(HBĐT) - Đang làm nhân viên của Viettel với mức lương khá, chàng trai Giàng A Dê ở La Pán Tẩn, Mù Cang Chải (Yên Bái) nghỉ việc về quê, vay tiền lên núi làm homestay với giấc mơ "ngắm trời”. Anh trở thành điển hình dám nghĩ, dám làm của thanh niên lập nghiệp tại quê hương ở tỉnh Yên Bái.



Chàng trai Giàng A Dê lên núi làm homestay.

Bỏ nghề lên núi làm homestay

Năm 2007, chàng trai Giàng A Dê trúng tuyển đại học. Đây là niềm tự hào của người Mông ở La Pán Tẩn bởi nơi đây nghèo khó, miếng ăn còn chật vật nghĩ gì đến chuyện học hành. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên, Giàng A Dê về làm việc tại Viettel Mù Cang Chải. Năm 2007, toàn bộ 500 ha diện tích ruộng bậc thang thuộc 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình được xếp hạng là di tích quốc gia - danh thắng độc đáo tại Việt Nam. Khách trong và ngoài nước đến La Pán Tẩn ngày một nhiều, nhất là dịp lúa chín bởi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, những đám mây bồng bềnh ôm núi. Để ngắm được mây lúc bình minh, khách phải dậy thật sớm đi xe từ Nghĩa Lộ hoặc phố huyện Mù Cang Chải lên đây. Làm cán bộ của Viettel nên Dê có điều kiện được tiếp xúc với nhiều người, tiếp cận nhiều nguồn thông tin, cách làm kinh tế. Dê nghĩ: Khách lên đây rất thích lên đỉnh núi ngắm mây, ngắm trời, ngắm ruộng bậc thang. Đó là lợi thế của quê hương mình. Tại sao mình không làm nơi nghỉ, ngắm cảnh ngay tại đây để khách không phải đi xa. Với suy nghĩ đó, Giàng A Dê tìm hiểu mô hình homestay từ thực tế địa phương, vùng lân cận rồi tìm kiếm trên mạng internet. Cuối năm 2017, sau khi đã thuyết phục và được vợ đồng ý, Giàng A Dê nộp đơn xin nghỉ việc ở Viettel để làm du lịch homestay ngay tại quê hương mình: xã La Pán Tẩn.

Giấc mơ "ngắm trời"

Đưa tôi đi quanh căn nhà sàn với con đường nhỏ lượn quanh đồi, Giàng A Dê chia sẻ: Trông thế này thôi nhưng cũng nhiều công lắm anh ạ! Như con đường bê tông dốc ngược từ đường xã lên homestay trên đỉnh đồi gần 300 m, vợ chồng em hì hục đi mua xi măng, cát, sỏi và tự làm trong nửa tháng trời. Làm xong đường, cả hai đen nhẻm, hốc hác. Còn nhà cửa do không có vốn, Dê tận dụng mọi nguyên liệu sẵn có để dựng từng cây cột, lót từng liếp sàn. Cả 2 vợ chồng kiên nhẫn gùi từng viên gạch, bao xi măng từ dưới đường lên đỉnh núi. Bãi sỏi hình trái tim trước sân homestay được nhặt từ suối là điểm chụp ảnh cho khách. Và trang web có địa chỉ hellomucangchai.com và trang fanpage trên facebook, cũng tự Dê lần mò học hỏi thiết kế, cập nhật liên tục, không chỉ những hình ảnh về nhà mình, bản mình mà còn rộng ra cả Mù Căng Chải và vùng Tây Bắc. Để học tiếng Anh phục vụ khách nước ngoài, Vàng Thị Ly (vợ Dê) sang thị xã Sa Pa (Lào Cai) xin vào khách sạn làm, học hỏi từ cung cách phục vụ, gấp chăn màn cho đến cắm hoa, đón khách. Làm gần 1t năm về lại La Pán Tẩn phụ giúp Giàng A Dê mở homestay.

Ở lại "Hello Mù Căng Chải" một đêm, sáng ra ngắm trời mới thấy với địa thế này, có thể thỏa thích ngắm nhìn La Pán Tẩn, một kiệt tác thiên nhiên đẹp mê hồn, với những ruộng bậc thang như lên đến tận trời và được tận hưởng không khí trong lành của trời đất. Từ sớm thấy được cuộc sống của người dân chồng cày vợ cấy, trẻ em tung tăng đến trường... Đến với "Hello Mù Căng Chải", du khách không chỉ được sống giữa thiên nhiên, thỏa thích ngắm đất trời, mà còn được tham gia các hoạt động của người dân địa phương như xuống suối bắt cá, lên nương cày cấy, trồng đỗ, bẻ ngô, theo người dân lên núi hái rau, hái măng mang về cùng nấu nướng, ăn uống theo đúng kiểu đồng bào. Giàng A Dê bảo: Khách đã lên tới đây là tìm kiếm sự khác biệt, mới lạ, độc đáo của bản sắc người Mông và tìm về cuộc sống giữa thiên nhiên để giảm căng thẳng. Mình phải giữ nụ cười và tạo sự thân thiện, hòa đồng, để ai cũng thấy vui và tràn đầy năng lượng sống.

Qua hơn 3 năm hoạt động, homestay của Giàng A Dê cho thu nhập ổn định với khoảng 30 triệu đồng/tháng. Vào những ngày cuối tuần, nếu không đặt trước khách không có chỗ nghỉ. Dự định của Dê sẽ tiếp tục làm thêm các bugalow ngay tại ruộng bậc thang để khách nghỉ và ngắm trời.


Việt Lâm

Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục