhãn “SloocHom  HoaBinh”. Câu chuyện sau là một trong những chuyện mà người viết được chứng kiến tường tận. 

    

Anh Nguyễn ái Việt, trú tại tổ 1, phường Thái Bình (TP. Hoà Bình) làm nghề chăn nuôi kiêm mổ thịt bò đã gần hai chục năm nay. Do có kinh nghiệm lại thẳng thắn, sòng phẳng nên công việc hanh thông, thuận lợi. Một trong những cái tài của anh là “cầm bò” rất chuẩn. Chỉ nhìn qua bên ngoài của con vật anh đã nói đúng trọng lượng đến từng kilôgam hơi (hoặc từng cân thịt xẻ). Điều đặc biệt là anh có cách “cầm” bò phân biệt từng loại tuỳ theo phương thức chăn nuôi: bò chăn thả tự nhiên có trọng lượng khác với bò nuôi vỗ; bò Mộc Châu khác bò Phú Thọ; bò Ba vì khác bò Lạc Sơn...

     

Cho tới một ngày gần cuối năm vừa rồi. Buổi chiều xâm xẩm tối, người giúp việc lùa bò về chuồng (trên đồi xa nhà), kiểm, đếm đầy đủ. Vậy mà sáng sớm hôm sau, khi lên cho bò đi chăn, thấy mất hai con to nhất đàn. Người giúp việc hốt hoảng chạy về báo ngay cho anh Việt (chủ bò). Huy động cả nhà đi tìm... đến khoảng 8 giờ sáng thì thấy “tang vật” là hai đầu bò và mấy cái chân ở ven núi (cách chuồng đến mấy quả đồi). Một mặt tức tốc đi báo nhà chức trách, một mặt anh “rà soát” các đối tượng có thể làm việc này theo cách nghĩ và suy đoán của mình. Khi lập biên bản, các anh công an hỏi: có nghi cho ai không (kể cả người giúp việc)? Anh Việt nói luôn nhận định của mình như nhà điều tra chuyên nghiệp:

      

 - Thứ nhất, kẻ trộm này là tay mổ bò chuyên nghiệp, tôi nhìn đường dao thì biết. Thứ hai đây cũng không phải là kẻ nghiện hút. Tôi đã “nghiên cứu” kỹ rồi trên địa bàn không có “thằng nghiện” nào có chuyên môn cao như thế cả. Hơn nữa, đêm hôm chúng cũng không đủ sức mà leo mấy quả đồi để làm việc này. Còn các anh bảo “xem lại” những người giúp việc trong nhà có biểu hiện gì không thì tôi cũng nói luôn là: khó có khả năng. Vì quỹ thời gian của họ rất ít, mãi 8-9 giờ tối họ mới về nhà, sáng sớm đã đến đây rồi...

       

Tuy không thật sự hoàn toàn đồng ý với “nhận định” của ông chủ bò, nhưng các nhà chức trách cũng phải công nhận là nhận định của anh Việt là rất có “chuyên môn” đáng để tham khảo... Thế rồi các biện pháp nghiệp vụ được triển khai, nhất là khi được nghe ông chủ khẩn thiết đề nghị: “ Mong các anh hết sức tìm ra kẻ xấu, trừng trị để làm gương cho kẻ khác. Nếu không, người dân chúng tôi còn ai dám chăn nuôi, trồng, cấy gì nữa. Tôi cũng xin hết lòng hợp tác với các anh để sớm tìm ra thủ phạm”.

      

 Nhìn đồng hồ thấy đã hơn 9 giờ sáng, anh Việt phân công những người giúp việc toả đi các chợ trong thành phố và các vùng lân cận mua các “mẫu” thịt bò có bán trong buổi sáng (đắt mấy cũng mua) mang về để “nghiên cứu”... Gần một giờ sau, gần chục mẫu thịt được đem về. Sau khi lật ngược, Xẻ xuôi, cân xét kỹ càng, anh Việt tuyên bố: không phải bò nhà mình. Mọi người thắc mắc: đã mổ ra rồi, thịt bò nào chả giống bò nào. Mà nhỡ nó thịt xong, mang về xuôi tiêu thụ thì sao... Kiểu này giống mò kim đáy bể quá! Không nao núng, anh hỏi lại những người giúp việc:

      

  - Còn chợ nào chưa đến không?

