(HBĐT) - Hiện nay, toàn huyện Mai Châu có 4.010 học sinh trường THCS và THPT. Nhằm thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, thời gian qua, huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hiệu quả các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh cuối bậc học.


 

Học sinhtrường THCS Nà Phòn trong giờ thực hành hướng nghiệp thực tế tại xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu).

 

Đầu năm học 2018 - 2019, Phòng GD&ĐT huyện Mai Châu phối hợp với Chương trình phát triển vùng tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 với hàng trăm học sinh các trường học trên địa bàn huyện tham gia. Tại đây, học sinh được cung cấp những thông tin hữu ích về các ngành, nghề trong xã hội và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Học sinh còn được xem những clip về chặng đường khởi nghiệp của các tỷ phú trên thế giới, đồng thời, chia sẻ cùng nhau những ước mơ, dự định ngành, nghề trong tương lai. Em Hà Minh Tâm, lớp 12A, trường THPT A huyện Mai Châu chia sẻ: Năm nay là năm cuối bậc học, nên việc tham gia buổi định hướng nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với em. Gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, em dự định học xong THPT sẽ học nghề để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, sớm có việc làm ổn định giúp đỡ bố mẹ. Bên cạnh đó, nhiều trường còn tổ chức các chuyến tham quan các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế về trồng trọt, chăm sóc các loại cây thế mạnh của địa phương. Tiêu biểu như trường THCS xã Nà Phòn cho đi thực nghiệm tại Bản Lác, Bản Văn; trường THCS thị trấn Mai Châu cho học sinh tham quan xưởng chế biến gỗ tại xã Chiềng Châu; trường THCS xã Phúc Sạn tổ chức cho học sinh tham gia mô hình chế biến đũa tại xóm Bãi Sang, xã Phúc Sạn….

Cô Hà Thị Thủy, Hiệu trưởng trường THCS xã Nà Phòn cho biết: Khi tham gia buổi nói chuyện và tìm hiểu về các mô hình hướng nghiệp, các em đã hiểu được vai trò, ý nghĩa của việc định hướng nghề nghiệp đối với thanh, thiếu niên; xu hướng và các yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong bối cảnh hiện nay. Quan trọng hơn là các em đã biết cách tự phân tích bản thân về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong tiếp cận với các cơ hội nghề nghiệp. Từ đó định hướng nghề nghiệp trong tương lai của bản thân; xác định được môn học sẽ được đầu tư nhiều hơn; khuyến khích các em say mê với môn học khi đã lựa chọn.

Ông Vũ Đức Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Châu cho biết: Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025.Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; bố trí giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh các trường để các em có sự lựa chọn đúng cho tương lai… Chương trình cũng cung cấp những thông tin về nghề nghiệp, việc làm các ngành nghề mới của xã hội và thị trường đối với nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong, ngoài nước hiện nay, nhằm giúp các em có cái nhìn đúng đắn về các công việc khi lựa chọn.

Thu Hường

(Trung tâm VH - TT&TT huyện Mai Châu)

Các tin khác


Huyện Mai Châu: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi

(HBĐT) -  Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Mai Châu, hiện toàn huyện có 24 trường mầm non với gần 4.500 trẻ. Trong đó có 1.318 trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, 3.178 trẻ lứa tuổi mẫu giáo. Đáng lưu ý là dân tộc Kinh chỉ chiếm 14%, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 86% dân số toàn huyện. Do đó, vấn đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã được huyện đặc biệt quan tâm.

Ấn tượng "Phiên chợ vùng cao" Mai Châu

(HBĐT) - Phiên chợ xuất hiện mới đây, không phải chợ truyền thống của đồng bào các dân tộc bao đời nay họp thành thông lệ. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu, mô hình đã được triển khai, xây dựng quy ước, quy định mỗi tuần họp 1 lần. Theo đó, "Phiên chợ vùng cao" Mai Châu họp vào các ngày chủ nhật tại sân vận động trung tâm huyện.

Mai Hạ - Nơi có nhiều cái nhất

(HBĐT) - Cách trung tâm huyện Mai Châu khoảng 6 km, Mai Hạ được biết đến như một xã vùng ven của thị trấn Mai Châu. Có tiềm năng, lợi thế, người dân khá nhanh nhạy với thời cuộc khiến Mai Hạ được biết đến là nơi có nhiều cái nhất.

Đoàn Thanh niên xã Tòng Đậu phát huy vai trò xung kích

(HBĐT) - Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, trong những năm qua, đoàn viên, thanh niên (ĐV - TN) xã Tòng Đậu (Mai Châu) đã xung kích, đi đầu trong phát triển kinh tế, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền xã chung tay xây dựng nông thôn mới, phát huy tốt vai trò xung kích của tuổi trẻ.

Xã Pù Bin quản lý, bảo vệ rừng nghiêm ngặt

(HBĐT) - Trong những năm qua, xã Pù Bin (Mai Châu) đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua đó trên địa bàn xã không xảy ra hiện tượng chặt phá, xâm hại tài nguyên rừng, diện tích rừng hiện có được bảo vệ nghiêm ngặt.

Mai Châu hỗ trợ 20 triệu đồng cho gia đình bị hỏa hoạn

(HBĐT) - Chiều ngày 24/2, đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu đã đến thăm hỏi, động viên và trao số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng cho gia đình ông Lò Văn Tâm – xóm Nà Thia, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu không may gặp hỏa hoạn thiêu cháy toàn bộ ngôi nhà sàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục