(HBĐT) - Với chiều dài 70 km, hồ Hòa Bình có dung tích trên 9 tỷ m3 nước với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Trong hồ có 47 đảo lớn nhỏ. Hai bên hồ là những cánh rừng núi ngút ngàn, thơ mộng, hấp dẫn với nhiều điểm thăm quan tâm linh, văn hoá, du lịch nổi tiếng như đền Bờ, động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên... hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan và làm lễ. Đặc biệt, tỉnh ta đang hướng đến mục tiêu năm 2020, Khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia. Vì vậy, chuẩn hóa phương tiện chở khách đường thuỷ nội địa là đòi hỏi hết sức bức thiết trong phát triển du lịch trên vùng hồ Hòa Bình .



Trên vùng hồ Hòa Bình hiện có 239 phương tiện kinh doanh vận tải khách nhưng có tới 124 phương tiện chưa đăng ký,  77 phương tiện hết hạn đăng kiểm.

Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra vấn đề khá bức thiết về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên vùng hồ Hòa Bình. Theo số liệu rà soát của Sở GTVT, trên vùng hồ Hòa Bình hiện có 239 phương tiện kinh doanh vận tải khách. Trong đó có 33 phương tiện vừa chở hàng, vừa chở khách, 115 phương tiện đã đăng ký, 124 phương tiện chưa đăng ký, 77 phương tiện hết hạn đăng kiểm. Riêng tại bến Thung Nai với 3 tổ tàu, thuyền hiện có 169 phương tiện chở khách. Trong đó có 60 phương tiện đã đăng ký, 109 phương tiện chưa có đăng ký, 17 phương tiện còn hạn đăng kiểm, 43 phương tiện hết hạn đăng kiểm. Đây là con số đáng báo động. Việc đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu thuyền là nhu cầu rất lớn của các chủ thuyền trên địa bàn và đó cũng là điều kiện quan trọng để các phương tiện hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

ông Nguyễn Quang Vinh ở xã Vầy Nưa (Đà Bắc), chủ tàu hoạt động ở bến Thung Nai cho biết: Chủ tàu, thuyền chở khách trên vùng hồ Hòa Bình nói chung và khu vực bến Thung Nai nói riêng đa số là các hộ di dân để phục vụ xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình nên đời sống còn nhiều khó khăn. Từ làm nương rẫy, đánh bắt thuỷ sản tự nhiên, khi chuyển sang nghề chuyên chở khách du lịch thì không chỉ khó khăn về kinh tế mà không tránh khỏi lúng túng khi bước vào nghề mới. Quá trình hoạt động các phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, các chủ tàu đều có ý thức chấp hành các quy định, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện. Số phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm hầu hết là các phương tiện đóng theo mẫu dân gian được chủ tàu mua và tự đóng hoặc hoán cải tàu, thuyền chở hàng hoá trở thành tàu, thuyền chở khách nên không có hồ sơ thiết kế ngay từ ban đầu trước khi đóng mới, sửa chữa, hoán cải. Ngoài ra, một số người còn tự cơi nới phương tiện đã đăng kiểm nhưng không có thiết kế cơi nới. Nhiều tàu thuyền trang thiết bị không đủ theo quy định như trang bị chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, âm tín hiệu...Để tạo điều kiện cho người dân hoạt động kinh doanh ổn định, lâu dài, chúng tôi đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam và các ngành hữu quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm. Xem xét gia hạn sử dụng các tàu, thuyền cũ đã hết hạn đăng ký, đăng kiểm. Khu vực lòng hồ Hòa Bình hiện không đủ cơ sở để đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu thuyền cho các hộ dân trên địa bàn, đề nghị các cấp có thẩm quyền có chính sách thu hút doanh nghiếp đầu tư tại khu vực cảng Thung Nai để phục vụ nhu cầu nhân dân...

ông Đào Đức Tuy, chủ thuyền tại bến Thung Nai bày tỏ: Trong thực tế, khi làm việc, một số đăng kiểm viên còn có biểu hiện tắc trách, hành vi, thái độ, cách ứng xử không phù hợp với người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, gây bức xúc trong nhân dân. Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiêm túc, kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, tinh thần phục vụ của một số cán bộ đăng kiểm trong thực thi công vụ. Công khai các thông số kỹ thuật về thiết kế các loại tàu, thuyền để đảm bảo tiến độ đóng mới và sửa chữa, hoán cải tàu, thuyền cho người dân.

