(HBĐT) - Không phải lúa, không phải ngô hay bất cứ loại cây màu nào khác mà con đường làm giàu của anh Lường Văn Sương ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) lại được bắt đầu từ việc trồng... cỏ.

 

 “Khi người trong nhà thấy tôi đề xuất việc chuyển hơn 5 ha đất trồng ngô chuyển sang trồng cỷ, nhiều người giãy nảy cho rằng tôi có vấn đề về thần kinh. Bởi từ xưa đến giờ, ở đây người ta bỏ công, bỏ sức để rẫy cỏ cho cây trồng phát triển chứ có ai lại bỏ ra hàng ha đất màu mỡ cho thu hàng trăm tấn ngô /năm để trồng cỏ. Vậy nên, cả nhà, cả xóm xúm vào phản đối. Có người còn cho rằng tôi đang bị ma làm nên cứ nhỏ to thì thầm với người nhà mời thầy về cúng giải trừ tà ma...” Câu chuyện về việc chuyển đổi mô hình sản xuất được anh Lường Văn Sương bắt đầu  đầy hài hước và vui vẻ như vậy.

 

Anh Lường Văn Sương trao đổi bài học kinh nghiệm của bản thân trong phát triển kinh tế.

 

Ông Lường Văn Muôn (bố đẻ anh Sương) trong khi ngồi chờ con trai đi thăm trại bò trên khu vực thung núi Pà ó về thì chép miệng: “Cả xóm Nà Lốc và cả xã Đồng Chum này chắc chẳng có ai liều như nó. Trước nó nói với gia đình là chuyển đổi mô hình sản xuất như thế này, thế kia. Ban đầu cả nhà, cả xóm chẳng ai tin. Thế nhưng bây giờ thì chúng tôi tin rồi. Việc trồng cỏ của thằng Sương thực sự đem lại hiệu quả. Đem lại sự thay đổi về tư duy sản xuất cũng như đời sống của gia đình tôi và nhiều hộ gia đình trong xóm Nà Lốc này”.

 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lường Văn Sương kể: Trước đây, gia đình tôi vất vả lắm. Thời điểm trước những năm 2000, xã chưa có đường ôtô vào. Thế nên dù được coi là gia đình khá giả nhưng anh em chúng tôi vẫn phải chịu những ngày đói, đứt bữa trong mùa giáp hạt như nhiều hộ dân trong xóm, xã. Cơm chẳng có mà ăn no. Khi ấy, nhà tôi có vài con trâu, bò, tôi đã bàn với mọi người bán bớt đi để mua máy xay xát gạo về phục vụ bà con. Dù vậy, cũng phải đến 2 - 3 năm sau gia đình tôi mới thoát được đói, không bị đứt bữa trong mùa giáp hạt. Khi đó, nhận thấy đường xá khó khăn, sự giao lưu buôn bán với bên ngoài của bà con trong xóm, xã còn nhiều hạn chế nên tôi bàn với gia đình mở cửa hàng tạp hoá phục vụ bà con. Cuộc sống gia đình cũng từng bước đi lên.

 

Do xác định tập trung sản xuất nông nghiệp, đi lên từ chính sản xuất nông nghiệp nên anh Lường Văn Sương vừa làm, vừa tích luỹ, thuê, mua đất để mở rộng diện tích sản xuất. Tuy nhiên, do chỉ độc canh cây ngô trong điều kiện đường xá xa xôi, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, từ năm 2012, anh chủ động tìm hiểu, nghiên cứu chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới. “Trong quá trình tìm hiểu, tôi thực sự tâm đắc với mô hình trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò của một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Sau khi tính toán, tôi đã chuyển đổi 5 ha đất trồng ngô của gia đình sang trồng cỏ”, anh Sương cho biết.

 

Theo đó, từ một vài con trâu, bò ban đầu, đến nay, tổng đàn trâu, bò của gia đình anh Sương đã phát triển lên đến 150 con. Bình quân mỗi năm sinh sản từ 20 - 40 con. Trong đó, những con trâu, bò cái được giữ lại để tái đàn, còn con đực thì bán thịt. Do có đủ nguồn thức ăn nên đàn trâu, bò của gia đình anh luôn phát triển tốt, có sức kháng chịu dịch bệnh cao, đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi sạch... đã đem lại nguồn thu trên 300 triệu đồng /năm. Không chỉ có vậy, trong quá trình thực hiện mô hình trồng cỏ, nuôi trâu, bò, anh Sương còn tạo điều kiện cho 12 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xóm, xã nuôi rẽ bình quân từ 2 - 4 con. Nhà nào nhiều cũng nhận nuôi từ 5 - 6 con, tuỳ điều kiện về nhân lực và diện tích đất trồng cỏ. Với việc nuôi rẽ như vậy, nếu chăm sóc tốt có nhà được nhận 2 - 3 con trâu, bò/năm. Từ đó nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thậm chí, có những hộ xây được nhà kiên cố như gia đình các ông: Lường Văn Pện, Xa Văn Lương ở xóm Nà Lốc;  Xa Văn Rón, Xa Văn Sen ở xóm Pà Chè; Xa Văn Hiệu, Xa Văn Sen ở xóm Mới...

 

Ngoài mô hình trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò đem lại hiệu quả cao, trong năm 2016, anh Sương đầu tư trồng 10 ha chanh leo theo mô hình sản xuất sạch và ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với một công ty chế biến. Chỉ riêng năm đầu tiên cây ra bói đã thu được khoảng 60 tấn quả. Với giá bán bình quân từ 13.000 - 16.000  đồng /kg, gia đình anh có nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Dự kiến trong năm 2017, 10 ha chanh leo của gia đình anh cho thu từ 200 - 250 tấn quả. Với giá bán ổn định, anh sẽ có nguồn thu lên đến hàng tỷ đồng.

 

Từ đầu tư trồng chanh leo và chăn nuôi trâu, bò, anh Sương đã tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Trò chuyện với chúng tôi, anh Sương mong muốn tỉnh, huyện có cơ chế, chính sách phù hợp, cùng đồng hành với nhà nông. Có như vậy người dân nông thôn mới yên tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao, nhất là ở địa bàn còn nhiều khó khăn như xã Đồng Chum nói riêng và huyện Đà Bắc nói chung.

                     

                                                                  Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục