Hội viên Hội nông dân huyện Lương Sơn trồng rau sạch chất lượng cao với sự kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả từ các chuyên gia nước ngoài.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tạo nền tảng thuận lợi chính là tạo cơ chế, chính sách tốt giúp doanh nghiệp nhận thấy mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư, tính khả thi của dự án, sự thuận lợi trong khâu triển khai và sự minh bạch, thống nhất về thông tin trong suốt quá trình doanh nghiệp hoạt động. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng quyết tâm của ngành NN&PTNT.
Sự đồng bộ về cơ chế, chính sách
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: Điều các doanh nghiệp cần là sự đồng bộ về cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư bởi nó tạo ra nền tảng bền vững giúp doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và yên tâm hoạt động trong suốt quá trình đầu tư tại địa phương. Xác định rõ điều đó, những năm gần đây, tỉnh đã ban hành và chú trọng triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ việc ưu đãi về đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ vay vốn và lãi suất vay đến việc đồng bộ các quy hoạch, tạo vùng nguyên liệu thông qua liên kết sản xuất... Đặc biệt, trong nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực NNNT, giải pháp hữu hiệu mà tỉnh đang triển khai là xác định rõ thế mạnh của từng vùng gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực để kêu gọi đầu tư một cách bài bản. Chính điều đó đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hòa Bình.
Trong Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/6/2014 của BTV Tỉnh ủy, chính sách hỗ trợ phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 được quy định rất rõ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân các địa phương đối với nhiệm vụ phát triển các sản phẩm chủ lực đặc thù của từng vùng. Đến nay, các địa phương đã lựa chọn được sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để đầu tư nguồn lực phát triển. Điển hình như vùng cam tại các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng bưởi đỏ, bưởi da xanh tại huyện Tân Lạc; vùng nhãn tại xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi; vùng bưởi Diễn tại huyện Yên Thủy; vùng rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn; vùng tỏi tía tại Mai Châu; vùng rau su su tại các xã vùng cao huyện Tân Lạc... Như vậy, bằng cách trả lời được chính xác câu hỏi "Chúng ta có gì để thu hút đầu tư?”, các địa phương trong tỉnh đang sở hữu "thỏi nam châm” hữu hiệu để thu hút các doanh nghiệp.
Được biết, những năm qua, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NNNT, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và quán triệt thực hiện đến các địa phương. Tại tỉnh ta, việc áp dụng đồng bộ và cụ thể hóa hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành đã tạo nền tảng thuận lợi thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Liên quan đến nội dung này có thể kể đến hàng loạt quyết sách quan trọng như Nghị quyết số 116/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NNNT; Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện; Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt; Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống...
Xác định các trọng điểm để thu hút đầu tư
Đồng chí Trần An Định, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở NN&PTNT cho biết: Trong nỗ lực thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NNNT, tỉnh ta đã xác định rõ trọng tâm, trọng điểm ưu tiên để nâng cao hiệu quả thu hút và phát huy vai trò của doanh nghiệp. Đến nay, quy hoạch NTM cấp xã, huyện và 19 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm thuộc ngành NN&PTNT đã được phê duyệt là tiền đề thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NNNT. Cùng với diễn biến này, tỉnh đã lựa chọn 6 chương trình ưu tiên thực hiện đến năm 2020 gồm: Chương trình phát triển trồng rau an toàn tập trung; Phát triển trồng cây ăn quả có múi; Nâng cao giá trị mía ăn tươi; Phát triển cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm; Phát triển nuôi cá lồng vùng hồ sông Đà; Chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn. Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình trên, tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể khảo sát để tham gia đầu tư một số dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư. Danh mục các dự án này đã được Sở NN&PTNT xây dựng và cung cấp cho doanh nghiệp tại các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện, các dự án thu hút đầu tư lĩnh vực NNNT được phân thành 3 mức độ: đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp có thể tham khảo để lựa chọn đầu tư các ngành, nghề phù hợp với Hòa Bình thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư gồm: Trồng rừng, trồng cây dược liệu; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến; chăn nuôi tập trung; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao trong sản xuất; sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học; chế biến nông, lâm, thủy sản, dược liệu; sản xuất hàng thủ công; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; xây dựng chợ nông thôn, xây dựng ký túc xá công nhân ở nông thôn; dịch vụ BVTV, thú y ở vùng nông thôn; dịch vụ tư vấn đầu tư, KHKT ở vùng nông thôn... Đó là những cơ hội đầu tư đang mở ra chào đón các doanh nghiệp, đồng thời hứa hẹn sẽ mang tới những giá trị bền vững cho NNNT tỉnh.
