Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình ươm cây keo giống phục vụ kế hoạch trồng rừng 2017.
Thực trạng việc giao đất, giao rừng
Thực hiện Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ ban hành quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 548, ngày 29/11/1999 quy định hướng dẫn về giao đất, khoán rừng. Quán triệt chủ trương mỗi mảnh đất, mảnh rừng đều có chủ, từ năm 1994 - 1999, Chi cục Kiểm lâm, trực tiếp là Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố đã phối hợp với cơ quan địa chính hoàn thành cơ bản công tác giao đất, giao rừng, thực chất là giao đất lâm nghiệp có rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả đã giao tới cá nhân, hộ gia đình, thôn và một số tổ chức, doanh nghiệp đạt trên 80% diện tích đất lâm nghiệp, diện tích còn lại do UBND các xã quản lý.
Thực hiện Quyết định số 672, ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, xét duyệt cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp, UBND tỉnh có Chỉ thị số 04 ngày 17/4/2013 về việc tập trung chỉ đạo và tăng cường các biện pháp thực hiện việc cấp giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong năm 2013. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 340.138,26 ha, trong đó, diện tích đất có rừng 227.710,65 ha, diện tích đất không có rừng 112.427,61 ha. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao quyền sử dụng đất 217.245,95 ha, trong đó BQL rừng đặc dụng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên 40.531,17 ha; BQL rừng phòng hộ 2.410,94 ha; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp 11.197,70 ha; các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh 2.144,15 ha; các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài 68,13 ha; hộ gia đình, cá nhân 143.003,63 ha; cộng đồng dân cư thôn 48.771,19 ha; các đơn vị lực lượng vũ trang 615,14 ha; UBND xã 2.074,17 ha và các tổ chức khác 383,86 ha. Tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa giao quyền sử dụng đất 96.225,56 ha do UBND xã quản lý.
Hiệu quả sau khi giao đất
Trên thực tế, sau khi giao khoán đất và cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp cho chủ rừng, các chủ rừng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ đầu tư chăm sóc rừng. Hiện tượng phá rừng, khai thác rừng, lâm sản, lấn chiếm chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp đã giảm nhiều. ở nhiều nơi sau khi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp đã tổ chức kinh doanh và có thu nhập đáng kể từ rừng, đặc biệt là rừng trồng do chủ động xác định được cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở nhiều địa phương. Người dân đã tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng sản xuất, trong đó cây keo lai khẳng định được giá trị kinh tế với thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó đã hình thành nhiều trang trại nông, lâm nghiệp, mô hình kinh tế hộ gia đình có hiệu quả kinh tế cao ở các huyện Kim Bôi, Lạc Thuỷ...
Công tác trồng rừng được hiệu quả hơn với tỉ lệ thành rừng cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo, từng bước góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong tỉnh đã xuất hiện một bộ phận dân cư giàu lên từ nghề rừng, mở ra hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt nhiều khu rừng giao cho cộng đồng quản lý đã phát huy được tính tích cực của văn hoá làng xã từ lâu đời nên được bảo vệ rất tốt. Một số chủ rừng sau khi được thuê rừng đã chủ động kế hoạch sản xuất, vì vậy có nhiều hoạt động đầu tư thúc đẩy phát triển nghề rừng. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn đất. Đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 51%.
Người dân xã Tu Lý (Đà Bắc) chăm sóc rừng trồng năm thứ 2.
Vẫn còn những tồn tại
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một vài tranh chấp về quyền sử dụng đất lâm nghiệp giữa các hộ gia đình và tổ chức ở các xã Dân Hạ, Dân Hoà (Kỳ Sơn) và xã Tân Minh (Đà Bắc). Nguyên nhân là do hiểu biết pháp luật của người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng hạn chế, công tác giáo dục, tuyên truyền chính sách, pháp luật chưa thường xuyên, hiệu quả thấp. Ngoài ra, trình độ của cán bộ quản lý lâm nghiệp ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...
Theo ý kiến của Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Lê Minh Thủy, đến nay tỉnh mới tiến hành giao đất có rừng chứ chưa giao đất gắn với giao rừng nên chưa có căn cứ làm thước đo hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng; không thể định lượng hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để áp dụng các hình thức khen thưởng hay xử phạt phù hợp. Trên thực tế, tỉnh mới thực hiện giao 661 ha rừng cho 2 đơn vị. Cụ thể, giao 51 ha rừng phòng hộ cho Công ty Mai Bình tại xã Cun Pheo (Mai Châu) và giao 610 ha rừng sản xuất cho Công ty Phú Thịnh tại xã Tân Minh (Đà Bắc). Hầu hết các khu rừng giao cho cộng đồng là rừng tự nhiên sau khai thác, trữ lượng rừng thấp. Thường áp dụng phương pháp khoanh nuôi tái sinh, thiếu nguồn vốn đầu tư, thực hiện trồng bổ sung nâng cao chất lượng rừng. Diện tích rừng tự nhiên được giao cho hộ gia đình hầu như không mất nhưng kém phát triển do các hộ ít quan tâm. Lý do chủ yếu từ việc hưởng lợi từ rừng còn ít, rừng chưa mang lại hiệu quả về kinh tế cải thiện đời sống. Giao đất, khoán rừng theo Nghị định số 02/CP trên địa bàn tỉnh nhiều nơi chưa cụ thể, chưa chặt chẽ. Còn hiện tượng khó nhận biết được vị trí, ranh giới diện tích rừng được giao. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó có điều kiện, khả năng đầu tư KHKT và công nghệ tiên tiến, áp dụng cơ giới vào sản xuất.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Để quản lý và bảo vệ rừng cần thiết phải có chủ rừng thực sự. Do đó, để quản lý đất rừng hiệu quả cần xác định rừng sẽ giao cho ai. Chủ rừng được giao phải có năng lực quản lý, sản xuất và phải là người lao động trực tiếp. Giao đất, giao rừng phải đáp ứng chức năng mới là quản lý rừng bền vững. Vì vậy, cần làm sao để người dân làm chủ thực sự của rừng và đừng biến họ là lao động làm thuê. Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, liên doanh liên kết, hình thành các tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi trong lâm nghiệp. Đó là giải pháp quan trọng nhất để thu hút vốn đầu tư xã hội vào trồng rừng sản xuất.
Đinh Thắng