Các tuyến đường của xã Phúc Sạn (Mai Châu) bị mưa lũ phá hỏng bề mặt. ảnh chụp tại xóm Sộp.
Giao thông tê liệt, các phương tiện và người dân không thể đi lại được. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã họp bàn, xây dựng, triển khai đến các thành viên và nhân dân thực hiện phương châm "4 tại chỗ”. Thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát các trục đường bị cô lập để chủ động ứng phó với các tình huống đột xuất, bất ngờ. Bố trí lực lượng công an xã, dân quân tự vệ trực tại các ngầm, ngăn cấm người dân di chuyển khi nước lũ dâng cao.
Nhiều năm qua, giao thông tại xã Phúc Sạn luôn là trăn trở lớn của người dân. Đường giao thông chủ yếu là đường đất, rải cấp phối. Tổng chiều dài các tuyến đường toàn xã là 32,92 km thì chỉ có 7,56 km đường được đổ bê tông. Trên địa bàn xã hiện có 8 ngầm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Vào mùa mưa bão thường xuyên xảy ra tình trạng ngầm ngập nước, người dân không thể đi qua. Trong đó, xóm So Lo thường xuyên bị cô lập khi nước lũ dâng cao.
Năm 2016, tuyến đường liên xóm Nọt - So Lo bị mưa lũ phá hỏng, đến nay vẫn chưa khắc phục được. ông Bùi Văn An, Trưởng xóm Nọt chia sẻ: Xóm Nọt và xóm So Lo có hơn 100 hộ sinh sống. 2 xóm thông với nhau duy nhất bằng con đường liên xóm, thế nhưng mưa bão năm 2016 đã làm hư hỏng hoàn toàn đường giao thông. Người dân 2 xóm chỉ có thể đi bộ để trao đổi hàng hóa. Nông sản người dân sản xuất khó bán, giá thấp hơn so với các xóm nằm trên trục đường chính của xã. Trời mưa đường lầy lội, trơn trượt, học sinh phải nghỉ học. Người dân xóm Nọt và xóm So Lo mong muốn con đường liên xóm được khắc phục để người dân có thể thuận tiện đi lại, giao thương.
Giao thông khó khăn ảnh hưởng lớn đến phát triển KT - XH của xã. Qua tìm hiểu của chúng tôi, toàn xã Phúc Sạn có hơn 500 hộ sinh sống tại 8 xóm; thu nhập bình quân chỉ đạt hơn 9 triệu đồng/người/năm. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông - lâm - thủy sản. Sản phẩm của người dân khó tiêu thụ, bị tư thương ép giá. Sự chênh lệch về giá lâm sản giữa trục đường chính và trục đường xóm cũng khoảng vài giá. Ví dụ giá luồng bán tại trục đường ĐH 60 Phúc Sạn đi Đồng Bảng bao giờ cũng cao hơn 2 - 3 giá so với giá bán tại các trục đường thôn, đường liên xóm. Vào mùa mưa, nhiều khi giao thông cô lập, người dân không mang sản phẩm nông sản đi bán được nhiều sản phẩm bị hỏng.
Đồng chí Đinh Công Hanh, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Giao thông là nền tảng để phát triển KT - XH của mỗi địa phương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phúc Sạn tiếp tục huy động mọi nguồn lực khắc phục các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Chú trọng đầu tư, sửa chữa tuyến đường bị hỏng như tuyến liên xóm Nọt - So Lo để các phương tiện có thể hoạt động. Tuy nhiên, để xây dựng các công trình giao thông cần nguồn vốn lớn mà xã không thể đáp ứng được. Vì vậy, người dân xã Phúc Sạn rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thu Thủy
(HBĐT) - "Người dân tin vào Đảng, nghe theo Đảng, làm theo Đảng hay không phụ thuộc rất lớn ở vai trò của từng đảng viên. Vì vậy, phương châm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau” được coi là giải pháp hiệu quả, giải quyết mọi vấn đề tồn tại, phát sinh trên địa bàn xã” - đồng chí Hà Công Nhuân, Bí thư Đảng ủy xã Nà Phòn (Mai Châu) khẳng định.