(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi và có nền văn hóa đặc sắc, huyện Mai Châu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Đặc biệt, việc được chính thức quy hoạch trở thành điểm du lịch quốc gia, Mai Châu có nhiều cơ hội đưa du lịch bứt phá. Tuy nhiên, làm sao để đánh thức được tiềm năng lợi thế và tận dụng được "thương hiệu” điểm du lịch quốc gia, biến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là trăn trở không chỉ của cấp ủy Đảng, chính quyền mà cả của người dân huyện Mai Châu.


Bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) là điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.

 

Tiềm năng du lịch lớn

Được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, đặc biệt là có nền văn hóa đa dạng với 7 dân tộc cùng chung sống, không quá khi nói rằng, Mai Châu là điểm đến lý tưởng cho những chuyến đi ngắn ngày với nhiều loại hình du lịch đa dạng. Đối với những "tín đồ”: du lịch phượt có lẽ không ai không biết đến điểm "check in” quen thuộc là đèo Đá Trắng, dốc Thung Khe hoặc trạm dừng chân Mai Châu. Còn đối với những người ưa du lịch văn hóa, trải nghiệm thì bản Lác là điểm dừng chân thú vị. Với hơn 700 tuổi, bản Lác chính là sự hòa quyện giữa nền văn hóa truyền thống và hiện đại. Đến bản Lác, du khách sẽ thỏa sức khám phá bản làng ngươi Thái với hàng trăm ngôi nhà sàn san sát, tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Thái, Mường hoặc leo núi, thưởng thức khung cảnh kỳ vĩ của hang Mỏ Luông, hang Chiều. Mai Châu cũng là lựa chọn hấp dẫn đối với những du khách muốn trải qua một kỳ nghỉ dưỡng đúng nghĩa với nhiều dịch vụ như thưởng thức đặc sản ẩm thực dân tộc, mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, tắm lá thuốc bắc…

Song song với việc phát triển các loại hình du lịch, huyện Mai Châu cũng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc biệt là quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng chí Hà Thị Hòa, Trưởng phòng VH – TT huyện Mai Châu cho biết: Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, huyện Mai Châu đã đa dạng các loại hình du lịch và xây dựng được nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch trải nghiệm đối với khách nước ngoài, du lịch văn hóa, nghỉ cuối tuần dành cho khách ở các thành phố lớn, homestay đối với học sinh, sinh viên, các nhóm gia đình. Gần đây, huyện cũng cho phục dựng nhiều lễ hội văn hóa truyền thống như lễ hội Xên bản, xên Mường của dân tộc Thái, lễ hội Gầu tào dân tộc Mông để thu hút khách du lịch.

Cùng với chú trọng các sản phẩm du lịch, huyện chỉ đạo, định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn, làm sao vừa gìn giữ được nét văn hóa truyền thống đồng thời vừa lịch sự, tiện nghi. Đến thời điểm này, huyện có 146 cơ sở kinh doanh, lưu trú du lịch trên địa bàn gồm 7 khách sạn, 22 nhà nghỉ, 117 nhà nghỉ cộng đồng với 13 xóm, bản có hoạt động du lịch cộng đồng.

Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Resort Mai Châu Ecologe (Nà Phòn), Villas Mai Châu (Mai Hịch), bản Lác..., du khách đến thăm quan du lịch tại Mai Châu ngày càng tăng. Năm 2016, huyện đón hơn 301 nghìn lượt khách. Năm 2017, huyện đón 324.536 lượt khách, trong đó, khách quốc tế 99.314 lượt, khách nội địa 225.22 lượt, tổng doanh thu đạt hơn 84 tỷ đồng.


Gầu tào - một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông được huyện Mai Châu phục dựng, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng năm.

 

Phát triển du lịch bền vững dựa trên những thế mạnh sẵn có

Du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện Mai Châu. Tuy nhiên, để thực sự đánh thức được tiềm năng, thế mạnh của huyện rất cần có giải pháp căn cơ hơn nữa. Thực tế lượng khách du lịch đông nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng, khách lưu trú ít, đặc biệt là khách nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp. Đồng chí Hà Thị Hòa, Trưởng phòng VH -TT huyện Mai Châu thừa nhận: Thế mạnh của huyện là du lịch cộng đồng, nhưng một số bản du lịch, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư nâng cấp, việc liên kết để tạo tour, tuyến du lịch giữa các địa phương hoặc trong vùng vẫn chưa được hình thành.

Cùng chung quan niệm này, chị Triệu Thị Quý, du khách đến từ Sơn La cho biết: Ngoài những bản đã có truyền thống nhiều năm làm du lịch cộng đồng thì những bản mới chất lượng dịch vụ chưa cao. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nhiều nguồn xuất xứ, không tạo được sản phẩm đặc trưng. Ngoài ra, bất lợi của Mai Châu là không có nhiều điểm để khám phá nhưng lại không có kết nối tuor nên chỉ thích hợp cho khách đi ngắn ngày, thậm chí trong ngày.

Đồng chí Hà Công Thẻ, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Mai Châu hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện sẽ lựa chọn đây là hai hướng chính để đầu tư du lịch một cách bền vững. Vì vậy, huyện xác định phát triển du lịch đặc thù như tìm hiểu thăm quan làng bản, trải nghiệm cuộc sống, ẩm thực địa phương, tham quan lễ hội truyền thống… đồng thời phát triển các sản phẩm bổ trợ phục vụ du khách như phát triển hệ thống cơ sở vui chơi giải trí theo hướng hình thành các công viên chuyên đề, công viên vui chơi khám phá nhằm, hình thành các tuyến du lịch liên kết quốc tế, liên tỉnh, liên vùng, du lịch đường thủy, nội vùng… Bên cạnh đó, huyện tăng cường thông tin tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch và nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng về ý nghĩa của việc bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch văn hóa.

 


Du khách nước ngoài nghỉ dưỡng tại điểm du lịch cộng đồng xã Mai Hịch (Mai Châu)


                                                                                  Đinh Hòa

Khảo sát để hình thành các tuyến du lịch hấp dẫn hơn:

Đỗ Lê Phương

Phó trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH -TT&DL)

Mai Châu là một điểm đến hấp dẫn đã được nhiều du khách biết đến. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa đặc sắc, con người thân thiện, Mai Châu có lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, loại hình du lịch homestay. Ngoài đồng bào Thái, ở Mai Châu có đồng bào dân tộc Mông tại hai xã Hang Kia, Pà Cò có những nét văn hóa đặc sắc, rất thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, để thực sự đánh thức được tiềm năng du lịch, Mai Châu cần quan tâm xúc tiến quảng bá để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm khai thác, hình thành thêm nhiều sản phẩm, tuyến du lịch và đa dạng hơn các hình thức du lịch. Đặc biệt cần nghiên cứu, khảo sát để hình thành các tuyến du lịch ở các vùng lân cận có tiềm năng như khai thác theo tuyến đi bộ Mai Châu – Hang Kia – Pà Cò – Vân Hồ (Sơn La) hoặc vùng Cun Pheo, Mai Hịch; đặc biệt là khai thác liên kết tuyến du lịch đường thủy từ đền Bờ, Bãi Sang, hang Miếng …

Bên cạnh đó, huyện nên phục dựng nhiều lễ hội cổ truyền dân tộc, tổ chức các phiên chợ vùng cao, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ kết hợp với các phiên chợ đêm. Mai Châu nên đầu tư một bảo tàng hoặc một phòng trưng bày về văn hóa Thái có quy mô để quảng bá văn hóa, đồng thời thu hút khách du lịch.

 

Quan tâm đến cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững :

Nguyễn Văn Thùy (Thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn)

Là khách du lịch đã nhiều lần đến Mai Châu, tôi rất ấn tượng với thiên nhiên, cảnh quan môi trường nơi này. ở đây có những dãy núi đá vôi hùng vĩ, những bản làng còn giữ nguyên nếp nhà sàn, những con đường chạy dưới chân núi rợp bóng cây rất thú vị để tản bộ hoặc đạp xe đạp.

Tuy nhiên, gần đây lên Mai Châu, tôi thấy những dãy núi đá vôi nằm ngay gần điểm du lịch nổi tiếng như bản Lác, xã Chiềng Châu đang bị khai thác làm vật liệu xây dựng. Nếu đạp xe dọc tuyến đường 15 nhìn vào giữa một dãy núi đã vôi hùng vĩ như vậy lại có những dãy núi bị đục khoét nham nhở thật đáng tiếc, thậm chí, công trường khai thác đá nằm gần ngay con đường đi bộ, đạp xe của du khách. Về lâu dài, nếu cứ tiếp tục cho khai thác đá mà không quan tâm đến cảnh quan thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch một cách bền vững.

