(HBĐT)-Thực ra đó là một
khao khát hàng chục năm trời, mới thành hiện thực: được đến thăm di tích lịch sử
Củ Chi anh hùng. Mảnh đất Củ Chi(thuộc Sài Gòn trước đây và thành phố Hồ Chí
Minh hôm nay) đã là một huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh
của dân tộc. Miền đất này đã đi vào thơ ca, nhạc họa, điện ảnh…Vẫn nhớ, năm
1980, khi bộ phim "Củ Chi yêu thương", có ngôi sao Nguyễn Chánh Tín
đang nổi như cồn vào vai chính, đã khiến bao người yêu miền đất này thêm hiểu
và thêm yêu Củ Chi. Nơi những con người kiên cường trong bão lửa, hiên ngang
trên mạnh đất thép sát nách Sài Gòn hoa lệ-thủ phủ của chế độ Ngụy Sài Gòn…
Du khách nước ngoài đang tìm hiểu, khám phá bẫy chông, hầm đinh của du kích Củ Chi
Bước chân vào khu di tích,
bước chân dường như phải nhẹ hơn, như bước vào khu vực thành cổ Quảng Trị năm
nào. Màu xanh đã xanh ngút ngàn trở lại, nhưng phía dưới lòng đất kia, còn có
hàng ngàn người đã vĩnh viễn nằm yên nghỉ trong lòng địa đạo. Những người con
nơi đất thép Thành Đồng đã mưu trí, sáng tạo, sống, lao động và chiến đấu ngoan
cường với kẻ thù. Những lối xuống địa đạo độc đáo, những hầm chỉ huy, ụ chiến đấu
dã chiến, hầm bẫy chông, bãi mìn, hố đinh, bếp Hoàng Cầm, hầm quân y, kho lương
thực, xưởng quân khí…tưởng như đơn sơ, nhưng lại là nỗi đau đầu, kinh hoàng của
Mỹ Ngụy. Còn phía kẻ thù: chỉ cần xem bãi vũ khí, khí tài của địch trong khu di
tích mới thấy sự chênh lệch quá lớn(máy bay, trực thăng, pháo, xe tăng, súng cối…).
Hôm đến đây, rất nhiều du khách đều tìm cách có những góc chụp để lột tả được
những hình ảnh ấn tượng về sự đối nghịch đó. Duy chỉ sự quyết tâm, lòng kiên định
vì mục tiêu cuối cùng của những con người nơi mảnh đất ảnh hùng này, là
"phía bên kia" không thể so, không thể đo đếm, không thể hiểu được. Điều
kỳ thú trong ngày đến, được gặp nhóm du khách đến từ thành phố Đrét-đen(Đức); họ
cũng trẻ trung như những chàng trai hướng dẫn viên du lịch kia thôi. Chỉ khác
là: những chàng trai kia là con em những người đã từng cầm súng đánh địch ở Củ
Chi. Còn họ là thực tập sinh văn hóa-lịch sử tại Việt Nam. Qua lời phiên dịch
viên, được biết: Họ cảm phục và rất đỗi kinh ngạc về đất và người Củ Chi trong
chiến đấu. Thông minh, sáng tạo và dũng cảm đó là điều cảm nhận khi nhìn thấy
những bẫy chông, cánh cửa gắn bẫy sắt của du kích, cùng 250 km địa đạo trong
lòng đất. Vì hơn 500 nghìn tấn bom, đạn của Mỹ ngụy trút xuống Củ Chi mà không
khuất phục nổi quân và dân nơi đây. Còn trong ánh mắt của những chàng trai trẻ
người xã Phú Mỹ Hưng kia là niềm tự hào về cha ông…
Đến Củ Chi, bên cạnh đến
các điểm ghi dấu những công trình địa đạo, không thể không đến thăm "Làng
kháng chiến" một thời. Đây lại là một cảm giác khác khi thấy được cuộc sống
lao động, chiến đấu tự tin và lạc quan một thời của người dân nơi đây. Vẫn là
những hầm hào, chông tre bên ngoài, nhưng trong làng là cuộc sống lao động, học
tập, sinh hoạt bình thường trong thời chiến…Trong bom đạn, chiến tranh, người
dân, du kích vẫn hăng say lao động sản xuất, vẫn họp chợ, học hành và duy trì nếp
sinh hoạt phù hợp với điều kiện khắc nghiệt khi ấy…Trong không gian đường làng
ngõ xóm, những hàng tầm vông xanh ngút, vang lên trong gió tiếng loa phát thanh
phát đi bài hát "Củ Chi yêu thương"(sáng tác Trương Quang Lục):
"Nếu anh hỏi em nơi nào anh yêu nhất…Như niềm tin son sát không hề tắt. Thấm
trong lòng ta 2 tiếng Củ Chi anh hùng, sáng trong lòng ta hai tiếng Củ Chi
ngoan cường".
Củ Chi mãi mãi là "địa
chỉ đỏ", mà mỗi chuyến hành hương phương Nam, bất cứ ai đều muốn đến để
tham quan, tri ân và ghi nhớ trong lòng.
Bùi Huy
(HBĐT) - Hiện nay, huyện Kim Bôi có 5 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, khu mộ cổ Đống Thếch (xã Vĩnh Đồng) là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gồm: đình Chiềng (xã Vĩnh Đồng), chùa Bôi (xã Nam Thượng). Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh: đình Lập (xã Lập Chiệng) và di tích cách mạng Bác Hồ về thăm Huyện ủy Kim Bôi (thị trấn Bo). Thời gian qua, huyện thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích trên địa bàn.