(HBĐT) - Nghị định số 221 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và mới đây nhất là Nghị định số 136 ngày 9/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221 được coi là hành lang pháp lý để các ngành chức năng đưa đối tượng nghiện ma túy vào các trung tâm giáo dục, chữa bệnh, lao động xã hội. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, các địa phương vẫn gặp nhiều vướng mắc.


60% đối tượng nghiện đã lập hồ sơ được đi cai nghiện tập trung

Theo số liệu của Công an tỉnh, từ năm 2015 đến đầu năm 2017, toàn tỉnh đã lập 388 hồ sơ quản lý và đưa người nghiện ma túy vào các trung tâm giáo dục, chữa bệnh và lao động xã hội. Trong đó, huyện Lạc Sơn lập 77 hồ sơ, huyện Đà Bắc 11 hồ sơ, huyện Mai Châu 66 hồ sơ, TP. Hòa Bình 104 hồ sơ; Cao Phong 28 hồ sơ, Lương Sơn 34 hồ sơ, Tân Lạc 13 hồ sơ, Kim Bôi 20 hồ sơ, Yên Thủy 17 hồ sơ, Lạc Thủy 17 hồ sơ, Kỳ Sơn 3 hồ sơ.

Theo nhận định của lực lượng Công an tỉnh, so với thời gian trước khi triển khai Nghị định số 221 và Nghị định số 136, việc lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung thấp hơn so với các năm trước đây. Cá biệt có những huyện, trong năm đầu tiên áp dụng 2 nghị định này không đưa được đối tượng nghiện vào trung tâm. Cụ thể là huyện Kỳ Sơn, tính từ năm 2015 đến nay mới đưa được 3 đối tượng nghiện đi cai nghiện, trong khi trên địa bàn huyện có 46 người nghiện ma túy. Kỳ Sơn không phải là huyện cá biệt, hiện tại có nhiều huyện, việc lập hồ sơ và đưa đối tượng đi cai nghiện ma túy tập trung gặp nhiều khó khăn.


Hiện nay, Trung tâm CB-GD-LĐXH tỉnh đang quản lý 150 đối tượng cai nghiện ma túy, bằng 50% số học viên trung tâm có thể đáp ứng những năm rước đây. Ảnh: Cán bộ Trung tâm điều trị cắt cơn cho người nghiện.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, sau khi lập hồ sơ, lực lượng công an và các ngành chức năng mới đưa vào trung tâm cai nghiện 231 trường hợp, tương đương 60%, còn 157 trường hợp chưa thi hành. Nguyên nhân là các đối tượng vắng mặt tại địa phương và tòa án chưa ra quyết định áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện và đăng ký uống thuốc điều trị thay thế methadone. Cụ thể, trong tổng số 157 trường hợp chưa thi hành có 89 trường hợp đối tượng nghiện vắng mặt tại địa phương, 52 trường hợp tòa án chưa ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện, 15 đối tượng tham gia uống thuốc methadone và 1 trường hợp tạm hoãn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện để chữa bệnh.

