Ngày 12/11, cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đón tàu biển quốc tế Celebrity Cruises với trên 3.000 khách đến tham quan các địa phương trong khu vực miền Trung như Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) đón hàng ngàn du khách trên chuyến tàu Celebrity Cruises. Ảnh: Mai Trang/TTXVN
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cảng Chân Mây Nguyễn Văn Chương cho biết, loại hình du lịch bằng tàu biển đang bắt đầu phục hồi mạnh mẽ trở lại với việc nhiều công ty du lịch đăng ký đưa khách cập cảng Chân Mây. Trong 9 tháng của 2023, cảng Chân Mây đã đón 12 chuyến tàu du lịch với hơn 13.000 khách. Dự kiến đến hết năm 2023, cảng sẽ đón thêm 10 chuyến tàu biển quốc tế. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ chào đón du khách quốc tế, cảng đã tích cực chuẩn bị điều kiện môi trường vệ sinh, bố trí xe đưa đón du khách thuận lợi di chuyển đến các điểm du lịch.
Du khách Ngô Lâm Thông, quốc tịch Hoa Kỳ cho biết, ông chọn loại hình du lịch tàu biển vì cảm thấy có thể mang cả ngôi nhà đi du lịch; có thể ăn uống, nghỉ ngơi và vui chơi mọi nơi. Hơn 10 tiếng tàu cập cảng Chân Mây, ông sẽ đến tham quan khu di sản Huế để tìm hiểu về kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống đền đài, lăng tẩm. Hơn 20 năm quay trở lại Việt Nam ông cảm thấy rất vui vì đất nước đã phát triển và dịch vụ du lịch rất chất lượng.
Du khách đến Thừa Thiên - Huế bằng tàu biển. Ảnh: Mai Trang/TTXVN
Cảng Chân Mây có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT và tàu khách du lịch đến 225.000 GRT. Đây là cảng biển nước sâu được Hiệp hội Du lịch châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng biển ở khu vực Đông Nam Á để xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền, tàu du lịch lớn. Cảng có lợi thế đặc biệt là cửa vịnh rộng 7 km, diện tích mặt nước lớn đến 20 km2, đa phần có độ sâu tự nhiên từ 9 - 14 m, ít bị bồi lấp. Hiện nay, nhiều đối tác trong và ngoài nước mong muốn hợp tác để phát triển cảng Chân Mây trở thành nơi đón tàu khách hạng sang cỡ lớn ở khu vực miền Trung Việt Nam. Theo số liệu của Công ty Cổ phần cảng Chân Mây, năm 2024, các đại lý đã đăng ký tàu du lịch cập cảng là 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và hơn 18.700 thuyền viên.
Thời gian qua, Thừa Thiên – Huế đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng Chân Mây, xây dựng khu vực trưng bày và bán hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống; đầu tư xe hút bụi, xe xịt nước, nhà vệ sinh công cộng và trang thiết bị khác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chào đón du khách quốc tế. Bên cạnh đó, địa phương cũng triển khai nhiều dự án nghỉ dưỡng tại các bãi biển, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên bờ, tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch nhằm xây dựng cảng và khu vực lân cận thành điểm đến hấp dẫn du khách, hướng đến khẳng định giá trị thương hiệu cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Theo TTXVN
Du lịch phục hồi, tăng trưởng trở lại sau COVID-19 mang đến niềm vui trên toàn cầu. Tuy vậy, người làm du lịch, các điểm đến ngay lập tức phải tìm giải pháp nhằm ứng phó với vấn đề quá tải du khách. Đây là bài toán đặt ra cho du lịch thế giới chứ không riêng Việt Nam nếu muốn để phát triển bền vững trong tương lai.
(HBĐT) - Đến với hồ Hoà Bình không chỉ để khám phá, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, mà còn là hành trình tìm về những nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở cửa ngõ Tây Bắc.
Trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ nguồn nhân lực luôn là yếu tố quyết định sự phát triển của du lịch trong bất cứ bối cảnh nào. Vì thế, đứng trước những nhu cầu, xu hướng du lịch mới hình thành, nhất là từ sau những tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt muốn phát triển càng cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đầu đông, mây trời chảy tràn như suối thác về thị xã Sa Pa, để lộ đỉnh thiêng Fansipan đẹp hùng vĩ giữa nền trời cao xanh và biển mây bồng ảo diệu như chốn cảnh tiên cõi Phật.
(HBĐT) - Địa bàn tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận lợi, nơi đây có nhiều khe suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo đan xen, tạo nên cảnh sắc thơ mộng với nền văn hóa dân tộc giàu bản sắc, nhiều di tích văn hóa, lịch sử... Thời gian qua, huyện Lương Sơn chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn, tập trung vào phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, thể thao, giải trí... Các điểm đến trên địa bàn huyện có sản phẩm dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu du khách.
(HBĐT) - Sự hoang sơ, kỳ vỹ của cảnh sắc sông, núi được điểm tô thêm nét mộc mạc, bình dị từ những bản làng của đồng bào Mường, Dao, Tày đã tạo nên sự cuốn hút đối với du khách mỗi khi đến với vùng lòng hồ Hòa Bình rộng lớn.