(HBĐT) - Đó là mục tiêu đặt ra đối với sản phẩm đặc sản ngô nếp Thung Khe ở giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, huyện Mai Châu sẽ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Ngô nếp Thung Khe – Mai Châu” nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng diện tích trồng, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho bà con địa phương.
Người dân xã Thung Khe giờ đây chuyển nhiều sang trồng ngô lai, không mặn mà với giống bản địa năng suất thấp. Đây là căn nguyên cấp thiết xây dựng nhãn hiệu ngô nếp Thung Khe (Mai Châu).
Trong những năm gần đây, kinh tế hàng hóa phát triển, nhu cầu sử dụng ngô làm thực phẩm ngày một đa dạng, phong phú. Ngô vừa làm rau cao cấp, ăn tươi (luộc, nướng), chế biến thành các món ăn được nhiều người ưa thích như ngô chiên, súp ngô, snack ngô hoặc đóng hộp làm thực phẩm xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài như Thái Lan, Đài Loan… Ngoài sản phẩm chính thì thân cây ngô còn được tận dụng làm nguồn thức ăn xanh đáng kể cho gia súc. Riêng hạt ngô nếp rất giàu lyzin, triptophan và protein, khi nấu chính có độ dẻo, mùi vị thơm ngon, tinh bột dễ hấp thụ hơn so với ngô tẻ. Đây vừa là nguồn lương thực quý, vừa là nguyên liệu quý cho công nghiệp thực phẩm. Vai trò của ngô nếp ngày càng được nâng lên nhờ những thành tựu trong nghiên cứu, chọn tạo và mở rộng giống lai cho năng suất khá mà vẫn giữ được chất lượng đặc biệt vốn có.
Ngô nếp Thung Khe với đặc điểm bắp to, hạt chắc, thơm, dẻo là sản phẩm đặc thù, có tiếng về chất lượng của xã Thung Khe. Tuy nhiên, có một thực tế là việc phát triển sản phẩm này đang gặp phải không ít khó khăn như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất cũng như chất lượng chưa xứng với tiềm năng của giống. Mặt khác, sản phẩm chưa có đầu ra bền vững dẫn đến thu nhập của người sản xuất chưa cao. Vấn đề chưa tạo lập, xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận dẫn đến giá trị sản xuất thấp, khó trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như ngoài nước thấp hơn so với sản phẩm cùng loại.
Để duy trì danh tiếng sản phẩm và nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất, kinh doanh ngô nếp Thung Khe, Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với UBND huyện Mai Châu xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý và hệ thống các phương tiện khai thác giá trị nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời xây dựng và nhân rộng mô hình mẫu về tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận ngô nếp Thung Khe. Theo đồng chí Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, cùng với Sở KH&CN thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, UBND huyện đã phối hợp tốt trong việc triển khai các nội dung chính. Trước hết là tiến hành điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên, KT-XH, thu thập tài liệu liên quan về vùng địa danh, lịch sử, uy tín, thị trường và giá trị về mặt KT-XH của vùng trồng ngô nếp Thung Khe. Điều tra, khảo sát về quy mô, hiện trạng, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản ngô nếp Thung Khe và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thu thập các tài liệu, số liệu và kết quả nghiên cứu về tính chất đặc thù của ngô nếp Thung Khe nhằm xác định sơ bộ các thông tin về yếu tố đặc thù.
Trên lộ trình xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận Ngô nếp Thung Khe, huyện đang tích cực phối hợp để thiết kế, thống nhất lựa chọn mẫu nhãn hiệu chứng nhận, tiêu chí cần chứng nhận, quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Bước tiếp theo là nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận Ngô nếp Thung Khe, tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận. Xây dựng hệ thống chứng nhận, quản lý chứng nhận bằng các quy chế cụ thể như: quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận, quy chế về việc cấp, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận. Song song với đó là tăng cường năng lực về quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu trong sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, kỹ năng kinh doanh, phát triển thị trường. Dự kiến tổ chức, cơ quan, địa chỉ ứng dụng kết quả tạo ra nhãn hiệu chứng nhận sẽ là các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh sản phẩm ngô nếp Thung Khe trên địa bàn tỉnh.
Bùi Minh
(HBĐT) - Mai Châu là huyện vùng cao, có nhiều xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên nhận thức, hiểu biết về pháp luật của bà con chưa đồng đều. Đây cũng là địa phương có những điểm nóng về ANTT, đặc biệt là tội phạm về ma túy. Do đó, để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) giữ vai trò hết sức quan trọng.
(HBĐT) -Ngày 28/3, UBND huyện Mai Châu tổ chức hội thảo phát triển du lịch cộng đồng huyện năm 2019. Dự hội thảo có lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban, hộ gia đình kinh doanh du lịch homestay các xã Chiềng Châu, Nà Phòn và thị trấn Mai Châu.
(HBĐT) - Được xây dựng và đi vào hoạt động cách đây 10 năm, mô hình dân vận khéo "Địa bàn không có ma túy” ở xóm Tòng, xã Tòng Đậu (Mai Châu) cho thấy hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng, chống ma túy. Hơn 10 năm nay, xóm không để xảy ra trường hợp buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
(HBĐT) - Huyện ủy Mai Châu đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt triển khai thực hiện chuyên đề năm 2019 về "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho cán bộ, Đảng viên, các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể của huyện.
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Mai Châu, hiện toàn huyện có 24 trường mầm non với gần 4.500 trẻ. Trong đó có 1.318 trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, 3.178 trẻ lứa tuổi mẫu giáo. Đáng lưu ý là dân tộc Kinh chỉ chiếm 14%, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 86% dân số toàn huyện. Do đó, vấn đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã được huyện đặc biệt quan tâm.
(HBĐT) - Phiên chợ xuất hiện mới đây, không phải chợ truyền thống của đồng bào các dân tộc bao đời nay họp thành thông lệ. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu, mô hình đã được triển khai, xây dựng quy ước, quy định mỗi tuần họp 1 lần. Theo đó, "Phiên chợ vùng cao" Mai Châu họp vào các ngày chủ nhật tại sân vận động trung tâm huyện.