Vướng mắc về thủ tục

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là việc xác định đối tượng có nghiện ma túy hay không đang tồn tại nhiều bất cập và quy trình lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện gặp nhiều vướng mắc. Theo đồng chí Bùi Đức Hảo, Phó trưởng Công an huyện Yên Thủy: Việc thực hiện các quy định của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đang có những khó khăn nhất định. Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, công an cấp xã, phường phải lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Kết quả kiểm tra phải được thể hiện bằng văn bản gửi Trưởng phòng LĐ-TB&XH. Trong thời gian 7 ngày, trường hợp hồ sơ đầy đủ, trưởng phòng LĐ-TB&XH gửi hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Tiếp đó, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án, công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với phòng LĐ- TB&XH đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. So với trước, thủ tục hành chính đưa người đi cai nghiện bắt buộc hiện quá rườm rà, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng thi hành nhiệm vụ.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Bằng, phòng LĐ – TB&XH huyện Kỳ Sơn: Khó khăn lớn nhất là việc triệu tập đối tượng, hầu hết các đối tượng khi được triệu tập đều bỏ trốn. Trong trường hợp bắt quả tang đối tượng nghiện, lực lượng công an và ngành chức năng tiến hành xét nghiệm, khi có kết luận là nghiện thì tiếp tục làm hồ sơ giáo dục tại cộng đồng 3 tháng. Đây chính là kẽ hở để nhiều đối tượng thoát lệnh cai nghiện bởi khi đưa ra giáo dục tại cộng đồng, hầu hết các đối tượng đã trốn khỏi địa phương hoặc lại đăng ký cai nghiện mathadone. Ngay cả khi đã hoàn thiện hồ sơ cai nghiện tại cộng đồng và đưa hồ sơ sang TAND huyện ra quyết định cai nghiện tập trung, các đối tượng cũng tìm cách bỏ trốn.

Ngoài ra, việc xác định tình trạng nghiện đối với người nghiện ma túy tổng hợp, các tuyến y tế cơ sở xã, phường không xác định được nên gây khó khăn trong công tác xác minh tình trạng nghiện.

Trong khi đó vẫn còn nhiều gia đình có con em mắc nghiện nhưng còn bao che, không phối hợp cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ và đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo Sở LĐ- TB&XH, để tăng cường các giải pháp đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung, trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với tác hại của ma túy; thực hiện công khai, minh bạch, thuận tiện, dễ tiếp cận các dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy. Các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở cũng cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp cùng gia đình động viên, giúp đỡ, hỗ trợ tìm việc làm ổn định cho người sau cai nghiện để tránh tái nghiện.


 Bồi dưỡng nghiệp vụ lập hồ sơ đi cai nghiện tập trung cho cán bộ cơ sở

 Trên địa bàn xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) hiện đang quản lý 4 đối tượng nghiện ma túy. Mấy năm gần đây, công tác lập hồ sơ quản lý, theo dõi đối tượng nghiện trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là các văn bản hướng dẫn công tác lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào trung tâm giáo dục, chữa bệnh và lao động xã hội chưa đồng bộ, thống nhất giữa các ngành. Cán bộ làm trực tiếp tại cơ sở rất lúng túng và khó khăn trong khi thực hiện quy trình triệu tập, lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung.

Ngoài ra, các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý đối tượng nghiện còn thiếu. Chính vì vậy, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, đề nghị các ngành chức năng cần tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ trực tiếp cho cán bộ cơ sở để họ nắm rõ quy trình, văn bản áp dụng khi thực hiện việc lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện tập trung sao cho chặt chẽ và hiệu quả.

              Nguyễn Văn Mậu

          Chủ tịch UBND xã Hợp Thành (Kỳ Sơn)

 

Thời gian lập hồ sơ kéo dài, nhiều đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương

Năm 2017, lực lượng Công an xã Yên Trị (Yên Thủy) đã lập 5 hồ sơ đối tượng nghiện ma túy, tuy nhiên, đến thời điểm này mới chuyển được 1 hồ sơ, còn 4 hồ sơ chưa được thi hành. Thực tế, việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung hiện nay rất khó khăn. Làm việc trực tiếp ở cơ sở, tôi thấy việc áp dụng Nghị định số 221, Nghị định số 136 sửa đổi Nghị định số 221 thực tế chưa phù hợp, nhất là khâu làm hồ sơ giáo dục tại cộng đồng trước khi làm hồ sơ đưa đi cai nghiện tập trung. Bởi khâu này chỉ là hình thức, thực tế không có ban, ngành, đoàn thể nào quản lý đối tượng nghiện này cả. Khi vừa có giấy triệu tập đối tượng, thông báo về việc làm hồ sơ giáo dục tại cộng đồng, các đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Chính vì nhiều thủ tục nên thời gian để hoàn thiện một bộ hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện thường kéo dài, mất rất nhiều thời gian mà không hiệu quả.