Theo đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT, trong thực tế, một bộ phận người dân chưa hiểu hết các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nên đã không thực hiện đầy đủ các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Nhiều chủ phương tiện đã được kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng không gặp đơn vị đăng kiểm để nhận lại giấy đăng kiểm. Việc đưa phương tiện không đủ điều kiện kinh doanh vận tải vào chở khách du lịch đang tiềm ẩn lớn nguy cơ TNGT đường thuỷ, vi phạm các quy định pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho rằng, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của chủ phương tiện và người tham gia giao thông là nhiệm vụ được lực lượng CSGT triển khai thực hiện liên tục, nghiêm túc, ráo riết để các phương tiện đưa vào hoạt động đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm pháp luật hiện hành. Đó cũng là giải pháp quan trọng để góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của hồ Hòa Bình trong phát triển du lịch với định hướng đến năm 2020 khu vực hồ hoà Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí trở thành khu du lịch quốc gia.


 

Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phương tiện thủy hoạt động chở khách trên vùng hồ Hòa Bình.

 Nhằm mục đích đưa các phương tiện vào quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện để các chủ tàu đưa phương tiện được đăng ký, đăng kiểm tiến tới chuẩn hoá các phương tiện chở khách trên vùng hồ Hòa Bình, ông Nguyễn Phú Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, từ thực trạng về tàu, thuyền chở khách trên vùng hồ Hòa Bình đòi hỏi các ngành chức năng tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ cho chủ tàu. Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí cán bộ làm việc thường xuyên, phục vụ nhu cầu của người dân, việc tổ chức đăng ký, đăng kiểm cho các chủ tàu đảm bảo nhanh chóng, chính xác, kịp thời, thống nhất và không để xảy ra tiêu cực. Đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình cần có các biện pháp quyết liệt không để các phương tiện hết hạn đăng kiểm; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo Luật Giao thông đường thuỷ tiếp tục hoạt động. Đồng thời, có giải pháp để phát triển đóng mới các tàu chở khách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn.

Đồng nhất với quan điểm của lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đồng chí Lê Ngọc Quản cho biết: Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chủ phương tiện nhận thức rõ vận tải đường thuỷ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và nâng cao ý thức về an toàn, trang bị an toàn cho phương tiện, hướng đến phát triển du lịch bền vững ở khu vực hồ Hoà Bình, Sở GTVT sẽ phối hợp với UBND huyện Cao Phong và các ngành hữu quan mời gọi doanh nghiệp mở cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền tại khu vực bến Thung Nai nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Đề nghị UBND tỉnh cho lập và trình Cục Đăng kiểm Việt Nam thiết kế mẫu cho các loại phương tiện chở khách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đóng mới phương tiện vừa đảm bảo kỹ thuật an toàn, vừa đảm bảo mỹ quan phù hợp với yêu cầu phát triển.

 

Đức Phượng 


Tạo điều kiện thuận lợi để người dân đăng ký, đăng kiểm phương tiện chở khách

Hơn 10 năm qua, hoạt động chuyên chở khách trong khu vực lòng hồ Hòa Bình nói chung và khu vực bến Thung Nai nói riêng đều đảm bảo an toàn. Quá trình hoạt động, đa số các chủ tàu đều có ý thức chấp hành các quy định, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện và Luật Giao thông đường thuỷ. Tuy nhiên, do đa số chủ phương tiện là các hộ di dân vùng lòng hồ để phục vụ xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình nên đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Vì vậy, các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động chủ yếu đóng theo mẫu dân gian, được chủ tàu mua và tự đóng hoặc hoán cải từ tàu, thuyền chở hàng hoá trở thành tàu, thuyền chở khách. Một số tàu, thuyền trang thiết bị không đủ theo quy định như trang bị chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, âm tín hiệu...

Với cương vị là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hòa Bình và cũng là chủ tàu chở khách hoạt động tại bến Thung Nai, chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu trong việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện; tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân; chú trọng kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, tinh thần phục vụ của một số cán bộ đăng kiểm trong thực thi công vụ. Bố trí doanh nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu, thuyền tại khu vực cảng Thung Nai để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Công khai các thông số kỹ thuật về thiết kế các loại tàu để đảm bảo tiến độ đóng mới và sửa chữa, hoán cải phương tiện của người dân để tiến tới chuẩn hoá các phương tiện chở khách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trên vùng hồ Hòa Bình.

 

Hồ Ngọc Trữ

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hòa Bình


Đồng bộ các giải pháp đảm bảo các phương tiện vận tải thuỷ hoạt động theo quy định của pháp luật

Trên vùng hồ Hòa Bình còn khá nhiều tàu, thuyền chở khách chưa đăng ký, đăng kiểm. Các phương tiện này đa số được đóng theo mẫu dân gian hoặc hoán cải từ tàu, thuyền chở hàng hoá nên không có hồ sơ thiết kế ngay từ ban đầu trước khi đóng mới, sửa chữa, hoán cải. Một số tàu, thuyền trang thiết bị không lắp đặt đủ theo quy định...

Trước thực trạng đó, trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo các phương tiện vận tải thuỷ hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vận tải đường thuỷ nội địa là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 1 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) tăng cường đăng kiểm viên để phục vụ nhu cầu của người dân, đảm bảo việc tổ chức đăng ký, đăng kiểm cho các chủ tàu nhanh chóng, chính xác, kịp thời, thống nhất. Làm việc với một số đơn vị liên quan mở thêm cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải phương tiện thuỷ phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm về điều kiện hoạt động phương tiện giao thông đường thuỷ. Tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh cho lập và trình Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thiết kế mẫu cho 3 loại phương tiện chở khách 25, 35, 48 chỗ ngồi để tạo điều kiện cho người dân đóng mới phương tiện đảm bảo quy chuẩn, mỹ quan nhằm đáp ứng định hướng đến năm 2020, Khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia.

 

Lê Ngọc Quản

Phó Giám đốc Sở GTVT


Tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”

Nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 Khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia, một trong những vấn đề hết sức quan trọng là phải chuẩn hóa phương tiện chở khách đường thuỷ nội địa để đảm bảo an toàn trong quá trình phục vụ, vận chuyển khách thăm quan, du lịch trên vùng hồ Hòa Bình.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ phương tiện nâng cao nhận thức và ý thức về an toàn, trang bị an toàn cho phương tiện. Phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương có liên quan tiến hành rà soát và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát phương tiện thủy hoạt động vận chuyển hành khách trên vùng hồ Hòa Bình. Xử lý nghiêm những trường hợp phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, vi phạm các quy định về vận chuyển hành khách.

 

Trung tá Đinh Thị Thu Hằng

Phó Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh)


Các tin khác


Vận động phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế - mô hình mới, sáng tạo

(HBĐT) - "Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT – vì sức khỏe gia đình” – một mô hình với cách làm mới, sáng tạo đang góp phần cùng ngành bảo hiểm giải quyết vấn đề khó trong thực hiện mục tiêu vận động nhân dân mua BHYT một cách bền vững.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

(HBĐT) - Hòa Bình được biết đến là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng "Văn hóa Hòa Bình”. Hòa Bình còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhiều hang động đẹp, khu du lịch hồ Hòa Bình được ví như "vịnh Hạ Long trên cạn” với cảnh quan nên thơ, hữu tình. Tiềm năng du lịch phong phú là lợi thế để tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Nhà ở cho công nhân - vấn đề bức thiết chưa có lời giải


(HBĐT) - Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh đã tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhu cầu việc làm kéo nhiều lao động từ nông thôn đổ về các KCN, trong đó, nhiều nhất là KCN Lương Sơn và KCN bờ trái sông Đà. Thực tế này đặt ra nhu cầu nhà ở cho lao động nông thôn trở thành vấn đề bức thiết hiện nay.

Giải quyết dứt điểm tình trạng họp chợ lấn đường ở thị trấn Lương Sơn


(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đề cao vai trò của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền cơ sở, mặt trận và đoàn thể các cấp trong huyện, Lương Sơn đã tạo được kết quả khả quan trong triển khai "Tháng hành động” thiết lập lại trật tự đô thị, bảo vệ hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng đường, hè phố trên địa bàn. Những vấn đề nhức nhối họp chợ lấn đường nhiều năm ở khu vực thị trấn Lương Sơn đã cơ bản được giải quyết.

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp - khi nghị quyết đi vào cuộc sống

(HBĐT) - Với diện tích 354, 98 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 77,02% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh;70, 46 vạn người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 85% dân số, trong đó có 48, 49 vạn lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chiếm 68,83% dân số khu vực nông thôn, những năm qua tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực để tạo sức bật cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, lộ trình còn lắm gian nan.

Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy

(HBĐT) - Theo kết quả điều tra năm 2016, toàn tỉnh có 1.757 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, số người nghiện có mặt tại cộng đồng là 1.483 người, giảm 180 người so với năm 2015. 133/210 xã, phường, thị trấn có người nghiện, giảm 3 xã so với năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục