(HBĐT) - Hết mùa măng đắng, sau những trận mưa lớn, trên những dãy núi cao mây giăng trắng xóa, bà con người Thái ở xã Bao La (Mai Châu) lại cơm nắm đi đào một sản vật ngon nhất, nhì xứ này. Đó là một loại măng chỉ to bằng ngón tay trỏ của người lớn, mọc dại trên những dãy núi cao. Nơi đây, bà con gọi là măng chá hay ví von là măng "ngón tay”…



Khách hàng mua măng chá ở chợ phiên xã Bao La (Mai Châu).

Một ngày đầu tháng năm, chúng tôi có dịp về công tác tại xã vùng cao Bao La (Mai Châu). Tiết trời mưa phùn nhưng chợ phiên Bao La vẫn đông nghịt. Chợ phiên này có tuổi đời trên 20 năm và đều đặn họp vào sáng thứ sáu mỗi tuần. Đây là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa chủ yếu của bà con các xã Cun Pheo, Piềng Vế và Bao La. ấn tượng đầu tiên về chợ phiên này là những gian hàng được lợp bằng lá cọ, nằm san sát. Tại đây, hàng hóa được bày bán khá đa dạng, ngoài những mặt hàng được mang từ dưới xuôi lên thì những sản vật của núi rừng được bà con bày bán là điểm nhấn khá thú vị ở phiên chợ.
 
Mùa mưa nên khi rảo một vòng quanh chợ, chúng tôi bắt gặp những "thứ quà” đặc trưng chỉ mùa này mới có. Đó là những mớ rau rừng, cua, ốc núi, đặc biệt là măng chá, loại măng mà bà con nơi đây nói rằng ngon nhất trong các loại măng ở xứ núi. Măng chá thu hút ngay từ ánh nhìn đầu tiên, những bó măng xinh xắn, với cây chỉ to bằng ngón tay, dài khoảng một gang tay người lớn.
 
Chúng tôi dừng lại trước gánh hàng của bà Hà Thị Nhúa, xóm Vặn, xã Piềng Vế. Sau hai ngày lặn lội đi hái măng trên những triền núi, hôm nay, cùng với những túi cà chua bi, quả khảnh (cà dại), hoa đu đủ, bà Nhúa đem gần 20 bó măng chá ra chợ bán. Những bó măng vẫn còn nguyên vỏ, dính đất được bán với giá 10.000 đồng /bó. "Tôi không biết dưới xuôi gọi là măng gì nhưng ở đây chúng tôi gọi là măng chá. Măng này mọc dại trên núi, mỗi năm chỉ có một vụ, mỗi vụ kéo dài từ 2 - 3 tháng. Khi hết mùa măng đắng, thời tiết mưa ẩm thì măng chá mới nhú. Măng này ngon nhất, không măng nào ngon bằng đâu”, bà Nhúa mời chúng tôi mua hàng.
 
"Mua đi cháu, không mua thì chút nữa là hết đấy. Giờ đang mùa măng chá nhưng để đào được chục bó măng thì phải cơm nắm đi cả ngày đấy. Không phải ai cũng bỏ thời gian để đi đào măng trên rừng đâu”, cụ Hà Thị Nhót, xóm Vặn (Piềng Vế) ở gánh hàng kế bên nói sang. Quả đúng như vậy, chỉ ít phút, gánh măng của bà Nhúa đã bán hết. Nhiều người tìm khắp chợ cũng không còn măng để mua.
 
Với bà con ở các xã vùng cao nơi đây, từ xa xưa, cây măng chá rất đỗi thân thuộc. ông Hà Văn Hoan, xóm Báo, xã Bao La chia sẻ: Cây măng chá là loài mọc dại ở trên cao, không ai trồng, không ai chăm nom. Từ lâu, bà con đã chặt cây về làm hàng rào. ở khu vực này, măng chá mọc ở một số dãy núi của Bao La, Cun Pheo, đặc biệt là ở xóm Vế, xóm Vặn của xã Piềng Vế. "Chúng tôi chế biến dân dã lắm, cứ luộc lên hoặc nướng, chấm muối ăn. Nhiều người thì xào hoặc nấu canh, chế biến như nào thì măng chá cũng có hương vị riêng, khác với những loại măng khác”, ông Hoan chia sẻ.
 
