Sự cần thiết của việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố
Xóm Hữu Tiến, xã Xăm Khòe (Mai Châu) chỉ có 11 hộ với 40 khẩu. Tuy nhiên, xóm vẫn có đầy đủ hệ thống các chức danh, đoàn thể theo quy định, bao gồm: bí thư chi bộ, trưởng xóm, công an viên, chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi, chi đoàn thanh niên, chi hội nông dân... Như vậy, trung bình mỗi hộ gia đình có 1 người làm cán bộ xóm.
Ngay gần đó, cũng trên địa bàn xã Xăm Khòe, xóm Xuân Tiến lại có đến 148 hộ với 522 khẩu (gấp 13 lần số hộ và số khẩu so với xóm Hữu Tiến). Theo quy định, cả 2 xóm đều đang có 4 chức danh được hưởng phụ cấp. Không chỉ riêng Xăm Khòe, tình trạng này đang diễn ra phổ biến ở tất cả các xã, huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Tỵ - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Xóm, tổ dân phố tại các địa phương trong tỉnh phần lớn được hình thành do lịch sử để lại, có quy mô quá nhỏ, không đồng đều, chưa đảm bảo các tiêu chí phân loại theo quy định hiện hành. Ví dụ như 3 huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc đều có đến gần 79% số xóm dưới 100 hộ; ít nhất là huyện Kim Bôi cũng có đến gần 43% số xóm dưới 100 hộ. Huyện Kỳ Sơn và huyện Kim Bôi thì 100% tổ dân phố đều dưới 150 hộ; thành phố Hòa Bình có đến hơn 95% số tổ dân phố dưới 150 hộ. Việc huy động tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng KT – XH, hệ thống phúc lợi công cộng rất khó khăn. Trong khi đó đang có xu hướng tăng dần về số lượng, kinh phí chi trả phụ cấp cho đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở xóm, tổ dân phố.
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BCĐ triển khai, thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân xóm Dồn và xóm Nam Điền (xã Vạn Mai, huyện Mai Châu) về vấn đề sáp nhập, kiện toàn xóm.
Thực trạng quy mô xóm, tổ dân phố nhỏ lẻ, dân cư không đồng đều tạo ra gánh nặng cho ngân sách, gây ra sự bất hợp lý trong việc bố trí các chức danh cũng như chi trả phụ cấp, tạo tâm lý bức xúc trong một bộ phận những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xóm. Do đó, việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố được xác định là chủ trương đúng đắn và cần thiết.
Khác biệt về văn hóa, địa hình chia cắt – trở ngại lớn nhất của việc sáp nhập
Phát biểu trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ban chỉ đạo 1084 tỉnh, đồng chí Lò Văn Thẩm, Chủ tịch Hội CCB huyện Mai Châu đã thẳng thắn: Huyện Mai Châu hiện có gần 74% số xóm dưới 100 hộ dân, trong đó có đến 30 xóm dưới 50 hộ, 62 xóm dưới 70 hộ. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống như Thái, Mường, Mông...có văn hóa phong tục tập quán khác nhau. Ngoài ra còn có nhiều xóm là người Kinh lên khai hoang. Chưa kể đến việc trong cùng một dân tộc nhưng giữa các dòng họ cũng có sự khác biệt về phong tục tập quán, đời sống. Do đó, việc sáp nhập cần thận trọng, hài hòa để đảm bảo cho hoạt động của xóm mới sẽ diễn ra suôn sẻ.
Cụ thể, tại xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, phương án ban đầu được đưa ra là sẽ sáp nhập điểm xóm Thanh Mai và xóm Nam Điền. Tuy nhiên, sau khi nắm tình hình sơ bộ cho thấy tâm tư, nguyện vọng của người dân là không đồng ý vì những khác biệt về văn hóa, đời sống nên huyện đã phải chuyển hướng, dự kiến tiến hành sáp nhập xóm Nam Điền và xóm Dồn.
Nhân dân 2 xã Lũng Vân, Địch Giáo trình bày tâm tư, nguyện vọng trước khi sát nhập xóm.
Thực tế này cũng diễn ra tại các huyện khác trên địa bàn toàn tỉnh khi người Kinh, Mường, Dao, Tày...sinh sống đan xen với văn hóa, phong tục tập quán có nhiều khác biệt.
Là một tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, từ bao đời nay dân cư trên địa bàn toàn tỉnh sống rải rác khắp các sườn đồi, khe suối. Đây là một trong những trở ngại lớn khi tiến hành sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc cho biết: Xã hiện có 14 xóm, cả 14 xóm đều có quy mô dưới 100 hộ, dự kiến sẽ sáp nhập 13 xóm thành 5 xóm, riêng xóm Kem chỉ có 75 hộ nhưng không thể sáp nhập vì khoảng cách từ trung tâm xóm Kem đến các xóm lân cận lên đến 2 km. Các xóm sáp nhập có trung tâm xóm cách nhau từ 0,5 – 1km. Ví dụ như dự kiến sẽ sáp nhập xóm Bưa Lay, Bả và Mười nhưng khoảng cách giữa trung tâm các xóm này cũng là 1km. Xóm sau khi sáp nhập có diện tích rộng, quy mô dân số lớn, chắc chắn cán bộ xóm sẽ vất vả hơn, người dân cũng phải đi xa hơn khi họp dân hoặc tham gia các hoạt động chung của xóm. Đây cũng là một vấn đề khiến nhân dân băn khoăn.
Hóc búa bài toán thiết chế văn hóa sau sáp nhập
Dự kiến sau khi sáp nhập, xóm Sung (xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc) sẽ có 180 hộ với 687 khẩu. Trong khi đó cả 3 nhà văn hóa của xóm Sung 1, Sung 2, Sung 3 đều không có nhà văn hóa nào đủ sức chứa cho đại diện 180 hộ gia đình khi họp dân hoặc tổ chức hoạt động chung. Các nhà văn hóa hiện nay của 3 xóm cũ đều được xây dựng để đáp ứng quy mô hoạt động của xóm có trên dưới 60 hộ dân. Kinh phí để xây dựng nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu hoạt động của xóm có 180 hộ sẽ rất lớn. Qũi đất? Kinh phí? Việc huy động sức dân sẽ tiến hành như thế nào?. Đó là những câu hỏi lớn đang được nhân dân các xóm thuộc diện sáp nhập đặt ra.
Liên quan đến câu chuyện thiết chế văn hóa, còn xảy ra tình trạng xóm chưa có nhà văn hóa sáp nhập với xóm có nhà văn hóa. Băn khoăn về vấn đề này, đồng chí Hoàng Thị Cầu, Trưởng xóm Dồn (xã Vạn Mai, huyện Mai Châu) trăn trở: Theo như huyện Mai Châu lựa chọn, sắp tới sẽ thí điểm sáp nhập xóm Dồn và xóm Nam Điền. Tuy nhiên, hiện nay xóm Dồn đã xây dựng được nhà văn hóa, kinh phí xây dựng do Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại chủ yếu do nhân dân đóng góp. Trong khi đó xóm Nam Điền chưa xây dựng nhà văn hóa. Nếu 2 xóm sáp nhập, xây dựng nhà văn hóa mới thì việc người dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa cần phải được thực hiện hợp lý, công bằng. Nếu không sẽ khó nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Thậm chí, tại một số địa phương như xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi lại đang xảy ra vấn đề chênh lệch về quỹ giữa các xóm; tại xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc thì xảy ra vấn đề quy ước, hương ước giữa các xóm khác nhau...
Tiếp thu các băn khoăn, kiến nghị của người dân, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh khẳng định: Các sở, ban ngành liên quan sẽ có trách nhiệm hướng dẫn địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức, điều chỉnh lại những vấn đề phát sinh sau sáp nhập, kiện toàn. Những băn khoăn, ý kiến đề xuất của người dân, tỉnh sẽ tiếp thu. Quan điểm xuyên suốt là tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân. Xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng trước khi tiến hành sáp nhập để đảm bảo hiệu quả của việc sáp nhập, kiện toàn.
Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đoàn thể sau sáp nhập Bùi Văn Kiêm Bí thư chi bộ xóm Sung 2, xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc Sau khi sáp nhập, các chi hội đoàn thể của xóm Sung mới sẽ có đông hội viên. Ví dụ như chi hội người cao tuổi có khoảng 200 hội viên, tương đương với hội viên Hội Người cao tuổi của cả một xã nhỏ. Mỗi năm sẽ tổ chức mừng thọ cho vài chục cụ. Liệu cấp xóm có thể tổ chức tốt hoạt động ở quy mô như vậy? Các chi hội đoàn thể khác như nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... cũng sẽ có quy mô từ 100 – 200 hội viên. Việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động là không hề đơn giản. Chi hội trưởng các hội đoàn thể hiện không được hưởng phụ cấp trong khi số lượng hội viên quá đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các hội đoàn thể. Ngoài ra, hiện nay, mỗi hội đoàn thể được khoán hỗ trợ kinh phí hoạt động 0,1 hệ số lương cơ sở/1 tổ chức/tháng, tương đương 130 nghìn đồng/tháng. Nếu nhập 3 chi hội thành 1 thì mức khoán kinh phí sẽ được tính như thế nào? Nếu số lượng hội viên tăng gấp 3 lần mà kinh phí vẫn giữ nguyên thì sẽ rất khó hoạt động.
|
Đảm bảo sự hài hòa trong bộ máy cán bộ xóm mới Bùi Văn Bình Xóm Tung, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy Việc sáp nhập xóm sẽ có tác động đến tổ chức và cán bộ không chuyên trách của hệ thống chính trị ở cơ sở, ảnh hưởng đến hoạt động và tâm lý của cán bộ. Xóm sau khi sáp nhập sẽ có diện tích lớn, quy mô dân số đông. Vấn đề đặt ra là cần bố trí sắp xếp, lựa chọn cán bộ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu khi tham gia hoạt động, quản lý trên địa bàn xóm mới. Thực tế là tại nhiều xóm, việc bầu được đồng chí bí thư chi bộ, trưởng xóm nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng tốt yêu cầu công việc không hề đơn giản. Do đó, theo tôi cần bạc bạc, cân nhắc kỹ về vấn đề nhân sự trước khi sáp nhập xóm, có như vậy xóm mới mới có thể nhanh chóng đi vào hoạt động. Ngoài việc xét theo bằng cấp, trình độ, năng lực... để đảm bảo tính hài hòa có thể giữ lại bí thư chi bộ ở xóm này và giữ lại trưởng xóm của xóm kia. Đảm bảo sao cho bộ máy xóm mới phải hài hòa nhân sự của cả 2 xóm.
|
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp Nguyễn Văn Tuân Chi hội trưởng chi hội CCB xóm Dồn, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu Sau khi sáp nhập, các xóm sẽ có diện tích lớn, nhiều nơi kéo dài theo một trục đường. Do đó, vấn đề quan trọng đầu tiên là cần lựa chọn địa điểm phù hợp, ở vị trí trung tâm xóm mới, có quỹ đất rộng để xây dựng nhà văn hóa, sân sinh hoạt cộng đồng... Xóm mới sẽ phải tiến hành họp nhiều để bình bầu trưởng xóm, họp bàn thống nhất các vấn đề về quy ước, hương ước của xóm mới, do đó, nhà văn hóa mới cũng cần được quan tâm xây dựng sớm. Nhân dân đồng thuận với việc sáp nhập xóm mới và mong muốn sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xóm mới khang trang, phù hợp. Có như vậy, chất lượng các hoạt động của xóm sẽ được nâng lên; người dân yên tâm, phấn khởi. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề điều chỉnh địa chỉ trong giấy tờ tùy thân của người dân, chúng tôi mong tỉnh, các ngành sẽ có sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi, tránh rắc rối, phiền hà, mất thời gian và tốn kém cho nhân dân. |
Dương Liễu