(HBĐT) - Năm 2019, xã Tân Sơn (Mai Châu) vừa tròn 20 năm thành lập (năm 1999 xã được chia tách từ xã Bao La). Dẫu còn nhiều trở ngại khi cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chưa đồng bộ; đời sống người dân vẫn khó khăn nhưng cái được lớn nhất sau những nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã trong phát triển KT-XH, chăm lo đời sống người dân chính là sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của bà con khi từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường, sản xuất biết đầu tư và áp dụng tiến bộ kỹ thuật.
Người dân xóm Bò Báu, xã Tân Sơn (Mai Châu) đầu tư trồng su su theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch.
Theo số liệu thống kê, xã Tân Sơn có 304 hộ, 1.205 khẩu với 93,38% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 66%, dân tộc Dao 13,4%, dân tộc Mường 12,4% và một số dân tộc khác. Chủ tịch UBND xã Hà Văn Dung cho biết: Xã có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, đất dốc nhiều, sản xuất chỉ 1 vụ lại phụ thuộc phần lớn vào tự nhiên là nguyên nhân chính khiến Tân Sơn thuộc diện nghèo nhất huyện. Song, một nguyên nhân nữa là thói quen sản xuất tự cấp, tự túc. Trước đây, bà con quanh quẩn với cây lúa, cây ngô, trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Tiền chi tiêu hàng ngày không có mà nhiều khi cây trái trong vườn chín rụng đầy gốc bà con không biết mang bán. Nay thì khác rồi, mỗi khi xuống huyện, thấy bà con mình mang hàng xuống chợ mà vui. Không chỉ bán nông sản làm ra, nhiều hộ năng động đã tranh thủ lợi thế về giao thông trên quốc lộ 6 để kinh doanh dịch vụ. Hộ thì tận dụng thời gian nông nhàn phát triển nghề mây tre đan, thêu, dệt thổ cẩm mang bán tại chợ phiên mỗi tuần. Bà con dần làm quen với sản xuất hàng hóa nên cuộc sống ngày một cải thiện .
Sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của người dân Tân Sơn còn được thể hiện rõ nét khi đồng đất quê nhà đã có cây trồng mang giá trị hàng hóa. Ngoài duy trì diện tích lúa gần 30 ha và khoảng 120 ha ngô, vài năm gần đây, các gia đình đã đầu tư trồng chanh leo, mở rộng diện tích cây hàng năm như dong, lạc, gừng, đậu các loại, cây ăn quả và trồng rau sạch. Năm 2018, toàn xã trồng hơn 8 ha chanh leo, 6 ha bí cô tiên, năng suất đạt 100 tạ/ha. Đặc biệt, thông qua HTX Tam Hòa, hàng trăm hộ đã tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau các loại đảm bảo an toàn thực phẩm với quy mô 25 ha trồng rau su su, cải ngọt, cải chíp, cải bắp... Toàn bộ sản phẩm được HTX thu mua, cung cấp cho hàng chục cửa hàng rau sạch ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên... Hình thức liên kết sản xuất này không những mang lại thu nhập mà quan trọng hơn cả đã giúp người dân biết ứng dụng KHKT vào sản xuất và tiếp cận với sản xuất hàng hóa, có đầu tư, có tích lũy.
Đưa khách thăm mô hình trồng su su theo tiêu chuẩn VietGAP, Chủ tịch UBND xã Hà Văn Dung phấn khởi chia sẻ: Thành công lớn nhất của xã trong những năm qua là đã coi trọng và đạt được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Xã chú trọng chăm lo sự nghiệp GD&ĐT giúp nâng cao dân trí. Chính những con em của xã được đi học tập, đào tạo hay thực hiện nghĩa vụ quân sự khi trở về địa phương đã trở thành những người tiên phong trong việc chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm để bà con làm theo. Hơn nữa, từ đặc thù của xã có đông người dân tộc thiểu số sinh sống nên chúng tôi luôn xác định phải hiểu phong tục tập quán, nắm được cơ sở thì việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước mới nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Chính vì vậy, trong đội ngũ cán bộ xã được cơ cấu có các dân tộc chính. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chủ chốt đều nghe và nói được tiếng đồng bào Thái, Dao, Mường, từ đó có nhiều thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động.
Nỗ lực chăm lo đời sống người dân, năm 2018, xã Tân Sơn đạt thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người, tăng 2,5 triệu đồng/người so với năm 2016. Toàn xã giảm gần 4% hộ nghèo. Đây là kết quả đáng khích lệ để xã vùng 135 Tân Sơn tiếp tục đà phát triển.
Bình Giang
(HBĐT) - Huyện ủy Mai Châu đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt triển khai thực hiện chuyên đề năm 2019 về "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho cán bộ, Đảng viên, các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể của huyện.
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Mai Châu, hiện toàn huyện có 24 trường mầm non với gần 4.500 trẻ. Trong đó có 1.318 trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, 3.178 trẻ lứa tuổi mẫu giáo. Đáng lưu ý là dân tộc Kinh chỉ chiếm 14%, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 86% dân số toàn huyện. Do đó, vấn đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã được huyện đặc biệt quan tâm.
(HBĐT) - Phiên chợ xuất hiện mới đây, không phải chợ truyền thống của đồng bào các dân tộc bao đời nay họp thành thông lệ. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu, mô hình đã được triển khai, xây dựng quy ước, quy định mỗi tuần họp 1 lần. Theo đó, "Phiên chợ vùng cao" Mai Châu họp vào các ngày chủ nhật tại sân vận động trung tâm huyện.
(HBĐT) - Cách trung tâm huyện Mai Châu khoảng 6 km, Mai Hạ được biết đến như một xã vùng ven của thị trấn Mai Châu. Có tiềm năng, lợi thế, người dân khá nhanh nhạy với thời cuộc khiến Mai Hạ được biết đến là nơi có nhiều cái nhất.
(HBĐT) - Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, trong những năm qua, đoàn viên, thanh niên (ĐV - TN) xã Tòng Đậu (Mai Châu) đã xung kích, đi đầu trong phát triển kinh tế, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền xã chung tay xây dựng nông thôn mới, phát huy tốt vai trò xung kích của tuổi trẻ.
(HBĐT) - Trong những năm qua, xã Pù Bin (Mai Châu) đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua đó trên địa bàn xã không xảy ra hiện tượng chặt phá, xâm hại tài nguyên rừng, diện tích rừng hiện có được bảo vệ nghiêm ngặt.