Đến hơn 10 giờ, chợ phiên Bao La vãn dần, các gánh hàng của bà con cũng đã nhẹ. Chúng tôi may mắn mua được vài bó măng mang về. Quả thực, măng chá ngon, ăn một lần nhớ mãi. Nếu không luộc qua thì măng xào có vị đắng nhẹ, một chút ngòn ngọt, những người không ăn được măng đắng thì vẫn thưởng thức măng chá ngon lành. Còn khi đã luộc qua mới chế biến thì vị đắng không còn nữa.
 
Chợ phiên Bao La gây ấn tượng bởi sự đa dạng của những mặt hàng được chở từ dưới xuôi lên, của bà con địa phương đem ra bán. Mùa nào, thức nấy. Tại phiên chợ này, ngoài loại măng chá đặc biệt, chúng tôi còn tìm thấy những nét xưa cũ mà ít phiên chợ quê còn giữ được. 

                                                                                   Viết Đào

Các tin khác


Ông Mo Mùn và lễ hội Chá Chiêng trong đời sống người Thái

(HBĐT) - 1. Người Thái ở Mai Châu có quan niệm về sự tồn tại hai thế giới: Thế giới sự sống và thế giới cõi hư vô. Thế giới sự sống là thế giới mường trần gian, bao gồm tất cả các sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên và xã hội. Thế giới cõi hư vô bao gồm thế giới của mường trời, thế giới thần linh, ma quỷ, thế giới dưới mặt đất, thế giới dưới nước... không trực giác được. Người Thái quan niệm vạn vật hữu linh, muôn vật, muôn loài đều có hồn (Mí khoăn), đều có chủ cai quản (Mí chảu), tất cả dưới sự cai quản chung của đấng tối thượng là Then Luông (Đấng siêu nhiên cao cả ở mường trời). Dưới Then Luông là hệ thống các thứ cấp trên trần gian và thế giới khác.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

(HBĐT) - Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với việc đưa cây dưa hấu vào trồng trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, nhiều hộ ở xã Mai Hạ (Mai Châu) đã có nguồn thu nhập ổn định, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương.

Diện mạo nông thôn mới ở Mai Châu

(HBĐT) - Đến huyện vùng cao Mai Châu hôm nay, xen giữa cánh đồng lúa xanh mướt thấp thoáng những ngôi nhà sàn, con đường bê tông chạy dọc quanh ngõ xóm và cả những con đường mới được mở men theo triền núi như một nét chấm phá trong "bức tranh” NTM nơi đây. Bằng cách làm sáng tạo, cùng nội lực sức dân được phát huy, Mai Châu đang từng ngày khoác lên mình tấm áo mới. Cùng sự đổi thay diện mạo nông thôn, cuộc sống người dân ngày một ấm no với thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 25 triệu đồng/năm.

Mai Châu - điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5

(HBĐT) - Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp nên rất thuận lợi để lên kế hoạch cho những chuyến du lịch hấp dẫn. Xách ba lô lên và đi. Nhiều du khách đã lựa chọn Mai Châu là điểm đến lý tưởng nhất để tìm kiếm cho mình những trải nghiệm tuyệt vời.

Ngăn chặn xâm canh, xâm cư và xâm hại rừng tại khu vực suối Rằm, xã Cun Pheo

(HBĐT) - Xâm canh, xâm cư là câu chuyện xảy ra ở khu vực suối Rằm thuộc xóm Táu Nà, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu bắt đầu từ tháng 3/2016. Từ 1 hộ với 3 nhân khẩu người Mông ở bản Nà Lù, xã Piêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La tự ý di cư đến khu vực suối Rằm dựng lán trại và phát nương làm rẫy. Sau 2 năm, con số này tăng lên 38 hộ với 190 nhân khẩu. Những hộ di cư đều là người Mông thuộc huyện Bắc Yên, Phù Yên, tỉnh Sơn La và huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã sang xã Cun Pheo xâm canh, xâm cư đất nương làm rẫy, làm nhà gỗ và lập bàn thờ.

Sáng tạo gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc

(HBĐT) - Nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở huyện vùng cao Mai Châu, từ đầu năm học 2017 - 2018, trường tiểu học thị trấn Mai Châu đã phát động phong trào học sinh mặc trang phục dân tộc đến lớp vào một ngày trong tuần nhằm giúp các em thêm hiểu biết, trân trọng và tự hào về nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục