(HBĐT) - Quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta đã và đang trở thành xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình này đã tạo ra mặt trái, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường.


 

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình môi trường tại huyện Đà Bắc.


Mới đây, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh ta tổ chức lễ ra quân thu gom rác và các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017” tại huyện Kim Bôi. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng trong vấn đề bảo vệ, giữ gìn môi trường, nhất là khu vực nông thôn.

Tại lễ ra quân trên địa bàn huyện Kim Bôi, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, tỷ lệ người mắc các bệnh có liên quan đến ô nhiễm môi trường ở nông thôn có xu hướng gia tăng qua các năm, đặc biệt ở các khu vực sản xuất đang bị ô nhiễm hoặc gần các nguồn gây ô nhiễm. Những năm gần đây, xuất hiện một số "làng ung thư” tại những khu vực nằm gần cơ sở sản xuất có hoạt động xả thải hóa chất độc hại.

Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, một số vấn đề nóng, nổi cộm ở nông thôn như thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn bỏ ngỏ; chưa kiểm soát được chất thải là bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật; khó khăn trong kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác quản lý môi trường nông thôn còn đan xen, thiếu đơn vị đầu mối quản lý; tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường thấp.

Đối với tỉnh ta, công tác bảo vệ môi trường nhiều năm qua được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú thông qua các phương tiện truyền thông và hoạt động của các đoàn thể, tổ chức xã hội. Phong trào "Nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh” tại các xã, các thôn, xóm được triển khai ngày càng tích cực, hiệu quả. Riêng trong năm 2017, bằng nguồn vốn trực tiếp từ chương trình NTM đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới 2 công trình nước sinh hoạt với kinh phí 3.400 triệu đồng; xây dựng 10 bãi thu gom rác thải với kinh phí 5.670 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 81/191 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường, tăng 21 xã so với năm 2016.

Mặc dù vậy, trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường (vẫn các cơ sở nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng), không ít cơ sở chăn nuôi quy mô hộ gia đình, hợp tác xã không có đủ kinh phí để đầu tư xây dựng hầm biogas nên nước thải chăn nuôi được xả trực tiếp ra môi trường. Nước thải sinh hoạt của nhiều hộ gia đình chưa được thu gom, xử lý. Việc thu gom, xử lý rác thải tại các xã còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhiều khu dân cư tình trạng đổ rác ra các khu vực sườn núi, vườn, khe, suối còn phổ biến. Một số lò xử lý rác thải tập trung đã được đầu tư nhưng địa phương sử dụng chưa có hiệu quả như mong muốn. Các trạm y tế xã chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép...

Nổi cộm các vấn đề về môi trường trên địa bàn tỉnh như tại xã Trung Sơn (Lương Sơn) vừa qua báo chí đã phát hiện tình trạng chở rác thải sinh hoạt từ nơi khác đến tập kết tại đây. Trong khi đó, đây lại là dự án "Xây dựng bãi chứa nguyên liệu mùn thải, ủ và sản xuất phân vi sinh hữu cơ kết hợp trồng cây dược liệu, cây xanh môi trường”.

Cũng tại huyện Lương Sơn, một trang trại lợn tại thôn Nghĩa Kếp, xã Hợp Châu bị người dân "tố” xả thải khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng làm cho cá của người dân dưới hạ nguồn chết hàng loạt. Bên cạnh đó, tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh qua hai tuyến đường thuộc xã Trung Sơn và Cao Thắng cũng đang là điểm nóng.

Tại Mai Châu có tình trạng chất thải hàng ngày từ các cơ sở sản xuất đũa ở xã Vạn Mai đổ trực tiếp xuống sông Mã, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Trên địa bàn huyện Yên Thuỷ, Công ty TNHH MTV Chu Thị Hòa Bình là nguyên nhân dẫn đến nạn "giặc ruồi” khiến người dân trong khu vực hết sức khổ sở. Mặc dù nạn "giặc ruồi” đã qua những đây cũng là lời cảnh báo mặt trái của sự phát triển KT – XH trên địa bàn.

Với địa bàn rộng, tại một số địa bàn nông thôn trong tỉnh vấn đề môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người dân như: vùng cây ăn quả, cây mía địa bàn huyện Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thuỷ…

Trên thực tế ngoài những bất cập, trong những năm qua, tỉnh ta đã có những bước tiến đáng kể trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, Cách ngành chức năng chú trọng công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các phong trào xanh - sạch - đẹp, trồng cây xanh, vệ sinh môi trường được tỉnh tổ chức thường xuyên cùng nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Môi trường thế giới, ngày đa dạng sinh học, thi tìm hiểu môi trường. Các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được tổ chức đều đặn hàng năm trên khắp các huyện, thành phố đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của nhân dân để toàn dân tham gia cùng chính quyền các cấp thực hiện vệ sinh môi trường góp phần bảo vệ môi trường sống nói chung.

Trước mắt, rõ ràng tỉnh ta rất cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, cộng đồng. Song song với đó, các vi phạm về vệ sinh môi trường diễn ra nếu phát hiện cần xử lý kịp thời. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cần tốt hơn, đường phố sạch hơn, đưa ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường thành nếp văn hóa của người dân, đồng thời cần tăng cường tuyên truyền để thay đổi ý thức của mỗi người, nhất là vùng nông thôn.

Trên hết, để giải quyết căn cơ các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn nói chung, giải quyết những vấn đề môi trường nổi cộm nói riêng, tỉnh ta cần xây dựng các giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình, kế hoạch để thực thi các giải pháp.

Cũng theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong số các giải pháp đó cần tập trung ưu tiên giải quyết trước và giải quyết từng bước các vấn đề môi trường nóng. Các giải pháp chung bao gồm: hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn; kiện toàn bộ máy thực thi công tác bảo vệ môi trường các cấp; huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư; tăng cường khâu kiểm tra, giám sát và các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật.


Hồng Trung

MTTQ tập trung tuyên truyền bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp

Trần Đức Trường Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, MTTQ các cấp trong toàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. 

Công tác bảo vệ môi trường đã được MTTQ các cấp đưa vào kế hoạch công tác hàng năm, tổ chức lồng ghép trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”. Trong đó, MTTQ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; thực trạng, nguy cơ và các hiểm họa tác động từ ô nhiễm môi trường tới cuộc sống con người; kiến thức, giải pháp cần thực hiện tại cộng đồng dân cư, trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ môi trường.

 

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp còn phối hợp với Sở TN&MT, Hội Phật giáo tỉnh cùng các tổ chức chính trị - xã hội phát động phong trào thi đua tham gia bảo vệ môi trường, sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn...

Thông qua công tác tuyên truyền đã phát huy vai trò của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như: Định kỳ tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, khơi thông cống, rãnh, cống thoát nước, dọn vệ sinh khu vực công cộng; trồng cây xanh bảo vệ môi trường; tập kết rác thải đúng nơi quy định…

 

Nhìn chung, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân trong những năm qua đã có nhiều thay đổi, qua đó góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh.

 Những giải pháp quan trọng bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn

Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Để giảm thiểu những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường đến sức khỏe nguồn nhân lực tại các vùng nông thôn hiện nay, theo tôi cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn của tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển KT-XH của tại mỗi huyện, thành phố khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau. Cần xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.

Hai là, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lý hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Về lâu dài, cần ban hành và thể chế hóa các luật lệ có liên quan đến công tác BVMT tại các khu vực nông thôn tiến tới xây dựng bộ luật riêng về lĩnh vực này.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và BVMT; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội. 

Nhà trường có vai trò quan trọng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh

Dương Ngọc Anh, Hiệu trưởng trường tiểu học Mãn Đức (Tân Lạc)

Đối với trường tiểu học Mãn Đức (Tân Lạc) thường xuyên yêu cầu giáo viên hướng dẫn các em học sinh tham gia dọn dẹp trường, lớp, thậm chí trong từng ngày, từng tiết học, nhà trường đều có những thời gian "Một phút sạch trường” để các em học sinh tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường như: nhặt rác, trồng và chăm sóc vườn hoa để xây dựng cảnh quan thiên nhiên trong khuôn viên trường...

Qua mỗi buổi cùng nhau tham gia các hoạt động ngoại khóa kết hợp vệ sinh môi trường giúp các em học sinh thêm yêu lao động, biết giữ gìn vệ sinh trường lớp, từ đó, các em luôn có ý thức chăm sóc và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp không chỉ trong khuôn viên trường.

Để mô hình "Trường học thân thiện – học sinh tích cực” được triển khai sâu rộng và lan tỏa thì vai trò của thầy, cô giáo và định hướng của Ban giám hiệu hết sức quan trọng. Đồng thời, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, tạo ý thức cho các em về giữ gìn môi trường sạch sẽ cùng nhau tạo không khí học tập vui tươi lành mạnh trong suốt những năm học đầu đời.

 

 


 


Các tin khác


Vướng mắc nhiều thủ tục

(HBĐT) - Nghị định số 221 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và mới đây nhất là Nghị định số 136 ngày 9/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221 được coi là hành lang pháp lý để các ngành chức năng đưa đối tượng nghiện ma túy vào các trung tâm giáo dục, chữa bệnh, lao động xã hội. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, các địa phương vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Gắn giao đất với quản lý rừng bền vững

(HBĐT) - Thời gian qua, việc giao đất, cho thuê rừng, giao khoán đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho chủ rừng trên địa bàn tỉnh được coi là chủ trương đúng đắn giúp cho rừng có chủ thực sự. Tuy nhiên, việc giao đất, khoán rừng vẫn còn bất cập. ở một số nơi còn tình trạng tranh chấp về quyền sử dụng đất rừng. Vấn đề đặt ra là làm sao để gắn giao đất với quản lý rừng bền vững.

Nóng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

(HBĐT) - Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Theo số liệu thống kê của Chi cục DS/KHHGĐ, năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta là 115,3 nam/100 nữ. 6 tháng đầu năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh là 116,4 nam/100 nữ. Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ở mức cao hơn trung bình cả nước.

Khó khăn trong phát triển tổ chức Đoàn ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước

(HBĐT) - Trong tổng số hơn 1.600 doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, mới có 17 chi đoàn thanh niên được thành lập với hơn 1.050 đoàn viên. Trong số đó lại có những chi đoàn đang đứng trước nguy cơ giải thể nếu không có chiến lược đầu tư nâng cao kỹ năng cho cán bộ Đoàn hay có giải pháp đoàn kết, tập hợp ĐV -TN một cách hiệu quả…

Vận động phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế - mô hình mới, sáng tạo

(HBĐT) - "Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT – vì sức khỏe gia đình” – một mô hình với cách làm mới, sáng tạo đang góp phần cùng ngành bảo hiểm giải quyết vấn đề khó trong thực hiện mục tiêu vận động nhân dân mua BHYT một cách bền vững.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

(HBĐT) - Hòa Bình được biết đến là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng "Văn hóa Hòa Bình”. Hòa Bình còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhiều hang động đẹp, khu du lịch hồ Hòa Bình được ví như "vịnh Hạ Long trên cạn” với cảnh quan nên thơ, hữu tình. Tiềm năng du lịch phong phú là lợi thế để tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục