Ông Nguyễn Viết Chiểu bên vườn bưởi đang ra hoa.

Ông Nguyễn Viết Chiểu bên vườn bưởi đang ra hoa.

(HBĐT) - Ở tuổi lục tuần, sau khi nghỉ hưu, ai cũng bảo ông ở nhà nghỉ ngơi vui vầy với con cháu nhưng ông không nghĩ vậy. Ông rời Thủ đô phồn hoa mang giống bưởi đặc sản nơi mình sinh ra để lên vùng đất Hòa Bình gây dựng cơ nghiệp và cũng để lưu tồn giống bưởi quý quê hương. Sau hơn 10 năm, ông đã làm được như vậy.

 

Một ngày cuối xuân khi những cánh hoa bưởi cuối cùng đã rời cành để nhường cho một mùa quả hứa hẹn bội thu, chúng tôi tìm đến ông. Đó là ông  Nguyễn Viết Chiểu ở xóm Om Ngái, xã Cao Dương (Lương Sơn). Đưa đi thăm quan khu vườn 4 ha với hơn 1.000 cây xanh mướt, hàng lối thẳng tắp, ông Chiểu hái cho chúng tôi một vài quả còn sót lại trên cây. Sau nhiều tháng chín treo trên cây, quả bưởi vẫn vàng óng. ông nhẹ nhàng dùng con dao bổ cau, tách lớp vỏ bưởi. Lưỡi dao đưa đến đâu là hương bưởi tỏa ra đến đó. Vỏ bưởi mỏng tựa như vỏ cam, chẳng thế mà ông Chiểu phải lựa mới không cắt vào cùi. Bóc múi bưởi, chúng tôi cũng ngỡ ngàng bởi sau vài tháng bưởi chín trên cây tép vẫn róc, căng mọng, vị ngọt thanh. ông Chiểu cho biết: Bưởi tôi hái cách đây 3 tháng ăn ngon hơn thế này! Thế rồi ông vào nhà  mang ra quả bưởi đã héo. Khách ăn ai cũng cảm nhận được vị ngọt, thơm. Sau khi thưởng thức bưởi, chúng tôi được nghe câu chuyện của ông bén duyên với mảnh đất này.   

Ông sinh năm 1949 và lớn lên tại làng Diễn, Hà Nội. ông  đi du học tại Tiệp Khắc chuyên về ngành cơ khí. Tốt nghiệp, ông được nhận vào một cơ quan Nhà nước ở Thủ đô Hà Nội. Sau mấy chục năm cống hiến, ông xin nghỉ hưu sớm. ông từng đi làm thuê cho ông chủ Tàu chuyên về bả ma tít. Sau thời gian ông tự ra làm riêng kiếm được lưng vốn. Qua những lần đi làm từ thiện, ông thấy “mê” vùng đất Cao Dương. Năm 2001, ông đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua 4 ha đất ở xóm Om Ngái để trồng bưởi Diễn. Quyết định của ông bị vợ con cho là dở hơi và không ủng hộ ông bởi với số tiền đó, ông có thể mua được cả một cơ ngơi rộng lớn ở đất Diễn. ông chỉ nghĩ, đất Diễn bị đô thị hóa, vì vậy, ông muốn tìm một nơi để lưu lại giống bưởi này. Mặc sự phản đối, ông vẫn “ôm tiền” lên núi trồng bưởi. Khi đó, ông đã bước sang tuổi lục tuần. Một mình không người thân thích, mấy năm trời ông cặm cụi cải tạo đất trồng bưởi, làm hàng rào, dựng lều. Thế rồi mồ hôi, công sức, quyết tâm cao, ước mơ của ông đã trở thành hiện thực. Vườn bưởi Diễn ra hoa, kết quả. Ngày đầu hái thử trái bưởi, ông rưng rưng nước mắt. ông không ngờ được chất lượng bưởi không kém gì nơi đất Diễn quê ông nhưng ở đây có vị ngọt thơm của đất rừng. ông kể: Tôi đã khóc, mồ hôi công sức và cả quyết tâm của tôi đã nuôi quả bưởi, thế là công sức của mình không uổng.  

Sau hơn 10 năm vật lộn với cây, với đất, giờ đây, ông Chiểu mới được hưởng cái ung dung của người làm trang trại. Hơn 1.000 cây bưởi đã ra hoa, kết quả, mỗi năm mang lại cho ông cuộc sống đầy đủ. Năm vừa rồi, có cây bưởi cho 400 quả, cây ít cũng gần 200 quả, giá bán 35.000 đồng/quả. Như vậy, có cây bưởi mang lại cho ông hơn chục triệu đồng. Tư thương ở khắp nơi về ăn thử bưởi của ông rồi tranh nhau đặt hàng. So với việc trồng bưởi Diễn ở đất Diễn, trồng bưởi ở Cao Dương năng suất cao gấp 3 lần.  

Ông Chiểu còn kể, cách đây 5 năm, ông mang bưởi về quê cũng là đất Diễn để mời các cụ cao niên nếm thử. Lúc đầu ai cũng bảo: Anh có chăm sóc kiểu gì cũng không thể ngon hơn bưởi quê được. Nhưng trước tấm lòng thịnh tình của người con đất Diễn, các cụ đã nếm thử ai cũng tấm tắc khen ngon không kém gì đất Diễn nhưng vị ngọt của nó đậm hơn. Sau câu chuyện về đời mình với cây bưởi Diễn nơi đây, ông Chiểu chia sẻ: Năm ngoái, tôi cũng thêm niềm vui nữa là có một tư thương xuất bán bưởi sang Nhật Bản đã về vườn khảo sát chất lượng bưởi và đủ điều kiện để họ xuất khẩu. Dự kiến năm nay, ông sẽ đưa một số lô hàng xuất sang Nhật Bản. Đây là điều ông mong muốn nhất vì khi trái cây xuất khẩu được, giá trị của nó sẽ lên cao gấp đôi so với bán ở trong nước. ông cũng mong muốn nhiều bà con ở đây cùng trồng bưởi để trở thành vùng hàng hóa xuất khẩu, xóa được nghèo.

Ra về chúng tôi mừng thầm cho ông đã viên mãn được giấc mơ cuối đời của mình và không quên được câu nói với chúng tôi “Mình yêu cây, cây mới nuôi  mình được”.

 

                                                                             Việt Lâm

 

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục