Ngày còn học đại học, Hải không hiểu sao các bạn lại không chọn quê hương mình làm điểm đến trong những lần cả lớp đi du lịch.
Hải đã từng hỏi một vài người trong lớp: "Sao không lên quê mình nhỉ? Quê mình cách Hà Nội không xa mà cảnh sắc lại rất đẹp. Ở đó vẫn có nhà sàn, sông suối, ruộng lúa… đa số còn nguyên bản và bình yên lắm…”. Họ nghe xong liền bảo: "Cậu ở đấy gần Hà Nội, khác gì đồng bằng Bắc Bộ đâu, đã phượt là phải xa mới thú vị”.
Có lúc Hải đã nghĩ: Có khi nào con người cứ đi tìm kiếm những điều xa xôi mãi như thế rồi lại bảo quên những gì đặc sắc ở rất gần mình. Hải vẫn muốn tìm cách để mọi người hiểu và tạo ra sức hấp dẫn cho quê hương.
Thế rồi cơ duyên cũng đến. Trong một lần đi từ đồng về, anh gặp một người đàn ông đi xe máy, phía sau chằng buộc đủ thứ đồ lỉnh kỉnh. Hỏi ra mới biết chú tên Hồng. Chú định đi lên Tây Bắc nhưng chẳng may xe bị hỏng dọc đường. Trời đã nhá nhem tối, một cơn mưa kéo đến từ phía xa, Hải chủ động rủ chú về nhà ngủ qua đêm, sáng mai tìm tiệm sửa xe và tiếp tục hành trình.
- Nhà cháu ở trong làng. Nhà còn đơn sơ nhưng được cái rộng rãi, thoáng mát. Chú về đây cứ ở như người nhà.
Cả gia đình Hải đón chú Hồng rất niềm nở. Bữa cơm dọn ra có rau đắng đồ, cá nướng, thịt gà nấu măng chua. Người khách tỏ ra thích thú, chốc chốc lại hỏi về cách làm, cách kiếm và sơ chế. Ăn cơm xong, chú Hồng ngỏ ý gửi tiền lưu trú:
- Cảm ơn bữa cơm đầm ấm và đậm đà bản sắc. Dù gì tôi cũng xin gửi lại ít tiền…
Bố, mế của Hải nghe thế liền gạt đi. Họ bảo dù mới gặp nhưng coi chú như người thân lâu ngày đến thăm. Chú Hồng cảm ơn và có phần ái ngại.
- Nhìn nhà cửa thế này tôi đoán gia đình ta có ý định kinh doanh dịch vụ du lịch phải không?
- Vâng, đúng thế chú ạ, nhưng có thể vì đây là vùng xa nên không mấy khi có khách đến. Mà chú đã nghe hát đối bao giờ chưa, có khách quý là khôngthể thiếu…
Lần đầu tiên người họa sĩ già được thưởng thức những lời hát ứng tác mộc mạc và đằm thắm, thiết tha như thế. Sáng hôm sau, khi mặt trời nhô lên, cả vùng mường hiện ra như bức tranh tươi đẹp khiến chú Hồng vội vã dựng giá, pha màu và vẽ.
Phác họa xong, chú quay sang nói với Hải:
- Hải này, hôm tới chú định đưa mấy họa sĩ lên đây lưu trú và sáng tác, cảnh sắc nông thôn bình yên, nhà ta lại có khung cửi và các nông cụ truyền thống đặc sắc. Nhưng cả nhà phải làm quen với cách làm du lịch mới đấy nhé…
- Mới là thế nào chú?
- Là tạo ra một dịch vụ có giá trị để du khách, đặc biệt là những người đam mê văn hóa được sử dụng, vừa quảng bá được vẻ đẹp vốn có, vừa có nguồn thu nhập ổn định.
Bố của Hải nghe xong rất tâm đắc:
- Chú nói vậy là phần nào tôi đã hiểu ra đó. Mình phải có bản sắc, màu sắc riêng. Nhưng liệu người ta đang sống với tiện nghi có thích những thứ xưa cũ này không chú?
- Bác và gia đình yên tâm, khung cửi, lịch tre nhìn vào giá trị vật chất thì đơn giản nhưng là kết tinh trí thức dân gian đó ạ…
Mấy hôm sau, các họa sĩ đều có mặt. Nhận được sự hướng dẫn và giúp đỡ của chú Hồng, Hải đã thực hiện một phóng sự ngắn tự ghi lại hoạt động của các vị khách nghệ sĩ này. Phóng sự ấy dẫu anh chỉ sử dụng trong trang cá nhân của mình, tuy không được dàn dựng bài bản, công phu lắm nhưng đã khiến nhiều người chú ý.
Một sáng Chủ nhật khi ngoài trời còn tối, Hải đã bị đánh thức bởi cuộc gọi của Xuân:
- Ê, giấu nhau kỹ thế, không cho bạn làm khách ở homestay à?
- Mời từ 5 năm trước mà Xuân có thèm lên đâu!
- Ơ, là tại Hải chứ, Hải không nói rõ, ai mà biết được…
Hải cười một mình, con gái bao giờ cũng có cái lý riêng để chiến thắng. Thế rồi tháng sau, khi lớp tổ chức họp ở homestay của gia đình anh, bao nhiêu câu chuyện thú vị được trải lòng, những tác phẩm đặc sắc đều được nhóm họa sĩ tặng lại khiến khu nhà trở nên hấp dẫn.
Chiều ấy, thấy bố đi vần mấy tảng đá, trồng thêm hàng chuối và mấy cây dại… Hải thắc mắc: "Sao bố lại đem về nữa, con thấy nhiều rồi đấy…”. Thấy thế, ông cụ liền giải thích: "Đấy, nghe chú Hồng của con tuyên truyền, bố bớt uống rượu, dậy sớm đi tìm cây thuốc về trồng, dù gì cũng phải giữ gìn vốn quý cha ông con ạ”.
Đang trò chuyện với bố, bỗng Hải nhận được tin nhắn của Xuân: "Bạn giỏi nhỉ, dám bắt cóc bố tôi…”. Ơ hay, mình biết gì đâu, cô gái này lạ thật. Chưa kịp suy đoán đã thấy một chiếc xe tiến vào sân nhà. Từ trên ghế lái bước xuống, Xuân mở cửa sau cho một người bước ra. Hải bất ngờ vì đó chính là chú Hồng chứ không phải ai khác. Chẳng biết lúc ấy nghĩ gì mà anh thốt lên: "Ô! Thế hóa ra chú là bố của Xuân…”. Nói xong câu ấy, tự Hải thấy ngượng chứ chưa cần đến cái lườm sắc như dao của nàng.
Đúng lúc ấy có một người đàn ông từ ngoài cổng bước vào, giọng oang oang:
- Nay nhà bố Hải có khách quý à? Phải mổ gà, bắt cá lên đãi khách chứ?
Nói xong, ông sững người nhìn chằm chằm vào mặt ông Hồng rõ vẻ sửng sốt. Mất cả phút như thế rồi mắt ông sáng lên, bờ vai run lên:
- Hồng, Hồng, có phải Hồng kí họa đó không? Mày còn sống…?
Hình như chính tiếng gọi "mày” ấy làm sống lại những tháng năm tuổi trẻ trong bom đạn chiến tranh. Phải mất mấy câu thắc mắc qua lại, ông Hồng mới nhận ra người đồng đội cũ.
- Nhưng sao Thực lại ở đây?
- Tôi là em trai của bố cháu Hải, nhà tôi, quê tôi ở mường này… Ôi không tin nổi.
- Bạn này, tôi nhớ ngày xưa bạn kể có một cái hang ở ngay trong xã, rất đẹp phải không? - ông Hồng hỏi.
- Đúng, sao bị mảnh đạn găm vào người chết đi sống lại mà trí nhớ vẫn tốt thế, để sáng mai tôi dẫn cậu đi…
Trong lúc ấy, ở bến sông, nơi có con thuyền neo đậu, Hải ngồi bên Xuân lặng lẽ. Bỗng dưng họ không biết nói gì với nhau, chốc chốc lại bứt một ngọn cỏ xuân. Có lẽ chỉ cần thế thôi, như mùa Xuân cứ lặng lẽ đến đánh thức những mầm xanh thức dậy sau mùa Đông lạnh giá…
Lúc giải lao Dũng thường ngắm bức ảnh mình tự chụp sau chuyến đi cùng anh em trong nhóm nhiếp ảnh.