Thu Trang
Sở NN&PTNT công bố 14 dự án nông nghiệp trọng điểm đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư
Sở NN&PTNT vừa xây dựng danh mục dự án đăng ký kêu gọi đầu tư, trong đó cung cấp những thông tin cần thiết về 14 dự án trọng điểm đang có cơ chế đặc biệt hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp. Cụ thể, ngoài 5 dự án thuộc lĩnh vực chế biến, đáng chú ý có 9 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, gồm:
1- Dự án rau an toàn tập trung: Dự kiến quy mô 50-100 ha/dự án trồng rau hữu cơ hoặc rau an toàn trong nhà lưới, tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng.
2- Dự án trồng cây ăn quả có múi VietGAP: Dự kiến quy mô 200 ha/dự án, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng.
3- Dự án bệnh viện cây ăn quả: Dự kiến diện tích 1,2 ha, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.
4- Dự án trồng hoa, cây cảnh công nghệ cao: Dự kiến diện tích 50 ha, mức đầu tư 50 tỷ đồng.
5- Dự án xây dựng nhà máy chế biến nước mía đóng hộp: Dự kiến công suất 500-1.000 tấn nguyên liệu/ngày đêm, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
6- Dự án chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung: Dự kiến 20 ha/trang trại, mức đầu tư 40 tỷ đồng.
7- Dự án chế biến cá vùng hồ sông Đà: Dự kiến chế biến 20 tấn cá/ngày đêm, mức đầu tư 100 tỷ đồng.
8- Dự án trồng cây dược liệu: Dự kiến 500 ha nguyên liệu/dự án, quy hoạch tại 5 huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi.
9- Dự án sản xuất nấm tại Lạc Sơn và Kim Bôi: Dự kiến công suất thiết kế 2-3 tấn nấm/ngày đêm, mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng/dự án.
Tất cả các dự án trên đều không giới hạn hình thức đầu tư và được thông qua Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối.
Đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút doanh nghiệp
Đinh Quang Long Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
Trong nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNNT, ngành NN&PTNT xác định giải pháp quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp. Theo đó, Sở đã rà soát, đơn giản hoá các TTHC trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao, đặc biệt đối với các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Sở đã thống nhất áp dụng quy trình giải quyết TTHC theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008. Nhờ đó, các quy định về trình tự, thời gian giải quyết TTHC được quy định chặt chẽ, cụ thể và công khai, giúp cán bộ, công chức dễ giải quyết, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ thực hiện. Đến nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh công bố 152 TTHC thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Bên cạnh đó, đã giải quyết 105 TTHC cho doanh nghiệp. Nhìn chung, các TTHC áp dụng đối với doanh nghiệp đã được Sở giải quyết kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đây là kết quả cho thấy quyết tâm của ngành NN&PTNT trong nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư vào NNNT.
Đến nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh công bố 152 TTHC thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Bên cạnh đó, đã giải quyết 105 TTHC cho doanh nghiệp. Nhìn chung, các TTHC áp dụng đối với doanh nghiệp đã được Sở giải quyết kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đây là kết quả cho thấy quyết tâm của ngành NN&PTNT trong nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư vào NNNT.
* Chú trọng thu hút và phát huy vai trò của doanh nghiệp
Bùi Thị Kim Cúc Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương, huyện Yên Thủy xác định cần chú trọng thu hút và phát huy vai trò của doanh nghiệp, bám sát định hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở kết nối doanh nghiệp với người nông dân. Các giải pháp mà huyện đang thực hiện là: đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để mời gọi doanh nghiệp đến tìm hiểu các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, áp dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp... Đến nay, huyện đã bước đầu liên kết và hợp tác đầu tư được với một số tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, hình thành một số mô hình liên kết sản xuất như trồng mướp đắng, bí xanh, bí đỏ lấy hạt... Các mô hình này đang phát huy hiệu quả tốt, khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và cho thấy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền địa phương đang được triển khai đúng hướng.
*Tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động
Trần Mạnh Báo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình
Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình là đơn vị chuyên nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi rất hân hạnh được quan hệ, hợp tác, cung cấp sản phẩm và liên doanh, liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước để mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Tổng Công ty đang có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn tấn giống cây trồng các loại. Tại thị trường Hòa Bình, từ nhiều năm nay chúng tôi đã cung ứng nhiều sản phẩm giống cây trồng chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, mang tới hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận như giống lúa thuần BC15, TBR36, TBR45, TBR-1, TBR225..., lúa lai CNR36, Thái Xuyên 111..., giống lạc TB25, giống ngô VS36… Trong quá trình hoạt động ở đây, chúng tôi được chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi, từ việc thực hiện các thủ tục hành chính đến tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm, hội nghị đầu bờ, hội thảo chuyên ngành... Chúng tôi nhận thấy Hòa Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, đây sẽ là mảnh đất đầu tư lý tưởng đối với các doanh nghiệp nông nghiệp.
|