 

Cần tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc:

Mạc Trọng Thơ ( Xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu)

 Huyện Mai Châu có nền văn hóa rất đặc sắc, hội tụ nhiều dân tộc nhưng tựu chung lại, người dân nơi đây rất thân thiện và mến khách. Người Thái, người Mường còn giữ gìn và bảo tồn được những nét văn hóa đặc sắc.

Theo tôi nghĩ, đây chính là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn du khách đến với Mai Châu, đặc biệt là khách nước ngoài.

Vì vậy, để phát triển du lịch, tôi nghĩ Mai Châu cần nhất chính là giữ cho được nét văn hóa của mình, từ nếp sinh hoạt nhà sàn, những lễ hội truyền thống, nghề dệt, nghề thêu của chị em phụ nữ Thái, Mông cho đến những điệu múa, điệu khèn. Chính điều này làm nên nét đặc trưng rất riêng, để văn hóa truyền thống hòa vào du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc.

 


 

Các tin khác


Ra quân huấn luyện năm 2018 và phát động phong trào thi đua “luyện giỏi, rèn nghiêm, kỷ cương hiệu quả”

(HBĐT) - Ngày 01/03, UBND huyện Mai Châu đã tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2018 và phát động phong trào thi đua"luyện giỏi, rèn nghiêm, kỷ cương hiệu quả”

Xã Hang Kia gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc Mông

(HBĐT) - Hang Kia là xã miền núi của huyện Mai Châu, nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển, cách thị trấn Mai Châu khoảng 30km. Đường lên xã khúc khuỷu, uốn lượn theo những sườn núi cao. Đời sống của bà con nơi đây còn phụ thuộc vào nương rẫy. Tại bản làng bé nhỏ này, người dân sống quây quần bên nhau, dựa vào nhau để mưu sinh.

Bếp lửa trong văn hóa tâm linh đồng bào Thái

(HBĐT) - Giữa đêm đông buốt giá, bếp lửa vẫn bập bùng trong những ngôi nhà sàn, tỏa ánh sáng ấm áp, che chở cho dân làng qua mùa đông lạnh lẽo. Bếp lửa là nơi để nấu cơm, sưởi ấm, nơi người già kể chuyện, người trẻ học những bài học cuộc đời, nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nơi tụ hội cho những câu hát khắp giao duyên, khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa… Đối với người Thái Mai Châu bếp lửa không chỉ là không gian sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh, nhân văn cao cả.

Tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương Mai Châu ngày càng đổi mới, phát triển

Nguyễn Đức Thịnh - Bí thư Huyện uỷ 
Chủ tịch HĐND huyện Mai Châu 
(HBĐT)- Huyện Mai Châu được thành lập năm 1886, tái thành lập năm 1957, là huyện miền núi cao của tỉnh Hoà Bình, giáp các huyện của tỉnh Sơn La, tỉnh Thanh Hóa. Tổng diện tích tự nhiên là 56.982,81 ha. Đến nay toàn huyện có 01 thị trấn và 22 xã, 138 xóm, tiểu khu. Dân số hơn 55.000 người; có 07 dân tộc sinh sống lâu đời trên địa bàn (người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 92%), trong đó dân tộc Thái chiếm 57,3%. Tính đến hết tháng 9 năm 2017, Đảng bộ huyện có 47 tổ chức cơ sở đảng (28 đảng bộ, 19 chi bộ), 273 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, trên 4.400 đảng viên.

Câu chuyện khuyến học của dòng họ Ngần

(HBĐT) - Dòng họ Ngần (huyện Mai Châu) gồm có 36 hộ dân tộc Thái sống chủ yếu ở xóm Nà Mèo (xã Nà Mèo), xóm Nà Cụt (xã Nà Phòn). Là dòng họ của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng dòng họ Ngần hiện có 13 đảng viên, 13 con, cháu có trình độ từ trung cấp trở lên; 4 người đang học từ trung cấp trở lên và 6 người có trình độ lý luận chính trị sơ cấp và trung cấp.

Đảng bộ xã Nà Mèo nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề

(HBĐT) - Mỗi quý 1 lần, vào ngày mùng 3 - 5 của tháng, các chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy xã Nà Mèo (Mai Châu) tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề, nội dung gắn với phát triển KT-VH-XH, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục