Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Trịnh Ngọc Thạch ở xóm Quyết Thắng, xã Bao La (Mai Châu) tiếp tục cải tạo diện tích vườn tạp để trồng táo đại.
Cùng cán bộ UBND xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Trịnh Ngọc Thạch. Dẫn chúng tôi thăm vườn táo rộng khoảng 3.000 m2 đang trong quá trình cải tạo sau khi thu hoạch, anh Thạch cho biết: "Bao La là xã thuần nông nên thu nhập chính của nhân dân chỉ trông chờ vào đồng ruộng. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu về 7 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp, trừ chi phí, lợi nhuận đem về chỉ được quá nửa. Chính vì vậy, để cải thiện thu nhập, tôi phải đi làm thêm và phát triển chăn nuôi. Trong lần tình cờ xem truyền hình giới thiệu về cây táo đại, tôi nghĩ rằng giống cây này có khả năng phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã nên mạnh dạn trồng thử”.
Qua tìm hiểu, đầu năm 2016, anh Thạch tìm mua giống cây táo đại tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh để trồng thí điểm với 200 cây giống. Để có được sản phẩm chất lượng tốt, anh Thạch tích cực tham khảo sách, báo, Internet và tham gia các buổi tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật do chính quyền phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức. Ngay trong năm đầu tiên, gia đình anh đã xuất ra thị trường 3,5 tấn quả. Với mức giá thu mua ổn định 20.000 đồng/kg, gia đình anh Thạch thu về hơn 70 triệu đồng bán táo. Thị trường tiêu thụ hiện tại chủ yếu trên địa bàn huyện Mai Châu và các xã lân cận. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh đã nhân rộng quy mô vườn lên 3.000 m2 với tổng số 300 cây táo.
Anh Thạch cũng cho biết thêm: "Trồng táo đại phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu tại xã. Không đòi hỏi nhiều công chăm bón và rất ít sâu bệnh. Thời gian trồng ngắn và có thể đem lại lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên. Ngoài ra, táo đại được thị trường ưa chuộng bởi là nguồn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc và không sử dụng chất bảo quản, thuốc BVTV.
Nhận thấy mô hình trồng táo của gia đình anh Thạch đem lại hiệu quả cao, từ đầu năm 2017, trên 50 hộ dân xóm Quyết Thắng đã cải tạo diện tích đất vườn tạp của gia đình để trồng táo . Trung bình mỗi hộ dân trồng từ 10- 20 cây, một số hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng táo như gia đình anh Trần Văn Cáp (200 cây) , Trịnh Thị Dịu (150 cây).
Tuy nhiên, để nhân rộng quy mô trồng táo đại cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, quỹ đất tại xã còn rộng, nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên, bà con không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, phát triển mô hình. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng. Người dân phải tự vận chuyển sản phẩm ra các chợ đầu mối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Đồng chí Hà Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Bao La cho biết: "Mô hình trồng táo đại của gia đình anh Trịnh Ngọc Thạch bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình. Theo thống kê, hiện tại, trên địa bàn xã có trên 2.000 cây táo. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển mô hình trồng táo, chính quyền sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tổ chức các buổi tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật và chuyển giao KHKT; liên kết với các doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Qua đó giúp đỡ các hộ dân phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, chính quyền cũng khuyến cáo các hộ dân không nên trồng ồ ạt, tránh tình trạng dư thừa sản phẩm.
Đức Anh
(HBĐT) - Dù đã được nghe về hoàn cảnh của thiếu tá Nguyễn Xuân Trọng, trợ lý chính trị - Ban CHQS huyện Lạc Thủy nhưng tôi vẫn không tin đó là sự thật. Bởi lẽ, khó có ai vừa trĩu gánh nặng gia đình lại là tấm gương sáng luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...
(HBĐT) - Người “vác tù và” là cái tên mà người dân ở xóm Hang Đồi II nói riêng và người dân ở xã Cư Yên (Lương Sơn) trìu mến đặt cho anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Cư Yên vì những việc “thuận cho dân, lợi cho nước” mà anh đã làm suốt thời gian qua.
(HBĐT) - Xây dựng và mở rộng các mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) kết hợp là cách làm sáng tạo, một hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên của nhiều xã tại huyện Lương Sơn. ông Hoàng Văn Chiến, xóm Rụt, xã Tân Vinh là một trong những người thành công khi xây dựng mô hình VACR đạt hiệu quả kinh tế cao.
(HBĐT) - Con người thật thà, chất phác là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Bí thư chi bộ xóm Suối Ngành, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn). ông Dũng luôn tâm niệm: “Là người đảng viên, bất kỳ ai cũng phải noi gương Bác Hồ đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Quan trọng phải nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
(HBĐT) - Tiếp xúc với trung tá Đinh Văn Thới (ảnh) – Điều tra viên cao cấp, Phó Trưởng phòng an ninh điều tra, Công an tỉnh, chúng tôi thấy anh khá kiệm lời, hiếm khi anh bày tỏ cảm xúc của mình. Có lẽ nghiệp điều tra đã định hình tính cách của anh, một con người thận trọng, sâu sắc, chín chắn trong suy nghĩ lẫn hành động. Là người con Yên Bái, trung tá Đinh Văn Thới chọn mảnh đất Hòa Bình để lập nghiệp và nuôi dưỡng hành trình mang cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.
(HBĐT) - Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, việc áp dụng tiến bộ KHCN, ứng dụng CN-TT vào sản xuất, trao đổi hàng hóa và quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, nông thôn là cách nhanh nhất, tiết kiệm thời gian nhất trong việc tiếp cận thị trường. Đó là cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Cao Phong mà anh Bùi Văn Xuân, xóm Trang Giữa 2, xã Tân Phong (Cao Phong) đã và đang thực hiện. Vượt qua hàng nghìn thí sinh trên cả nước, Bùi Văn Xuân đã vinh dự giành giải nhất cuộc thi “Nông dân với CNTT” do T.ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào tháng 10/2016 tại Hà Nội.