Tôi may mắn lớn lên trong những năm tháng sau chiến tranh nên được sống trong sự thanh bình và náo nhiệt của một đất nước đang chuyển mình. Tuy nhiên, mẹ vẫn không quên dạy tôi rất nhiều điều để không được lãng quên truyền thống. Tôi rất tự hào với bạn bè vì điều đó. Mọi người đến gia đình tôi nhìn ngôi nhà cổ và đồ đạc trong nhà không thể biết rằng, những năm tháng chiến tranh gia đình tôi đã phải sơ tán về vùng miền núi Tây Bắc. Người dân miền núi hiền lành, chất phác, có bàn tay khéo léo, chăm chỉ.
Hàng năm, vào dịp nghỉ hè hay lễ Tết dài ngày, mẹ thường đưa tôi lên vùng đất núi rừng này để thăm một gia đình đã gắn bó với nhà tôi từ rất lâu. Ban đầu tôi rất lạ lẫm nhưng rồi cũng quen với không gian của nông thôn miền núi. Ở đây tôi đã chứng kiến cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, với tre nứa, cây cỏ. Con người dựa vào thiên nhiên để sinh tồn, tránh xa những thứ hóa chất độc hại làm giảm tuổi thọ.
Bá Hoa có vẻ bất ngờ khi đón tôi dưới chân dốc trong cái nắng cuối xuân. Đêm qua vừa có một cơn mưa nên đường khá lầy, xe ô tô không thể lên được. Bá đã cao tuổi nhưng đi xe máy rất cừ, bá đèo tôi lách qua những vũng lầy đưa tôi đến ngôi nhà sàn mát rượi.
- Nước lá đấy cháu uống đi cho mát. Mẹ núi rừng luôn biết chữa lành mọi tâm trạng của chúng ta.
Tôi ngạc nhiên bởi thấy bá "update” rất nhanh hai từ "chữa lành” ấy. Sau một ngày vui chơi tôi quên khuấy những ưu tư trong lòng và bắt đầu nghĩ đến cái nhà hàng bé nhỏ của mình.
- Sao con nhập thực phẩm tươi, sạch, chế biến ngon, check-in thường xuyên, giá cả hợp lý mà lượng khách vẫn lèo tèo chỉ đủ tiền điện, nước, lương nhân viên bá nhỉ?
Bá cười, nụ cười ấy làm tôi thấy mình quá ngáo ngơ.
- Cả đời bá chỉ nấu cho chồng, con ăn, mà có nấu cho xóm, làng thì đã lấy tiền của ai bao giờ đâu mà biết. Nhưng theo bá thì bây giờ người ta cần món đặc sắc đó con. Gọi là bản sắc vùng miền thì mới hấp dẫn.
- Nhưng con thấy bây giờ đâu chả có đồ rừng. Thắng cố, thịt trâu gác bếp, cá suối, lợn bản, gà đồi... nhàm chán quá đi ạ.
Bá Hoa lặng lẽ kéo tay áo tôi. Hai bác cháu lững thững leo lên đồi đào măng. Mùa này, măng đội đất nhô lên như những cây chông được giấu trong đất. Măng được tách vỏ, thái lát, bá dạy tôi cách làm măng chua. Bá bảo măng có gì lạ đâu, thịt gà cũng vậy, hạt dổi thì rụng đầy sân. Nhưng nếu biết cách chế biến, thứ này bổ sung cho thứ kia, tôn nhau lên sẽ rất hấp dẫn như bát canh măng chua thịt gà thơm nức mũi này.
Tôi bị cuốn vào từng món ăn, vào cách chế biến của bá. Sao chỉ là mấy câu rau dại mà bỗng hóa đặc sản. Một con cá, một miếng thịt cũng được chế biến khéo léo. Hình như sau mỗi món ăn còn là triết lý về ứng xử. Những thứ mà lâu nay ta nghĩ nó rất tầm thường nhưng hóa ra lại chứa những điều đáng giá. Sự đắng, cay cũng hóa ngọt ngào nếu biết hóa giải.
Măng khô, hạt dổi, thịt gác bếp lúc lắc trong chiếc túi thổ cẩm khi tôi ngồi trên xe. Những món đồ dân dã nhưng chứa đựng không khí gia đình ấm áp. Về đến nhà, không thấy chồng đâu, tôi lặng lẽ vào bếp nấu một bữa ăn với những gì mình thích. Bất ngờ từ phòng ngủ vang lên tiếng chuông điện thoại. Tôi bước vào phòng phát hiện ra anh để quên điện thoại ở nhà. Hết hồi chuông thứ nhất đến hồi chuông thứ hai, cực chẳng đã tôi cầm máy lên, vẫn là số điện thoại đó. Bất giác tôi lại muốn được đối diện với sự thật ấy.
Phía bên kia là tiếng một đứa trẻ nheo nhéo. Qua vài câu tôi hiểu ra nó đang gặp vấn đề về tâm lý. Tối, khi anh về, sự thay đổi thái độ của tôi làm anh khá bất ngờ.
- Có một đứa trẻ gọi cho anh.
- Hoàng phải không, em có nghe nó nói chắc cũng không hiểu.
- Là sao anh?
- Cậu ta là khách hàng đặc biệt. Tuổi tác cũng không kém em là mấy.
- Khách hàng, anh đang làm gì?
- À, anh có tham gia làm thêm cho văn phòng tư vấn tâm lý...
Tôi nhớ ra anh từng là sinh viên khoa tâm lý. Đúng là từ ngày ra trường anh chuyển sang làm đồ họa và gần như không còn động chạm đến lĩnh vực ấy nữa.
Sáng Chủ nhật, tôi theo anh đến nhà "cậu nhóc” 27 tuổi có tên là Hoàng. Hoàng dễ cao đến 1m8 nhưng nhút nhát như một đứa trẻ. Hàng ngày cậu ở nhà gấp những chiếc hộp giấy phụ giúp mẹ làm công nhân ở một nhà máy. Khi hai vợ chồng ra về, một chị hàng xóm hớt hải chạy sang:
- Các cô chú đến mua nhà à, khổ, mua được thì mua đừng ép giá mẹ con nhà nó tội lắm.
Tôi lặng người, chẳng lẽ khó khăn đến vậy sao, chồng tôi bảo:
- Em xem giúp được gì thì giúp cho người ta, không mẹ nó phải bán nhà đấy, ốm yếu đã lâu dạo này không đi làm được nhiều.
Quán ăn của tôi đông khách hơn. Người mẹ của Hoàng thì lo bưng bê, Hoàng ngồi trông xe và dán hộp giấy. Tôi đang định nhắn tin cho bá Hoa thì nhận được cuộc gọi của bá: Nhà hàng của con ở vị trí đẹp quá, bá vừa đi qua, đưa cho mẹ cháu mấy bộ quần áo. Những gì vợ chồng con làm bá đều biết hết. Thế nhé, hãy thật vui và dành thời gian nhiều cho công việc con sẽ thấy hạnh phúc...
Tôi nói với bá rằng thuốc bá cho rất hiệu quả, mẹ Hoàng đã khỏe lên nhiều. Lặng im và cảm thấy từng chiếc lá non ở cây bằng lăng ngoài hiên đáng yêu biết chừng nào. Hình như chúng cũng như tôi, biết chữa lành những vết thương từ giá rét để có một mùa xuân ấm áp của riêng mình...