      

  - Hết rồi! à còn chợ Cầu Đen anh ạ!

       

 - Được rồi. Để tôi!

       

Nói đoạn, Việt tức tốc phóng xe đi. Đến nơi, lượn qua một lượt các hàng thịt bò quan sát. Cuối cùng, Việt dừng lại một bàn thịt chỉ còn một tảng thịt nhỏ khoảng hơn một cân:

       

- Bác bán cho tôi nốt chỗ thịt này.

       

- Đây! Cân rưỡi chú ạ.

       

Xách thịt về, Việt tập hợp anh em lại phân tích:

       

- Đây đích thị là thịt của con bò nhà mình.

     

 Mọi người kín đáo bụm miệng cười - Xin tiết lộ luôn trong số đông túm tụm hiếu kỳ có cả kẻ mổ trộm bò, nhưng không tỏ ra hốt hoảng lo sợ vì thịt bò được hắn mang đi tiêu thụ ở tận thị trường Phú Thọ , Sơn Tây, Hà Nội cơ. Sức mấy mà tìm ra - Không để ý đến cảnh ấy, Việt giảng giải:

       

- Đây là bò được nuôi ở xứ lạnh, cho ăn cỏ có chất lượng nên thịt chắc, không có xơ, trọng lượng nặng hơn bò dưới mình. Ví dụ, cùng hai con to bằng nhau, một con cầm 90 thì con kia chi cầm 80 - 85 cân thôi. Thịt con này đúng là con mình mua ở Mộc Châu mang về. Đấy mọi người so sánh đi.

       

Bán tín, bán nghi, nhưng nghe ra cũng hơi có lý. Sự việc được báo luôn cho nhà chức trách. Việt cam đoan:

       

- Các anh cứ tìm theo hướng này. Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm và bồi hoàn mọi phí tổn điều tra...

      

Thêm một hướng điều tra mới được mở ra với phương thức đơn giản rất nhiều là: lần ngược đầu mối tang vật. Bà bán thịt chợ Cầu Đen (TP HB) khai mua của ông lái dưới Hoàng Xá, Thanh Thuỷ (Phú Thọ), ông lái khai tiếp mua của bà B ở..., Bà B khai tiếp mua của ông X... Khi lần đến người cuối cùng thì được khai: Cháu nó làm thuê ở trên Hòa Bình mua rẻ được con bò ốm, sợ khó bán được ở trên ấy nên ban đêm phải mang về đây, đến nhà đã muộn (hơn 4 giờ sáng) không kịp cất buôn được cho Sơn Tây và Hà Nội nên phải bán cho bác X, bác Y... (như đã kể ở trên)... Đến đây, vụ án coi như kết thúc. Điều làm cho mọi người bất ngờ nhất là “cháu nó” tên là Nguyễn Trường Sơn chính là người giúp việc cho nhà anh Việt (kẻ mà Việt hết sức tin tưởng và bảo vệ).  

       

Vụ án được đem ra xét xử. Đứng trước Toà, đích thân Việt lại xin Toà giảm nhẹ  án tới mức thấp nhất cho Sơn: Do còn trẻ, nghĩ chưa tới. Xin Toà cho cháu nó cơ hội làm lại cuộc đời. Tôi chỉ muốn để cảnh cáo những người không thật thà. Đừng vì mối lợi nhỏ mà làm tổn hại tới lòng tin và hại tới người khác. Hơn nữa, qua việc này sẽ cảnh cáo với những kẻ trộm cắp đừng tưởng việc gì cũng qua được bàn tay pháp luật và cũng để bảo vệ sản xuất cho người dân.

        

Chứng kiến tài phá án của Việt, một “đồng nghiệp” vào hàng cao thủ trong nghề ba toa đã phải thốt lên với Việt: “Bái phục, bái phục. Anh chịu chú mày. Tài thật.

 

 

                                                                                     Hải Giang

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục