(HBĐT) - Nói đến Pà Cò (Mai Châu), ngoài vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà tạo hóa ban tặng, không thể không nói đến bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Trong đó, văn nghệ quần chúng vẫn giữ được những nét riêng đặc trưng của đồng bào Mông với những điệu múa khèn bè, khèn lá, sáo… được các chàng trai, cô gái biểu diễn làm say đắm lòng người.
Anh Sùng A Bô, công chức văn hóa xã Pà Cò cho biết: Văn nghệ quần chúng ở xã Pà Cò ngày càng phát triển rộng khắp, thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia vào các đội văn nghệ xóm, bản. Hiện nay, toàn xã có 7 đội văn nghệ, mỗi đội có từ 15-20 thành viên. Các đội văn nghệ của xã đều xây dựng quy chế hoạt động, tự mua sắm trang phục và trang thiết bị cần thiết để hoạt động, biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, Tết, các dịp kỷ niệm lớn của đất nước. Mỗi dịp biểu diễn không chỉ phục vụ người dân trên địa bàn mà còn là dịp để thành viên các đội văn nghệ học hỏi, giao lưu, trao đổi thêm nhiều kiến thức, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chị Sùng Y Hạnh, đội văn nghệ xóm Trà Đáy chia sẻ: Đội văn nghệ xóm được thành lập với gần 20 thành viên, không chỉ có các bà, các mẹ là những hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, am hiểu về truyền thống văn hóa mà còn có nhiều bạn trẻ chung niềm đam mê ca hát cùng tham gia luyện tập, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít hơn. Từ khi xóm hình thành phát triển du lịch cộng đồng, đã có nhiều đoàn du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại các homestay, đội văn nghệ xóm cũng thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Nét đặc biệt trong phong trào văn nghệ quần chúng nơi đây chính là vẫn còn giữ được phần lớn các điệu múa, điệu khèn và dân ca truyền thống của đồng bào Mông. Tại các buổi biểu diễn, các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống với khèn, chiếc ô trong tay cùng cất lên những giai điệu rộn ràng, tiết tấu nhanh với những vũ điệu múa khèn điêu luyện làm say đắm lòng người. Anh Sùng A Thông, xóm Pà Háng Lớn chia sẻ: Con trai Mông khi lớn lên đều phải tập thổi khèn và thường được học từ ông, bố và những người lớn tuổi. Học thổi khèn rất khó vì không có giai điệu mà người tập phải theo cảm nhận và phải thuộc bài dân ca Mông. Khi thổi kèn phải kết hợp các vũ điệu như đan chân, nhảy giật lùi, vặn người… Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái thường theo tiếng khèn tìm đến để trò chuyện.
Văn nghệ quần chúng phát triển làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân địa phương. Các tiết mục văn nghệ chủ yếu do chính thành viên dàn dựng với nhiều loại hình sáng tạo, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới… Anh Sùng A Bô cho biết thêm: Việc đẩy mạnh xây dựng đội văn nghệ quần chúng góp phần thông tin chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tới bà con. Qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ, chất lượng các đội văn nghệ ngày càng được nâng cao, nhiều tiết mục văn nghệ hay được lựa chọn biểu diễn tại các hội thi, hội diễn của huyện, tỉnh tổ chức được đánh giá cao. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao hưởng thụ về đời sống văn hóa cho bà con, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội.
Hồng Ngọc