Lễ dựng cây nêu - nghi lễ đặc biệt của Lễ hội Gầu Tào.
Dựng cây nêu - nghi lễ đặc biệt của lễ hội Gầu Tào
Cây nêu trong lễ hội Gầu Tào mang biểu tượng cây thiêng nối trời với đất, nguyện cầu sinh con, vụ mùa bội thu. Từ lâu, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, người Mông thường dựng cây nêu và coi đây là biểu tượng thiêng liêng, tránh những xui xẻo và mang lại may mắn cho năm mới. Theo truyền thuyết, cây nêu được phục dựng với mục đích ban đầu nhằm không cho quỷ dữ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi con người cư ngụ. Tuy nhiên, theo thời gian, địa phương, dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết, ngày xuân đã trải rộng hơn.
Lễ dựng cây nêu bắt đầu từ nghi lễ chặt tre, người chủ lễ làm lễ, cầm ô che, vừa hát bài "chía dìn sê” (chặt cây nêu) vừa đi quanh gốc tre, sau mỗi vòng lại chặt một nhát. Hết bài hát, mọi người chặt tiếp để sao cho tre được đổ về phía mặt trời mọc và có người đỡ lên vai để tre không chạm đất. Sau đó, thân tre được tỉa nhẵn, còn ngọn để nguyên cành lá tượng trưng cho "bờm rồng” hay sự linh thiêng. Chủ lễ che ô cho cây, hát bài "cứ dìn sê” (vác cây nêu) để mọi người vác ra bãi hội, gốc hướng phía trước, ngọn phía sau, không chạm đất và không nghỉ giữa đường. Đến bãi hội, mọi người đào lỗ cắm cây tre, lúc này gọi là cây nêu và không trùng với lỗ của năm trước.
Chủ lễ buộc lên ngọn cây nêu hai dải vải lanh màu đen (sự tập hợp lực lượng) và đỏ (mời tổ tiên về dự hội), một bầu rượu, ba bông lúa nếp (tượng trưng cho tài lộc và một túm cây "sưi” (họ dương xỉ, tượng trưng cho sự sinh sôi) rồi mọi người cùng nhau dựng nêu, quay ngọn về hướng mặt trời mọc. Trên ngọn cây nêu còn treo một vòng tròn nhỏ, vòng tròn này buộc nhiều thứ khác nhau như lá phướn, những chiếc khánh (chuông gió) va vào nhau kêu leng keng trong gió. Chiếc khánh đồng âm với "khánh” có nghĩa là "phúc”- năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Trên cây nêu còn tre 1 quả bầu, bên trong có rượu và các hạt giống ngô, lúa, miếng vải lanh màu đỏ để kính báo với thần linh. Tất cả những vật ấy biểu tượng của phồn thực, của cầu mùa. Cây nêu được trang trí thêm các hình nộm, hoa văn rực rỡ màu sắc.
Trong lễ hội, cây nêu là tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ. Trong lễ hội Gầu Tào của người Mông, cây nêu được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng. Ngọn cây nêu bao giờ cũng hướng về hướng Đông, vì theo quan niệm của người Mông, hướng Đông là hướng sinh với mong muốn cầu sinh con, hướng của mặt trời với mong ước mùa màng bội thu. Khi dựng cây nêu xong, thầy cúng lo việc cúng lễ ngay dưới gốc cây nêu để trời đất, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, người người khỏe mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra, trồng trọt được mùa, chăn nuôi sinh sôi nảy nở…
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông
Từ lâu, lễ hội Gầu Tào được xem là biểu tượng văn hóa của người Mông. Lễ hội Gầu Tào đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 12/2012. Năm 2017, lần đầu tiên UBND tỉnh cho chủ trương phục dựng lễ hội Gầu Tào. Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông xã Pà Cò, huyện Mai Châu năm 2017 được phục dựng và tổ chức tại sân vận động xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò. Lễ hội phục dựng được sự tham gia, giúp đỡ tích cực của các già làng, trưởng bản, bà con 2 xã và cán bộ chuyên môn Sở VH-TT&DL, Phòng VH-TT huyện Mai Châu đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.
Ông Mùa A Kỷ, xóm Xà Lĩnh 1, xã Pà Cò đã ngoài 60 tuổi rất phấn khởi khi được tham gia lễ hội Gầu Tào. ông Kỷ chia sẻ: Lễ hội Gầu Tào là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng có tính truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc Mông. Từ nhỏ, tôi đã được nghe các ông, bà kể về lễ hội nhưng chưa một lần được tham gia. Năm 2017, bà con 2 xã Pà Cò, Hang Kia rất phấn khởi được Đảng, Nhà nước quan tâm tổ chức lễ hội Gầu Tào với những lễ nghi truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mông. Lễ hội được phục dựng đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
Tham gia lễ hội Gầu Tào, du khách được hòa mình vào nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Giao lưu, biểu diễn các tiết mục hát, múa ô, múa khèn, thổi sáo mang đậm bản sắc dân tộc Mông của đội văn nghệ ở các bản, làng trên địa bàn hai xã Pà Cò và Hang Kia. Trưng bày, giới thiệu các món ẩm thực truyền thống và sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng của người Mông ở địa phương, trong đó du khách chú ý nhất là khu vực làm dao thủ công và giã bánh dày truyền thống của các chàng trai khỏe mạnh người Mông. Khi hoàn thành khâu giã, các cô gái sẽ đảm nhận nhiệm vụ nặn và gói bánh dày mời du khách thưởng thức… Rời khu vực ẩm thực, du khách bị cuốn hút bởi tiếng reo hò, cổ vũ ở khu vực thi đấu các môn thể thao dân tộc như kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, chơi tu lu và tổ chức các trò chơi dân gian đặc trưng ở địa phương đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho lễ hội.
Từ thành công của lễ hội Gầu Tào xã Pà Cò năm 2017, năm 2018, lễ hội Gầu Tào tiếp tục được tổ chức tại xã Hang Kia. Lễ hội có 2 phần chính, phần lễ và phần hội, linh hồn của phần lễ là lễ chặt cây tre trang trí và dựng cây nêu. Phần hội là các tiết mục văn nghệ đến từ các xóm và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Mông. Việc tổ chức lễ hội Gầu Tào với mục đích cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sự khỏe mạnh, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc, ban cho dân bản, mở hội tạ ơn trời đất, núi rừng đã ban cho tài lộc, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng… Lễ hội Gầu Tào được tổ chức tại hai xã Pà Cò, Hang Kia không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho nhân dân mà còn là dịp tăng cường quảng bá, giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Mai Châu nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.
L.C