            Quách Trọng Thịnh

          Trưởng Công an xã Yên Trị (Yên Thủy)

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nghiện đi cai nghiện tập trung

Từ năm 2016 đến nay, Công an huyện Lạc Sơn đã lập 77 hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy tập trung. TAND huyện đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 77 đối tượng. Đến nay đã thi hành 54 đối tượng, 21 đối tượng chưa thi hành.

Công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào trung tâm cai nghiện tập trung đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, trang thiết bị, phương tiện phục vụ việc lập hồ sơ cai nghiện trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là que xét nghiệm các chất ma túy thiếu, trang thiết bị bảo hộ phục vụ cho việc thử chất ma túy, quá trình gọi hỏi, lập hồ sơ và bắt đối tượng nghiện, số bị nhiễm HIV còn thiếu…

Vì vậy, các cấp, ngành cần bổ sung thêm lực lượng học chuyên ngành về công tác tại huyện; cung cấp que xét nghiệm các chất ma túy, trang thiết bị bảo hộ phục vụ cho việc thử chất ma túy. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, nhất là đối với gia đình có con em mắc nghiện cần thành thật, tránh tình trạng bao che cho con em đối tượng nghiện ngày càng lún sâu vào ma túy.

               Bùi Văn Mựn

         Trưởng phòng LĐ -TB&XH huyện Lạc Sơn



                           
                                                                              Đinh Hòa

Các tin khác


Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

(HBĐT) - Hòa Bình được biết đến là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng "Văn hóa Hòa Bình”. Hòa Bình còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhiều hang động đẹp, khu du lịch hồ Hòa Bình được ví như "vịnh Hạ Long trên cạn” với cảnh quan nên thơ, hữu tình. Tiềm năng du lịch phong phú là lợi thế để tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Nhà ở cho công nhân - vấn đề bức thiết chưa có lời giải


(HBĐT) - Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh đã tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhu cầu việc làm kéo nhiều lao động từ nông thôn đổ về các KCN, trong đó, nhiều nhất là KCN Lương Sơn và KCN bờ trái sông Đà. Thực tế này đặt ra nhu cầu nhà ở cho lao động nông thôn trở thành vấn đề bức thiết hiện nay.

Giải quyết dứt điểm tình trạng họp chợ lấn đường ở thị trấn Lương Sơn


(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đề cao vai trò của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền cơ sở, mặt trận và đoàn thể các cấp trong huyện, Lương Sơn đã tạo được kết quả khả quan trong triển khai "Tháng hành động” thiết lập lại trật tự đô thị, bảo vệ hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng đường, hè phố trên địa bàn. Những vấn đề nhức nhối họp chợ lấn đường nhiều năm ở khu vực thị trấn Lương Sơn đã cơ bản được giải quyết.

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp - khi nghị quyết đi vào cuộc sống

(HBĐT) - Với diện tích 354, 98 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 77,02% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh;70, 46 vạn người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 85% dân số, trong đó có 48, 49 vạn lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chiếm 68,83% dân số khu vực nông thôn, những năm qua tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực để tạo sức bật cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, lộ trình còn lắm gian nan.

Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy

(HBĐT) - Theo kết quả điều tra năm 2016, toàn tỉnh có 1.757 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, số người nghiện có mặt tại cộng đồng là 1.483 người, giảm 180 người so với năm 2015. 133/210 xã, phường, thị trấn có người nghiện, giảm 3 xã so với năm 2015.

Giải pháp nào để kéo giảm khiếu nại - tố cáo gia tăng ?

(HBĐT) - Khiếu nại, tố cáo (KN-TC) là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh KN-TC của công dân trên địa bàn tỉnh. Giải quyết công khai, minh bạch, tận gốc các vụ việc KN-TC là việc mà cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả chưa có nhiều chuyển biến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục