Những năm qua, bên cạnh công tác giảng dạy, cô giáo Lò Thị Minh Thi, Trường mầm non xã Tòng Đậu (Mai Châu) đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Thái thông qua các trò chơi dân gian.
Cô giáo Lò Thị Minh Thi (ngoài cùng bên phải) cùng các cô giáo Trường mầm non xã Tòng Đậu (Mai Châu) tổ chức trò chơi dân gian cho học sinh.
Trò chơi dân gian không chỉ mang tính giải trí mà còn giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội, thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Trẻ em qua những trò chơi dân gian học được cách tương tác, làm việc nhóm, biết cách thể hiện cảm xúc và nâng cao sự sáng tạo. Những trò chơi như nhang tin kheo (đi cà kheo), phăng ken (giấu que), tục mọc tục hạp (chơi trốn tìm)... mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái và chứa đựng những giá trị giáo dục sâu sắc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi các trò chơi điện tử, trò chơi hiện đại khác dần thay thế những trò chơi dân gian, việc bảo tồn, gìn giữ những trò chơi này trở nên vô cùng cần thiết. Và chính những giáo viên mầm non như cô giáo Lò Thị Minh Thi đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát huy trò chơi dân gian qua các giờ học.
Cô giáo Thi chia sẻ: "Khi bắt đầu công tác giảng dạy lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi, tôi nhận thấy trẻ chưa thực sự hiểu và yêu thích các trò chơi dân gian của dân tộc mình, chưa có sự gắn kết giữa trẻ với trẻ. Vì thế tôi đã đưa những trò chơi này vào các giờ học để các em vui chơi, gìn giữ nét đẹp văn hóa qua các trò chơi dân gian của dân tộc Thái".
Để hiểu sâu hơn và cải tiến, đưa các trò chơi dân gian dân tộc Thái vào giảng dạy, cô giáo Thi đã gặp những người cao tuổi trong vùng tìm hiểu và ghi chép lại tỉ mỉ cách chơi, những bài đồng dao gắn liền với các trò chơi. Cô cũng nhờ những người cao tuổi dân tộc Thái chơi mẫu và hướng dẫn cách chơi, luật chơi với những trò chơi có luật như tò bi, ông hô ông hột...
Sau khi nắm rõ và cải tiến trò chơi phù hợp với trẻ 3 - 4 tuổi, cô giáo Thi tổ chức hoạt động ngoại khóa ngoài trời cho các em tham gia chơi trò chơi dân gian. Mỗi trò chơi đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc giải thích nguồn gốc, ý nghĩa của trò chơi đến cách thức tham gia sao cho đúng.
Ngoài việc tổ chức các trò chơi dân gian trong lớp học, cô giáo Thi khuyến khích các bậc phụ huynh tham gia chơi cùng con, hướng dẫn cách bảo tồn, truyền dạy trò chơi cho con tại gia đình, từ đó tạo sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường cùng giữ gìn những nét đẹp truyền thống.
Cô giáo Hà Thị Thôn, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tòng Đậu chia sẻ: "Tuy mới về công tác tại trường nhưng cô giáo Thi rất ham học hỏi từ đồng nghiệp và tự học qua internet. Với chuyên môn tốt, cô giáo Thi được phụ huynh học sinh tin tưởng. Việc phát huy các trò chơi dân gian dân tộc Thái của cô đã góp phần xây dựng môi trường lành mạnh cho trẻ trong độ tuổi mầm non, trẻ thực sự hứng thú khi được tham gia các trò chơi thực tế ngoài trời”.
Bên cạnh đó, việc tham gia các trò chơi dân gian còn giúp trẻ phát triển thể chất một cách toàn diện. Các trò chơi như "chạy đua", "đẩy gỗ", "cào cào" đều yêu cầu trẻ vận động nhiều, giúp cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh. Đây là những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển thể chất của trẻ em trong độ tuổi mầm non. Tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non cấp tỉnh năm học 2024 - 2025, cô giáo Lò Thị Minh Thi đoạt giải nhì với báo cáo đổi mới "Biện pháp góp phần giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc Thái thông qua việc tổ chức các trò chơi dân gian trong hoạt động chơi ngoài trời tại lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi Trường mầm non xã Tòng Đậu”.
Với sự tận tâm, yêu nghề, nhiệt huyết, cô Lò Thị Minh Thi đã và đang góp phần quan trọng trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, qua những trò chơi dân gian không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn hình thành tình yêu, niềm tự hào với những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
La Hưng
Năm 2020, có một người phụ nữ đã tạm biệt Thủ đô, lặn lội lên "vùng đất gió" Cao Phong - Mường Thàng để hiện thực hóa khát vọng phát triển du lịch tại xóm Mừng, xã Hợp Phong.
Đội ngũ bí thư chi bộ (BTCB) xóm, tổ dân phố là những người gần dân, dân tin, hiểu dân nhất. Hiện nay, đội ngũ BTCB xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh được đánh giá hầu hết là những người có uy tín, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, kiến thức cả về chuyên môn, nghiệp vụ và công tác Đảng. Những ngày tháng Chạp hối hả công việc cuối năm, chúng tôi đã tìm gặp các BTCB tiêu biểu để lắng nghe họ chia sẻ về một năm bận rộn và nhiều nỗ lực.
Trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, có nhiều nông dân để lại dấu ấn lớn với nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm giàu, đẹp cho quê hương.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Hòa Bình, ngày 13/1/2025, hạ sĩ Nguyễn Trần Bảo Chung (SN 2004), chiến sĩ nghĩa vụ Đội Cảnh sát bảo vệ, Trại Tạm giam Công an tỉnh sau khi thực hiện xong ca trực xin phép chỉ huy ra ngoài đơn vị để công chứng giấy tờ cá nhân. Trên đường đi đến đoạn quốc lộ 6 thuộc phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) đã nhặt được một ví da màu đen, bên trong có 1 căn cước công dân tên Nguyễn Thị Thanh Thủy và số tiền lớn.
Hơn 9 năm gắn bó với nghề giáo, 5 năm giữ cương vị tổ trưởng chuyên môn, cô Nguyễn Hoàng Vinh, giáo viên Trường mầm non Lạc Thịnh, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy luôn là giáo viên dạy giỏi các cấp và là người đi đầu, hướng dẫn, truyền cảm hứng cho các thầy, cô giáo trong và ngoài trường áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy.
Đó là nghệ nhân ưu tú Lý Văn Hềnh, sinh năm 1949, dân tộc Dao ở xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Ông Hềnh sinh ra trong gia đình có truyền thông học chữ Dao - Nôm nên thành thạo chữ viết và hiểu rõ phong tục của dân tộc.